Chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ bệnh

Cập nhật: 11/27/2014 - Lượt xem: 17186
1. NGUYÊN TẮC

1.1. Nuôi dưỡng trẻ bệnh

Khi bị nhiễm khuẩn, trẻ cần nhiều năng lượng và chất dinh dưỡng để giúp cơ thể chống lại bệnh tật. Nếu trẻ không được cung cấp thêm dinh dưỡng thì trẻ sẽ giảm cân, gày yếu và chậm lớn.

Vì vậy, trẻ bệnh cần được bổ sung thêm dinh dưỡng. Trong giai đoạn này, thông thường trẻ chỉ thích bú mẹ, không thích ăn thức ăn khác, mặc dù trẻ không muốn ăn nhưng không được hạn chế thức ăn cho trẻ.

Thông điệp chính về Nuôi dưỡng trẻ bệnh là:

  • Kiên trì, khuyến khích trẻ ăn, uống.

  • Cho trẻ ăn nhiều bữa, mỗi bữa một ít.

  • Cho ăn thức ăn trẻ thích.

  • Đa dạng bữa ăn, thức ăn giàu dinh dưỡng.

  • Tiếp tục cho bú mẹ, trẻ bệnh thường hay bú mẹ nhiều hơn.

1.2. Nuôi dưỡng trẻ giai đoạn hồi phục

  • Khi trẻ bị ốm, ngoài việc điều trị bằng thuốc thì việc chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ đúng rất quan trọng, sẽ giúp trẻ mau khỏi bệnh và mau chóng hồi phục. Những bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ là tiêu chảy và viễm nhiễm đường hô hấp, vì vậy trong phần này chúng tôi tập trung giới thiệu về cách chăm sóc và nuôi dưỡng lúc trẻ bị 2 bệnh trên và đó cũng là những nguyên tắc chung về chăm sóc trẻ bệnh

  • Trong khi bị bệnh, trẻ có thể ăn không ngon miệng, mặc dù gia đình cố gắng khuyến khích trẻ. Thông thường, sau khi bệnh trẻ ăn ngon miệng hơn, do vậy điều quan trọng là tăng lượng thức ăn cho trẻ.

  • Cần bổ sung thêm dinh dưỡng cho trẻ cho đến khi trẻ tăng cân trở lại và đạt mức tăng trưởng bình thường.

Thông điệp chính về Nuôi dưỡng trẻ bệnh ở giai đoạn phục hồi là:

  • Tăng cường cho bú mẹ.

  • Tăng thêm bữa.

  • Tăng số lượng mỗi bữa.

  • Tăng thêm thức ăn giàu năng lượng.

  • Kiên trì và dành tình cảm yêu thương hơn cho trẻ.

2. CHĂM SÓC VÀ NUÔI DƯỠNG TRẺ BỊ TIÊU CHẢY

2.1. Tiêu chảy là gì?

  • Là tình trạng trẻ đi ngoài phân lỏng hoặc nhiều nước trên 3 lần/ngày.

  • Tiêu chảy cấp xảy ra đột ngột, kéo dài không quá 14 ngày (thường dưới 7 ngày).

  • Tiêu chảy kéo dài là khi bị tiêu chảy trên 2 tuần hoặc nhiều hơn.

  • Khi tiêu chảy mà phân có máu gọi là lỵ.

2.2. Sự nguy hiểm của tiêu chảy:

Trẻ em bị tiêu chảy thường bị suy dinh dưỡng và có thể dẫn tới tử vong. Tiêu chảy cấp thường tử vong do cơ thể bị mất lượng nước và muối lớn. Một nguyên nhân quan trọng nữa gây tử vong là lỵ.

Suy dinh dưỡng và tiêu chảy thường liên quan chặt chẽ với nhau. Trẻ suy dinh dưỡng thường bị tiêu chảy và khi bị tiêu chảy sẽ gây nên suy dinh dưỡng và làm cho suy dinh dưỡng nặng hơn. Khi bị tiêu chảy thì cơ thể trẻ sẽ giảm hấp thu các chất dinh dưỡng và thường kém ăn, ăn không ngon miệng, đồng thời có những bà mẹ ngừng cho con ăn hoặc kiêng khem quá mức khi trẻ bị tiêu chảy.

2.3. Chăm sóc trẻ bị tiêu chảy:

  • Trẻ bị tiêu chảy cần nhiều dịch hơn bình thường để bù lại lượng dịch mất qua phân và nôn. Nếu cho trẻ uống đủ lượng dịch ngay khi mới bị tiêu chảy thì có thể phòng được mất nước.

  • Ngay tại nhà cần cho trẻ uống nhiều nước hơn bình thường như O-rê-zôn (ORS), nước cháo, nước súp, nước gạo rang, nước cơm và nước đun sôi để nguội.

  • Nguyên tắc chung: Cho trẻ uống nhiều hơn bình thường, cho trẻ uống khi nào trẻ muốn và tiếp tục bù dịch bằng đường uống đến khi hết tiêu chảy. Đối với trẻ nhỏ dưới 2 tuổi chưa tự đòi uống nước được mà trẻ biểu hiện dấu hiệu khát nước bằng sự kích thích khó chịu. Vì vậy, cần phải cho trẻ uống nước để đánh giá xem trẻ có khát và muốn uống nước không. Khi trẻ không muốn uống nữa nghĩa là đã đủ lượng dịch bị mất.

  • Cách cho uống: Không cho trẻ uống bằng bình, cho trẻ nhỏ uống bằng thìa, cứ 1-2 phút cho uống một thìa. Trẻ lớn hơn cho uống bằng cốc, uống từng ngụm một. Không nên cho trẻ uống quá nhanh. Nếu trẻ bị nôn, cần ngừng cho uống trong 10 phút, sau đó lại tiếp tục cho uống, nhưng uống chậm hơn, ví dụ: 2-3 phút cho uống một thìa.

  • Số lượng dịch cần cho uống tại nhà sau mỗi lần đi ngoài:

    • Trẻ dưới 2 tuổi: 5-100ml
    • Trẻ 2-10 tuổi: 100-200ml

    • Trẻ 10 tuổi trở lên và người lớn: Uống theo nhu cầu

  • Đối với trẻ bị tiêu chảy kéo dài cần bổ sung ngay 1 liều vitamin A theo quy định

2.4. Các loại dịch dùng trong điều trị tiêu chảy.

  • O-rê-zôn (ORS): Là dung dịch tốt nhất để điều trị tiêu chảy.

    • Cách pha: Sử dụng bảng kiểm khi pha ORS

    • Rửa tay bằng xà phòng và nước sạch trước khi pha.



    • Đổ bột trong gói vào một bình hay ấm tích sạch, đông 1 lít nước sạch, tốt nhất là nước đun sôi để nguội, trong trường hợp không thể có được thì dùng nước nào sạch nhất. Đổ nước vào bình và ngoáy kỹ cho đến khi bột hòa tan hoàn toàn. Đậy bình lại cho trẻ uống trong vòng 24h. Khi quá 24h thì đổ dung dịch đã pha đi và pha dung dịch mới.

Nước cháo muối:

  • Cách nấu: Dùng 1 nắm gạo, 1 nhúm muối và 6 bát ăn cơm nước sạch (tương đương ½ lít), đun 15- 20 phút từ khi sôi đến khi hạt gạo nở rồi lấy nước cho trẻ uống.

  • Ngoài ra còn có thể dùng nước gạo rang, nước cơm, nước đun sôi để nguội.

2.5. Nuôi dưỡng trẻ khi bị tiêu chảy

Nuôi dưỡng trẻ khi bị tiêu chảy rất quan trọng để đề phòng trẻ bị suy dinh dưỡng.

  • Trẻ nhỏ dưới 6 tháng đang bú mẹ vẫn tiếp tục cho trẻ bú bình thường và tăng số lần bú. Với trẻ ăn sữa bò thì vẫn cho ăn như bình thường.

                

  • Trẻ trên 6 tháng tuổi ngoài sữa mẹ hoặc sữa bò (đối với trẻ nuôi thức ăn nhân tạo) cần cho trẻ ăn thêm các thức ăn giàu dinh dưỡng như thịt, trứng, sữa, cá…nhiều lần và ít một. Cần cho thêm dầu mỡ để tăng thêm năng lượng của khẩu phần. Cho trẻ ăn thức ăn mềm, nấu kỹ, dễ tiêu hóa và cho ăn ngay sau khi nấu để đảm bảo vệ sinh, giảm nguy cơ bội nhiễm. Nếu phải cho trẻ ăn những thức ăn đã được nấu sẵn thì cần phải đun sôi lại trước khi cho ăn. Cho trẻ ăn thêm các loại quả chín hoặc nước quả như chuối, cam, chanh, xoài, nước dừa, đu đủ…để tăng lượng kali. Không dùng các loại nước giải khát công nghiệp, nước ngọt có ga và các loại thức ăn có nhiều đường vì chúng làm tăng tiêu chảy. Tránh cho trẻ ăn các loại thực phẩm có nhiều chất xơ như rau thô, tinh bột nguyên hạt (ngô, đỗ…) vì khó tiêu hóa.
                    

Chú ý: Súp và cháo loãng chỉ là các dung dịch để bù nước, không nên coi là thức ăn vì không cung cấp đủ chất dinh dưỡng.

  • Số lượng và số lần ăn: Cần cho trẻ ăn đầy đủ khi bị tiêu chảy, khuyến khích dỗ dành cho trẻ ăn nhiều càng tốt. Cứ 3-4 giờ cho trẻ ăn một lần, cho ăn khoảng 6 lần trong ngày. Cho trẻ ăn ít và nhiều lần thì tốt hơn là ăn nhiều nhưng ít lần.

  • Sau khi khỏi tiêu chảy, để giúp cho trẻ nhanh phục hồi và không SDD, cần cho trẻ ăn thêm mỗi ngày một bữa nữa trong 2 tuần liền. Với trẻ tiêu chảy kéo dài cho trẻ ăn thêm mỗi ngày một bữa và kéo dài tối thiểu 1 tháng.

2.6. Khi nào cần đưa trẻ đến cơ sở y tế:

                   

Cần đưa trẻ đến cơ sở y tế khi đã điều trị tại nhà 2-3 ngày không đỡ hoặc khi xuất hiện một trong các triệu chứng sau:

  • Đi ngoài nhiều lần, phân tóe nước.

  • Nôn liên tục nhiều lần.
               

  • Có biểu hiện khát nước tăng.

               
  • Có sốt.

             
  • Ăn uống kém hơn bình thường.

  • Có máu trong phân.
      
2.7. Phòng bệnh tiêu chảy:

  • Trẻ cần được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và tiếp tục bú mẹ đến 2 tuổi.

  • Cho trẻ ăn sam (ăn bổ sung) từ sau 6 tháng. Cần tô màu bát bột với các loại thực phẩm của cả 4 nhóm thức ăn, đặc biệt là dầu, mỡ. Thức ăn cần được nấu kỹ, nghiền nhỏ và cho ăn ngay sau khi nấu.
                    
  • Thức ăn cần đảm bảo vệ sinh, sạch sẽ.

  • Cho trẻ ăn uống bằng bát, cốc và thìa sạch, không cho trẻ bú chai.

  • Mọi người trong gia đình cần rửa tay sau khi đi ngoài, trước khi nấu ăn và cho trẻ ăn.

  • Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh. Cho trẻ đi ngoài vào bô và đổ phân vào hố xí.

  • Tiêm phòng sởi cho trẻ khi được 9 tháng tuổi và nhắc lại khi trẻ trên 1 tuổi theo đúng phác đồ quốc gia.
                 
                              Tiêm chủng đầy đủ cho trẻ

3.1. CHĂM SÓC VÀ NUÔI DƯỠNG TRẺ BỊ VIÊM NHIỄM KHUẨN HÔ HẤP CẤP TÍNH (NKHHCT)

3.2. Những yếu tố nguy cơ làm trẻ dễ bị NKHHCT

  • Cân nặng sơ sinh thấp: Trẻ có cân nặng sơ sinh dưới 2500g rất dễ mắc các bệnh nhiễm trùng trong đó có NKHHCT và khi bị thường nặng và dễ tử vong.

  • Suy dinh dưỡng: Trẻ bị suy dinh dưỡng thì khả năng miễn dịch kém nên dễ bị mắc bệnh và khi mắc thường nặng, dễ biến chứng và thời gian bị bệnh kéo dài. Khi bị các bệnh nhiễm trùng nặng thì lại làm cho tình trạng suy dinh dưỡng nặng thêm. Vì vậy, việc phòng chống suy dinh dưỡng và các bệnh nhiễm khuẩn cần thực hiện đồng bộ, phối hợp.

  • Môi trường sống ô nhiễm: Không khí không trong sạch do bụi bẩn, khói, thuốc lá, than, củi đun bếp, khí ô tô, mùi hôi thối do chất thải của phân người và gia súc. Ngoài ra, nước và không khí còn bị ô nhiễm bởi các loại hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón ruộng.

3.3. Xử trí trẻ NKHHCT tại tuyến cơ sở

Ho và khó thở (có thể kèm theo sốt hoặc không) là những dấu hiệu chủ yếu khiến bà mẹ đưa trẻ tới cơ sở y tế. Cần phát hiện những dấu hiệu nguy hiểm và những dấu hiệu của viêm phổi nặng để kịp thời đưa trẻ tới cơ sở điều trị.

Các dấu hiệu nguy hiểm:

Nếu trẻ có một trong các biểu hiện sau đây là biểu hiện NKHHCT rất nặng hoặc viêm phổi rất nặng:

  • Trẻ không uống được.

  • Co giật.

  • Ngủ li bì khó đánh thức.

  • SDD nặng.
Viêm phổi:

Một trẻ bị ho (có kèm theo sốt hoặc không), không có dấu hiệu nguy hiểm, không rút lõm lồng ngực nhưng có dấu hiệu thở nhanh -> Trẻ được xác định là viêm phổi.

Đánh giá nhịp thở nhanh phải đếm nhịp thở trong 1 phút hoặc nửa phút khi trẻ được nằm yên. Trẻ được coi là nhịp thở nhanh khi:

  • Trẻ dưới 2 tháng tuổi: nhịp thở ≥60 lần/phút.

  • Trẻ 2-12 tháng tuổi: nhịp thở ≥ 50 lần/phút Trẻ 12-60 tháng tuổi: nhịp thở ≥ 40 lần/phút

Viêm phổi nặng


Nếu trẻ không có dấu hiệu nguy hiểm nhưng có dấu hiệu rút lõm lồng ngực là viêm phổi nặng.

3.4. Xử trí tại nhà:

Áp dụng đối với trẻ bị nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính (NKHHCT) như ho cảm cúm hoặc cảm lạnh không có viêm phổi nặng hoặc viêm phổi (không có rút lõm lồng ngực và thở nhanh) và không có bất kỳ dấu hiệu nguy hiểm nào. Hầu hết những trẻ bị ho cảm lạnh là do virut gây nên. Nhiều nghiên cứu cho thấy kháng sinh không có tác dụng, vì vậy việc điều trị triệu chứng (giảm ho hoặc làm dịu họng bằng các thuốc thông thường, an toàn, hạ sốt nếu có sốt…) và hướng dẫn bà mẹ chăm sóc trẻ tại nhà, trong đó chăm sóc dinh dưỡng là yếu tố quan trọng.

  • Hướng dẫn bà mẹ chăm sóc trẻ tại nhà gồm các nội dung sau:

    • Giữ ấm cho trẻ: cho trẻ nằm ở nơi ấm nhưng thoáng mát, mặc ấm vào mùa đông và thoáng mát vào mùa hè.

    • Làm sạch và thông mũi cho trẻ bằng khăn và gạc mềm, dùng thuốc nhỏ mũi cho trẻ.

    • Giữ gìn vệ sinh răng miệng, mắt thường xuyên cho trẻ.

    • Nếu trẻ ho nên dùng các loại thuốc ho và giảm đau họng bằng thuốc nam và các bài thuốc dân gian như mật ong, hoa hồng bạch hoặc chanh hấp với đường.

    • Chỉ dùng kháng sinh cho trẻ khi có chỉ định của y, bác sĩ

    • Bổ sung vitamin A

  • Nuôi dưỡng trẻ bị NKHHCT

    • Trẻ nhỏ còn bú mẹ: Cho trẻ bú nhiều lần hơn và thời gian mỗi lần bú lâu hơn bình thường.

    • Nếu trẻ không ngậm bú được, người mẹ cần vắt sữa vào cốc rồi dùng thìa cho trẻ uống.

    • Trẻ lớn hơn đã ăn bổ sung: Nên cho ăn các loại thức ăn mềm, đa dạng, dễ tiêu hóa và chia thành nhiều bữa nhỏ. Cần thay đổi thức ăn và cho trẻ ăn những loại thức ăn trẻ thích để khuyến khích trẻ ăn được nhiều, kích thích sự thèm ăn. Chú ý đề phòng trẻ bị suy dinh dưỡng vì ở trẻ suy dinh dưỡng khi viêm phổi bệnh thường nặng và kéo dài dễ dẫn đến tử vong.

    • Cho trẻ uống nhiều nước, nước hoa quả tươi và ăn thêm hoa quả để bù lại lượng nước bị mất do trẻ bị sốt và cung cấp thêm vitamin A, vitamin C cho trẻ.

    • Sau khi trẻ khỏi bệnh cần cho trẻ ăn tăng thêm bữa và bồi dưỡng bằng các loại thức ăn giàu dinh dưỡng giúp trẻ nhanh hồi phục.

  • Các dấu hiệu cần đưa trẻ đi khám ngay tại cơ sở y tế:

    • Thở nhanh

    • Khó thở


    • Sốt cao

    • Bú kém, không uống được

    • Trẻ mệt hơn

  • Bổ sung vitamin A

Các bệnh nhiễm trùng có thể gây mất vitamin A qua phân, nước tiểu làm tăng nguy cơ thiếu vitamin A ở trẻ bệnh, đặc biệt đối với trẻ bị suy dinh dưỡng. Do vậy, khi trẻ bị mắc viêm phổi nặng cần bổ sung một liều viên nang vitamin A liều cao (liều lượng theo tuổi như hướng dẫn của chương trình phòng chống thiếu vitamin A).

                                                                                Nguồn: Viện Dinh dưỡng