Chế độ dinh dưỡng cho bệnh thiếu máu thiếu sắt

Cập nhật: 5/28/2021 - Lượt xem: 13685

1. Thiếu máu là gì?

 

Thiếu máu là tình trạng số lượng hồng cầu hoặc nồng độ hemoglobin bên trong hồng cầu thấp hơn bình thường.

 

Thiếu máu thiếu sắt xảy ra khi không có đủ lượng sắt trong cơ thể để tạo ra hemoglobin.

 

2. Triệu chứng thiếu máu thiếu sắt

 

Tùy tình trạng thiếu máu, có thể căn cứ vào một số dấu hiệu sau để nhận biết cơ thể bị thiếu máu và tìm đến các cơ sở y tế để thăm khám và điều trị sớm.

 

- Người bệnh hoặc người thân có thể thấy một vài dấu hiệu sau: xanh xao, da niêm nhợt, tim đập nhanh, mệt mỏi, kém hoạt động, phụ nữ có lượng kinh nguyệt ít hơn bình thường.

 

- Trẻ em thì có biểu hiện quấy khóc, biếng ăn.

 

- Một số triệu chứng khác như: Không lên cân hoặc sụt cân, mất gai lưỡi, môi khô, móng mềm, nhăn, biến dạng…

 

- Khi bị thiếu máu nặng và kéo dài, hiện tượng thiếu ôxy trong máu có thể làm tổn thương tim, não và các cơ quan khác của cơ thể. Thiếu máu ảnh hưởng tới các hoạt động cần tiêu hao năng lượng.

 

- Với trẻ nhỏ, trẻ bị thiếu máu thường có kết quả học tập thấp hơn hẳn so với trẻ không bị thiếu máu và có thể khắc phục được sau khi được điều trị thiếu máu, bổ sung dinh dưỡng.

 

Một trong những biện pháp hữu hiệu nhất để phát hiện sớm thiếu máu là nên đi khám bác sĩ định kỳ để phát hiện sớm các thiếu hụt vi chất trong đó có thiếu máu.

 

3. Nguyên nhân thiếu máu thiếu sắt

 

Nguyên nhân phổ biến của thiếu máu do thiếu sắt là mất máu (phổ biến nhất) và giảm hấp thu sắt từ thức ăn.

 

˗ Mất máu: nguồn gốc của mất máu có thể rõ ràng, chẳng hạn như ở phụ nữ có lượng kinh nguyệt nhiều, mang thai nhiều lần, hoặc một người có vết loét chảy máu đã biết. Trong một số trường hợp khác, vị trí chảy máu không rõ ràng như ở một người bị chảy máu mãn tính trong đường tiêu hóa (dạ dày, ruột non, đại tràng). Những tình trạng này có thể biểu hiện tiêu chảy phân đen hoặc phân có thể bình thường nếu mất máu xảy ra rất chậm. Hiến máu cũng có thể gây ra thiếu sắt, đặc biệt trường hợp hiến máu thường xuyên.

 

˗ Giảm hấp thu sắt: Bình thường, cơ thể hấp thụ sắt từ thức ăn qua đường tiêu hóa. Nếu đường tiêu hóa không hoạt động bình thường, như trường hợp của những người mắc một số bệnh như bệnh celiac, viêm dạ dày tự miễn, các dạng viêm dạ dày khác, phẫu thuật cắt bỏ dạ dày (để giảm cân) hoặc các hình thức phẫu thuật giảm cân khác… dẫn tới hấp thu sắt không đầy đủ và gây đến thiếu máu do thiếu sắt.

 

˗ Nguyên nhân khác: Nguyên nhân phổ biến của thiếu máu do thiếu sắt ở các nước đang phát triển là do thiếu thực phẩm có chứa sắt. Tuy nhiên, điều này hiếm khi xảy ra trên người lớn ở các nước phát triển như Hoa Kỳ vì nhiều loại thực phẩm chứa sắt, và một số khác đã bổ sung thêm sắt (ngũ cốc ăn sáng, bánh mì, mì ống). Sắt cũng có sẵn trong một số thực phẩm có nguồn gốc thực vật.

 

Phụ nữ mang thai và sau sinh có thể bị thiếu máu do thiếu sắt do nhu cầu sắt tăng lên của thai nhi và nhau thai đang phát triển cùng với sự mất máu vào thời điểm sinh nở.

 

4. Chẩn đoán thiếu máu thiếu sắt

 

Việc chẩn đoán ban đầu thường bao gồm hỏi tiền sử bệnh, khám lâm sàng và xét nghiệm máu, vì thiếu sắt xảy ra trước khi có biểu hiện thiếu máu nên nhiều trường hợp chỉ có thể được chẩn đoán là thiếu máu do thiếu sắt (hoặc thiếu sắt không thiếu máu) sau khi xét nghiệm máu. Ngoài ra, xét nghiệm máu để đánh giá chính xác mức độ thiếu máu và có thể tìm nguyên nhân thiếu máu.

 

5. Điều trị thiếu máu thiếu sắt

 

Để điều trị thiếu máu, tùy theo mức độ thiếu máu sẽ được chỉ định truyển máu, bổ sung sắt đường uống cho phù hợp.

 

Bên cạnh việc truyền máu, bổ sung sắt thì chế độ dinh dưỡng hợp lý cũng có vai trò quan trọng giúp người bệnh cải thiện sức khỏe và giúp bệnh chóng khỏi. Theo đó, người bệnh cần lưu ý chế độ dinh dưỡng như sau:

 

a. Đa dạng hóa bữa ăn là phương pháp tốt nhất để cải thiện các nguyên tố vi lượng của cơ thể trong đó có sắt. Để đa dạng hóa bữa ăn cần phải kết hợp các loại thực phẩm khác nhau làm cho bữa ăn cân đối hơn về giá trị và vi chất dinh dưỡng, đồng thời làm tăng hấp thu các chất dinh dưỡng.

 
 
Ưu tiên sử dugnj thự phẩm giàu sắt trong bữa ăn để phòng chống thiếu sắt
 

b. Lựa chọn ưu tiên các thực phẩm giàu đạm, giàu sắt như: thịt bò, gan động vật, trứng, ngao, sò, sữa, thực phẩm tăng cường sắt, …

 

c. Tăng cường nguồn thực phẩm có nguồn gốc thực vật như một số loại rau xanh, đậu đỗ, nấm, ... kết hợp thực phẩm giàu vitamin C, giàu acid folic như các loại rau có lá màu xanh thẫm, đậu quả, đậu hạt, ...

 

d. Tăng cường hoa quả chín để cung cấp vitamin C, đồng thời tăng cường hấp thu sắt.


e. Ngoài ra, cần điều trị dứt điểm các bệnh nhiễm trùng, tẩy giun định kỳ, vệ sinh cá nhân và môi trường, …

 
 
Trà, cà phê là một trong những thủ phạm gây ức chế hấp thu sắt
 

f. Hạn chế sử dụng các chất gây ức chế hấp thu sắt như: Trà, cà phê, đậu đỗ cả vỏ, canxi, ăn chay…

 

6. Dự phòng ngừa thiếu máu bằng cách bổ sung sắt cho các nhóm đối tượng nguy cơ cao 

 

- Phụ nữ mang thai: Bổ sung viên sắt và acid folic là biện pháp phòng ngừa thiếu máu hữu hiệu nhất cần thực hiện ngay khi có thai và đều đặn trong suốt thời gian mang thai cho tới sau khi sinh một tháng. 

 

- Phụ nữ tuổi sinh đẻ: Cần uống viên sắt theo phác đồ dự phòng với liều 1 viên/tuần trong thời gian 16 tuần.

 

- Trẻ sinh non, trẻ sinh đa thai, trẻ sơ sinh nhẹ cân và trẻ thiếu sữa mẹ: lựa chọn sản phẩm dinh dưỡng có bổ sung chất sắt, theo dõi đánh giá tình trạng thiếu máu.

 
TS. BS. Nguyễn Trọng Hưng - Viện Dinh dưỡng Quốc gia