Hoạt động giáo dục truyền thông

Cập nhật: 12/13/2014 - Lượt xem: 27264
1. TRUYỀN THÔNG GIÁO DỤC DINH DƯỠNG LÀ GÌ

TTGDDD ở tuyến cơ sở là hoạt động cung cấp, chia sẻ, trao đổi thông tin, kiến thức giữa cộng tác viên, nhân viên y tế và các nhóm đối tượng (chủ yếu là bà mẹ có con dưới 5 tuổi, các thành viên trong gia đình và những người gần gũi khác) nhằm thuyết phục động viên và giúp đỡ họ có cách thức hành đúng trong chăm sóc và nuôi trẻ tại nhà.

Kết quả mong đợi là:

  • Bà mẹ có kiến thức đúng

  • Bà mẹ có cách thực hành mới, tích cực, biểu hiện bằng:

          +  Dừng một nếp quen cũ có hại.

          +  Làm thử và duy trì cách thực hành mới.


Như vậy, hoạt động mức 1 là trao đổi, cung cấp các thông tin thiết yếu. Mức 2 là động viên, giúp đỡ bà mẹ áp dụng các thực hành mới tại gia đình.

2. CÁC HÌNH THỨC TRUYỀN THÔNG, GIÁO DỤC DINH DƯỠNG

Truyền thông trực tiếp: Truyền thông trực tiếp là quá trình tương tác mặt đối mặt giữa người với người bằng ngôn ngữ có lời và ngôn ngữ không lời giữa người làm truyền thông với đối tượng nhằm giúp đối tượng thay đổi hành vi sức khoẻ. Truyền thông trực tiếp đã được thừa nhận là phương pháp có hiệu quả nhất để giúp đối tượng thay đổi hành vi. Đối tượng của truyền thông trực tiếp có thể là một người hay một nhóm người.

Truyền thông gián tiếp: Truyền thông gián tiếp là quá trình chuyển tải các thông điệp từ nguồn phát đến người nhận thông qua các phương tiện truyền thông; có thể bằng chữ viết (tài liệu, sách, báo, internet…), lời nói hoặc âm thanh (băng tiếng, phát thanh), có thể bằng hình ảnh (tranh ảnh, đèn chiếu…), hoặc vừa có hình ảnh động vừa có lời giải thích, thuyết minh hình ảnh (băng hình, phim nhựa…). Là phương thức truyền thông được thực hiện qua các phương tiện thông tin đại chúng (tivi, đài phát thanh, loa truyền thanh, báo, tạp chí, bản tin…) và các tài liệu truyền thông khác (áp phích, tranh gấp, tranh lật, sách hướng dẫn…).

Những phương tiện truyền thông này tùy tính chất và kỹ thuật mà tác động đến người nhận thông điệp qua các giác quan như mắt, tai hoặc vừa tác động đến cả mắt lẫn tai (các phương tiện nghe - nhìn)…các phương tiện như báo chí, phát thanh, truyền hình của Trung ương hay của địa phương, của các ngành, đoàn thể được gọi chung là các phương tiện truyền thông đại chúng.

So sánh giữa truyền thông trực tiếp và truyền thông gián tiếp


 Đặc điểm
Truyền thông trực tiếp
Truyền thông gián tiếp
 Ưu điểm
Người truyền thông có thể biết được kiến thức, thái độ và thực hành của đối tượng như thế nào, nhờ vậy có thể điều chỉnh nội dung và cách truyền đạt cho phù hợp với từng đối tượng.
  • Người truyền thông có thể nhận được thông tin phản hồi từ đối tượng do đó hiểu được tâm tư, tình cảm, hoàn cảnh, khó khăn của đối tượng và dễ dàng đánh giá được hiệu quả của truyền thông.

  • Là kênh truyền thông có hiệu quả nhất, có tính quyết định đến sự thay đổi hành vi của đối tượng.
  • Nội dung truyền thông mang tính thống nhất, tin cậy.

  • Có khả năng truyền tin nhanh, đến được nhiều người và nhiều nhóm đối tượng cùng một lúc

  • Các nội dung có thể phát đi phát lại nhiều lần.

  • Tạo ra được dư luận và môi trường xã hội thuận lợi cho việc thay đổi thái độ và hành vi của đối tượng.
Nhược điểm
Truyền thông trực tiếp chỉ tiếp cận đến một nhóm đối tượng hạn chế, vì vậy khó có đủ nhân lực làm công tác truyền thông cho quảng đại quần chúng nhân dân.

  • Người truyền thông đòi hỏi phải có kiến thức, kỹ năng cần thiết để đáp ứng với nhu cầu của các đối tượng.

  • Hiệu quả của truyền thông phụ thuộc vào năng lực và khả năng của truyền thông viên, do đó họ cần phải được đào tạo tốt.

Thông tin đại chúng chỉ có khả năng cung cấp kiến thức, nếu chỉ thực hiện riêng truyền thông gián tiếp sẽ khó làm thay đổi hành vi của đối tượng.

  • Khó thu được thông tin phản hồi do đó khó đánh giá được hiệu quả truyền thông.

  • Đòi hỏi phải có những trang thiết bị phục vụ quá trình truyền và nhận tin như đài phát, tivi, đài thu, cơ sở in ấn….


3. CÁC HÌNH THỨC TRUYỀN THÔNG TRỰC TIẾP:


3.1. Thăm hộ gia đình:

Trường hợp cần đến thăm: Những gia đình có trẻ dưới 2 tuổi có bất ổn về dinh dưỡng và sức khoẻ(suy dinh dưỡng, tiêu chảy, ốm, trẻ không lên cân hoặc tụt cân; Những bà mẹ có thai không đi khám thai hoặc đang có những vấn đề cần giúp đỡ (trong phạm vi dinh dưỡng và sức khoẻ).

              
CTV dinh dưỡng đến thăm gia đình có con nhỏ < 5 tuổi

Mục đích của việc đến thăm:


  • Kiểm tra sức khoẻ, quan sát tìm hiểu tình huống.
  • Kiểm tra việc thực hiện các lời khuyên mà bạn đưa ra trước đó(nếu có)

  • Cung cấp thêm kiến thức.

  • Trao đổi kinh nghiệm với các bà mẹ, cùng thảo luận về một vấn đề cụ thể với bà mẹ hoặc các thành viên khác trong gia đình.

  • Giúp bà mẹ thực hành một ý tưởng hay một hành động.

  • Lôi cuốn sự ủng hộ và chia sẻ của các thành viên trong gia đình nhất là người chồng trong việc chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ.

-    Các bước trong cuộc đến thăm hộ gia đình:

  • Chào hỏi, giới thiệu bản thân và mục đích của cuộc đến thăm.

  • Quan sát và hỏi thăm sức khoẻ của mọi thành viên trong gia đình.

  • Hỏi thăm việc chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ, kiểm tra việc thực hiện các lời khuyên bạn đưa ra trước đó.

  • Tiến hành khuyên bảo hoặc làm mẫu nếu bạn thấy cần thiết.

  • Chào và cảm ơn gia đình trước khi ra về, hẹn lần sau đến thăm lại.

-    Kỹ năng đến thăm hộ gia đình:

  • Tôn trọng các quy tắc xã giao, phong tục của địa phương và của gia đình.

  • Tạo không khí vui vẻ, thân thiện, cảm thông.

  • Lắng nghe, quan sát và xác định các vấn đề khó khăn trong chăm sóc dinh dưỡng của trẻ tại gia đình.

  • Trao đổi và hướng dẫn thực hành chăm sóc trẻ một cách gắn gọn, rõ ràng.

  • Không nói dông dài những điều không cần thiết vì gia đình có thể bận nhiều việc khác.

  • Nên khuyến khích, động viên, hạn chế chê bai.

  • Khi đến thăm hộ gia đình hãy mang theo tài liệu truyền thông và sổ tay để ghi lại các thông tin cần thiết.

3.2. Thảo luận nhóm: Là một buổi thảo luận trong đó nhiều người cùng trao đổi, chia sẻ, bàn bạc về một chủ đề đang được quan tâm. Đây là phương pháp thông dụng và có hiệu quả trong truyền thông thay đổi hành vi dinh dưỡng. Nhóm thảo luận tối đa không quá 20 người. Trung bình nhóm thảo luận có từ 7-10 người.

               
                     Thảo luận nhóm các bà mẹ

Mục đích của thảo luận nhóm:


  • Hỗ trợ và động viên các thành viên trong nhóm thực hiện và duy trì các họat động có liên quan đến nuôi dưỡng và chăm sóc bà mẹ, trẻ em.

  • Trao đổi kinh nghiệm và kỹ năng để mọi người học tập lẫn nhau. Ví dụ: trong nhóm các phụ nữ đang mang thai, những người đã từng sinh con sẽ chia sẻ kinh nghiệm về việc đi khám thai, ăn uống đủ dinh dưỡng và việc chuẩn bị đón đứa trẻ chào đời cho những phụ nữ mang thai lần đầu.

  • Tạo khả năng để các thành viên đóng góp sức lực của mình giúp đỡ những thành viên trong nhóm gặp khó khăn.

  • Ví dụ: Các thành viên trong nhóm chia sẻ kinh nghiệm, giúp giống cây để trồng các loại rau giàu vitaminA và chất sắt để đưa vào bữa ăn cho trẻ....

Chuẩn bị cho một cuộc thảo luận nhóm:

  • Chọn chủ đề mà đối tượng quan tâm và cần giải quyết, với mỗi nhóm đối tượng sẽ có các vấn đề quan tâm khác nhau.

  • Ví dụ: phụ nữ mang thai những tháng đầu sẽ mong muốn được biết các thông tin về khám thai, uống viên sắt và chế độ ăn uống như thế nào để mẹ khoẻ, thai khoẻ. Những phụ nữ có con dưới 1 tuổi quan tâm đến chế độ nuôi dưỡng trẻ, làm thế nào để trẻ ăn tốt, lên cân đều và không bị suy dinh dưỡng.

  • Thu thập thông tin về chủ đề sẽ thảo luận.



       Truyền thông trực tiếp đến nhóm bà mẹ

  • Chuẩn bị thời gian và điạ điểm yên tĩnh, thuận tiện để mọi người có thể đến dự đông đủ.

  • Chuẩn bị phương tiện, nội dung và một số câu hỏi trong khi thảo luận.

  • Thông báo cho lãnh đạo địa phương và đối tượng biết.

Các bước tiến hành thảo luận nhóm:


  • Bước 1: Giới thiệu đối tượng tham dự và truyền thông viên. Nêu chủ đề sẽ thảo luận.

  • Bước 2: trao đổi để tìm hiểu kinh nghiệm của mọi người về vấn đề này: Họ biết gì? Họ đã làm gì? kết quả ra sao? Họ cảm thấy thế nào về chủ đề này? Hãy khen ngợi những ý kiến hay. Không nên chê bai những điều mà mọi người làm chưa đúng, chỉ nên nhắc nhở, rút kinh nghiệm nhẹ nhàng. Tốt nhất bạn hãy giúp đỡ để đối tượng tự nhận ra những điều tốt.

  • Bước 3: Bổ sung thêm thông tin cho chính xác và đầy đủ, cung cấp thêm kỹ năng mới nếu cần thiết.

  • Bước 4: Tìm hiểu xem mọi người có khó khăn gì khi thực hiện hành vi mới, nếu có hãy cùng mọi người thảo luận để giải quyết.

  • Bước 5: Cuối cùng, hãy tóm tắt các điểm chính và thống nhất cam kết của mọi người thực hiện hành vi mới.

Các kỹ năng để tổ chức tốt thảo luận nhóm:

  • Chuẩn bị tốt chủ đề, các câu hỏi, các tình huống liên quan.

  • Bầu nhóm trưởng là người tháo vát, được tín nhiệm, nói năng lưu loát.

  • Giải thích cặn kẽ, rõ ràng, đảm bảo đối tượng hiểu được yêu cầu của buổi thảo luận.

  • Khuyến khích đối tượng tham gia tích cực: cố gắng lôi kéo những người nhút nhát, ít nói vào cuộc bằng cách mời họ phát biểu. Hạn chế những người nói quá nhiều và nói thường xuyên bằng cách cảm ơn sự đóng góp của họ rồi mời người khác phát biểu.

  • Điều chỉnh kịp thời không để buổi thảo luận đi chệch hướng: Hãy nhắc lại câu hỏi thảo luận để đối tượng tập trung hơn vào chủ đề chính, nếu cần thì viết to chủ đề thảo luận lên bảng để mọi người có thể nhìn thấy dễ dàng.

  • Khéo léo giải quyết nếu xảy ra mâu thuẫn khi tranh luận hoặc đối tượng đưa ra các thông tin sai: Nhẹ nhàng giải thích đưa ra các thông tin đúng, dung hoà các ý kiến và đi đến ý kiến thống nhất.

  • Khi gặp phải câu hỏi khó: huy động kinh nghiệm của các thành viên trong nhóm, hoặc hẹn sẽ tìm hiểu vấn đề kỹ hơn rồi trả lời đối tượng vào lần sau.

3.3. Mở các lớp học cách nuôi con khoẻ:

  • Mục đích là cung cấp những kiến thức thiết yếu về cách chăm sóc và dinh dưỡng cho phụ nữ khi mang thai, làm mẹ-nuôi con khoẻ (không bị suy dinh dưỡng) cho các đối tượng trước khi lấy chồng, phụ nữ mang thai, bà mẹ có con nhỏ dưới 2 tuổi.

  • Khác với các buổi nói chuyện, lớp học có người giảng, có chương trình học, có tài liệu cho học viên, có một số dụng cụ phục vụ cho việc giảng bài. Học viên phải có vở, bút ghi chép đầy đủ.

  • Giảng viên của lớp học thường là nhân viên y tế, các cộng tác viên phụ nữ hoặc cộng tác viên dinh dưỡng đã tham gia các lớp tập huấn về dinh dưỡng trong chăm sóc sức khoẻ bà mẹ- trẻ em trước đó và có kỹ năng trong công tác truyền thông.

  • Học viên của các lớp học này có thể là thiếu nữ sắp đến tuổi lấy chồng, các bà mẹ trẻ hoặc các đối tượng khác có liên quan đến việc nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ trong gia đình như bà, chồng, chị, em...

  • Lớp cần được tổ chức thường kỳ hàng tháng. Trạm y tế có thể phối hợp với hội phụ nữ tổ chức lớp và cấp chứng chỉ. Lớp thường được tổ chức trong 01 ngày và số học viên không nên quá 30 người. Ngoài phần lý thuyết, lớp nên tổ chức cả phần hướng dẫn thực hành vì"trăm nghe không bằng một thấy". Trong phần thực hành sẽ hướng dẫn học viên biết cách lựa chọn thực phẩm sẵn có ở địa phương để đưa vào bữa ăn cho trẻ, thực hành “Tô màu bát bột, bát cháo".

3.4. Sinh hoạt câu lạc bộ phòng chống suy dinh dưỡng:

Mục đích: Truyền bá kiến thức thiết yếu về nuôi con khoẻ và trao đổi kinh nghiệm cách thực hành nuôi con khoẻ

Đối tượng tham gia sinh hoạt câu lạc bộ:

Các bà mẹ có con dưới 2 tuổi

Các người bà thường xuyên chăm sóc cháu, các phụ nữ đang mang thai, phụ trách câu lạc bộ là nhân viên y tế hoặc cộng tác viên phụ nữ thôn.

                  

Nội dung sinh hoạt: Các cuộc trò chuyện, trao đổi trực tiếp đa dạng và đơn giản, thường xuyên đổi mới kết hợp với các trò chơi bổ ích hay các chương trình ca nhạc địa phương với các nội dung nuôi con khoẻ; Các trò chơi nhận thức:"Hái hoa dân chủ", "Truyền tin", Giải đáp kiến thức; Trình diễn thực hành; Xem phim Video có nội dung liên quan; Sáng tác các điệu hát dân ca, chèo, ngâm thơ, tấu, kịch... có nội dung liên quan để trình diễn ...

Kỹ năng tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ:

  • Chuẩn bị tốt các nội dung cho buổi sinh hoạt.

  • Người điều hành buổi sinh hoạt phải có hiểu biết về nuôi dưỡng trẻ và có uy tín.

  • Có chương trình cụ thể để các thành viên tham gia sinh hoạt biết được.

  • Tổ chức buổi sinh hoạt câu lạc bộ sao cho có không khí vui vẻ, nhẹ nhàng. Nên có các tiết mục trò chơi và văn nghệ để gây ấn tượng.

3.5. Tổ chức hội thi "Kiến thức bố mẹ, sức khoẻ con": Là hình thức phát triển cao của hoạt động Câu lạc bộ phòng chống suy dinh dưỡng. Hội thi sẽ được tổ chức mỗi năm một lần vào một dịp nhất định. Đây là cuộc thi có giải thưởng do UBND địa phương chỉ đạo, Y tế phối hợp với phụ nữ xã tổ chức.

Đối tượng: Các cặp bố, mẹ có con dưới 2 tuổi không bị suy dinh dưỡng được câu lạc bộ các thôn tuyển lựa và bầu chọn.

Cách thức thi:

Cuộc thi có 2 vòng:

  • Vòng 1: Các cặp bố-mẹ dự thi kiến thức bằng cách trả lời các câu hỏi trắc nghiệm in sẵn trên giấy. Ban giám khảo cuộc thi sẽ chấm cho điểm theo bảng điểm qui định và chọn ra 3 đến 5 cặp bố-mẹ đạt điểm cao nhất vào thi vòng 2.

  • Vòng 2: Mời 3 đến 5 cặp bố-mẹ có điểm kiến thức cao nhất bắt thăm thi thực hành chế biến bữa ăn của trẻ (Chế biến một bát bột thịt hay một bát cháo trứng hoặc một bát bột lạc...).

  • Sau khi các cặp bố-mẹ dự thi 2 vòng, ban giám khảo chấm điểm để chọn ra các cặp đạt giải nhất, giải nhì, giải ba và giải khuyến khích.

3.6. Nói chuyện dinh dưỡng:

  • Muốn cuộc nói chuyện đạt kết quả tốt, truyền thông viên cần chuẩn.

  • Tìm hiểu kỹ đối tượng (người nghe).

  • Tìm hiểu các nhu cầu và mối quan tâm của họ.

  • Lựa chọn đề tài cho thích hợp, đơn giản và khu trú.

  • Tập hợp thông tin chính xác và hiện đại.

  • Liệt kê các nội dung chính, các thông điệp chính  cần phải truyền đạt.

  • Sử dụng các phương tiện trực quan như các áp phích, tranh ảnh, mô hình…để minh hoạ.

  • Nếu có băng hình để minh họa nội dung thì càng tốt.

  • Bố trí địa điểm và sắp xếp chỗ ngồi cho người nghe hợp lí, thoải mái không bị phân tán hoặc bị tác động do ngoại cảnh, thời tiết.

-    Tổ chức cuộc nói chuyện: Sau đây là các gợi ý đối với 3 giai đoạn chính của việc tổ chức một cuộc nói chuyện nhằm khuyến khích mọi người tham gia hành động.

  • Thu hút sự chú ý ngay từ đầu: Cách mở đầu của bài nói chuyện là vô cùng quan trọng và nó cần phải nhanh chóng thu hút sự chú ý của người nghe. Chỉ cần mở đầu bằng vài câu là đủ, không được dài dòng.

  • Đưa ra và bảo vệ các quan điểm chính của bạn: Trong một cuộc nói chuyện tốt hơn hết là chỉ nên đưa ra một số điểm chính mà thôi. Các nội dung đó nên được hỗ trợ thông qua các cách sau đây.

  • Tóm tắt và kết thúc cuộc nói chuyện: kêu gọi hành động. Để một cuộc nói chuyện thành công thì phần kết thúc bài nói chuyện phải rõ ràng. Có thể dùng 3 bước sau đây để kết thúc cuộc nói chuyện.

4. CÁC PHƯƠNG TIỆN TRUYỀN THÔNG ĐẠI CHÚNG (TRUYỀN THÔNG GIÁN TIẾP):

4.1. Báo:

  • Mục đích của báo là truyền bá các thông điệp dưới các mục khác nhau: tin tức, thời sự, xã luận, phỏng vấn, trả lời bạn đọc, cần biết vv…

  • Viết tin, bài cho báo: Tuỳ theo tình hình ở địa phương có những vấn đề ưu tiên trong những thời gian nhất định, trong các chiến dịch…các cán bộ truyền thông ở cơ sở có thể viết tin bài cho các báo ở Trung ương hay địa phương. Tất nhiên bài báo có thể không được đăng. Nhưng nếu sự kiện ấy bất thường và nội dung viết tốt thì rất có cơ hội được đăng.

4.2. Đài phát thanh: Phát thanh có ưu điểm nổi bật là đưa được các thông điệp đến với người nghe một cách rộng rãi, nhanh nhạy, kịp thời và tới được những bản làng xa  xôi hẻo lánh mà kinh phí đầu tư lại rất rẻ, thuận tiện cho việc sử dụng ngay cả khi đồng bào đi làm trên nương rẫy.

                       
  • Mục đích: Đài phát thanh có nhiều chương trình phát sóng cho nhiều mục đích khác nhau, trong đó có những chương trình về sức khoẻ như mục; "Sức khoẻ cộng đồng", "Lời khuyên thầy thuốc", “Trả lời bạn nghe đài” vv…

  • Sử dụng vào truyền thông thay đổi hành vi: Các thông tin y tế có thể được phát trên đài phát thanh theo nhiều dạng, nhiều tiết mục khác nhau như thông tin một phút (quảng cáo), tin tức, thời sự, buổi nói chuyện, phỏng vấn, toạ đàm, câu chuyện truyền thanh… rất phổ biến, đề cập đến những vấn đề của một gia đình hoặc một nhóm người.

  • Tổ chức những cuộc họp để nghe đài: nếu truyền thông viên biết trước được các chương trình y tế phát vào lúc nào và về vấn đề gì thì thông báo cho mọi người biết để đón nghe hoặc tổ chức thảo luận sau khi chương trình phát thanh kết thúc. Bằng cách tổ chức các buổi tụ họp để nghe đài, ta có thể biến điều bất lợi này thành ưu điểm.

  • Dùng băng ghi âm đã ghi lại các nội dung, các thông điệp do các dự án sức khoẻ cung cấp để biên soạn lại cho phù hợp với đặc điểm của địa phương rồi phát thanh cho nhiều người cùng nghe. Có thể dịch các băng này ra tiếng dân tộc để phát thanh cho đồng báo dân tộc nghe thì sẽ có hiệu quả rất tốt.

  • Đưa chương trình dinh dưỡng lên đài phát thanh : Có thể liên hệ phối hợp với đài phát thanh của địa phương để giới thiệu, thông báo các hoạt động của Dự án dinh dưỡng đang và sẽ thực hiện ở địa phương để cộng đồng cũng biết và chủ động tham gia.

  • Thông báo dịch vụ công cộng: Đài phát thanh địa phương có thể sẵn sàng phát những thông báo về dịch vụ về dinh dưỡng ngắn gọn. Ví dụ: loan tin về “tuần lễ dinh dưỡng và sức khoẻ”, “Những ngày vi chất dinh dưỡng”, “Tháng chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm”, “Ngày toàn dân không hút thuốc lá” vv… Trong những thông điệp này ta cung cấp những nội dung chủ chốt đồng thời kêu gọi, nhắc nhở mọi người cùng tham gia. Những thông điệp này có thể được nhắc lại nhiều lần trong ngày và liên tục trong một số ngày nhất định.

4.3. Vô tuyến truyền hình: Không có phương tiện nào tạo ra được sự hấp dẫn sinh động như vô tuyến truyền hình. Nó có tác động lớn đến mọi người. Nó có thể mở rộng kiến thức, ảnh hưởng đến dư luận công chúng, giới thiệu một phong cách dinh dưỡng mới.

                                      
  • Vô tuyến truyền hình là một phương tiện hỗ trợ đắc lực cho việc truyền thông thay đổi hành vi sức khoẻ trong lĩnh vực sức khoẻ cộng đồng ở thành thị cũng như ở nông thôn, cả ở vùng xa xôi hẻo lánh dần dần được điện khí hoá và phủ sóng truyền hình.

  • Phát các thông tin quảng cáo 1 phút về các chương trình dinh dưỡng. Các thông tin quảng cáo này thường được phát nhắc đi nhắc lại trong một thời gian với các thông điệp ngắn gọn, hình ảnh lại hấp dẫn tạo được sự chú ý và lôi kéo người xem.

5. THỰC HÀNH TRUYỀN THÔNG: (2 bài thực hành, có thể hướng dẫn riêng hay xem kẽ)

5.1. Đóng vai một buổi nói chuyện nhóm

Giảng viên đưa tình huống mẫu:

Cộng tác viên (CTV) trao đổi với một nhóm 07 bà mẹ có con < 2 tuổi cùng xóm về đảm bảo số lượng và chất lượng bữa ăn bổ sung cho trẻ. Định hướng thái độ trong trò chơi:

  • Có bà mẹ quá rụt rè, ngượng ngùng (02).

  • Có bà mẹ có kiến thức và “mau miệng” (01).

  • Có nhân tố tích cực là bà mẹ có con luôn khỏe mạnh (01).

  • Có bà mẹ có con có vấn đề (SDD). (01). Các bà mẹ khác không có gì đặc biệt.

Triển khai:

  • Phân vai cho học viên (10 phút).

  • Học viên định vị vai và chuẩn bị (15 phút).

  • Diễn và yêu cầu học viên còn lại nghe để bình luận (20 phút).

  • Bình luận của lớp (15 phút).
Đóng vai 1 buổi thăm gia đình Giảng viên đưa 1 tình huống mẫu:

CTV đến thăm nhà 1 bà mẹ có trẻ 8 tháng tuổi không được khỏe nhưng liên tục không đi cân chấm biểu đồ. CTV gặp được cả bà mẹ, cháu bé, mẹ chồng (Bà) và chị hàng xóm cùng lứa.

Định hướng các thái độ chính: CTV muốn tìm hiểu căn nguyên để thuyết phục trẻ đi cân, bà mẹ chồng bảo thủ không muốn cân cháu, chị hàng xóm tích cực, bà mẹ phân vân.

Cách tổ chức:

  • Phân vai: 5 phút.

  • Định vị vai: 5 phút.

  • Diễn: 20 phút.

  • Quan sát viên, Giảng viên phân tích & bình luận: 20 phút.

                                                                    Nguồn: Viện Dinh dưỡng