Làm gì để nâng cao sức khỏe cho người cao tuổi

Cập nhật: 6/27/2021 - Lượt xem: 6343

Chất lượng cuộc sống của người cao tuổi phụ thuộc rất nhiều vào sự quan tâm của những người gần gũi xung quanh. Những người thân trong gia đình và cộng đồng cần thể hiện sự quan tâm qua những hoạt động chăm sóc cụ thể. Do tâm sinh lý của người cao tuổi có nhiều sự khác biệt nên việc chăm sóc cũng phải phù hợp với đặc điểm của quá trình lão hóa đó. Ngoài yếu tố rất quan trọng là dinh dưỡng hợp lý, người cao tuổi còn cần được chăm sóc nhiều mặt khác để cuộc sống có chất lượng. Dưới đây là một số lời khuyên giúp nâng cao sức khỏe cho người cao tuổi.

 

Tăng cường luyện tập: ở người cao tuổi thường có sự giảm dần về sức mạnh cũng như khả năng chịu đựng của cơ xương, cơ tim. Lối sống tĩnh tại, ít vận động càng làm cho sự suy giảm này diễn ra nhanh hơn và làm tăng nguy cơ bệnh tật và tử vong. Luyện tập thể lực đều đặn làm tăng cường sức khỏe, hạn chế mắc các bệnh tim mạch, góp phần làm giảm cân nặng trong trường hợp thừa cân, chống loãng xương, cải thiện cơ lực và các hoạt động chức năng, cải thiện về mặt tâm lý.

 

Chế độ luyện tập của người cao tuổi nên thực hiện đều đặn từ 3 – 5 ngày một tuần, mỗi lần khoảng 20 – 60 phút. Mức độ luyện tập nên vừa phải vì khả năng gắng sức tối đa ở người cao tuổi thường bị suy giảm. Hơn nữa, người cao tuổi thường có các bệnh mạch vành, bệnh thoái hóa xương khớp. Người thân nên hướng dẫn cho người cao tuổi cách tự theo dõi và phát hiện các triệu chứng của bệnh mạch vành, cao huyết áp và phải biết ngừng luyện tập ngay nếu thấy các triệu chứng này xuất hiện.

 

Hiện nay có rất nhiều môn để luyện tập. Người cao tuổi nên chọn một môn mà mà họ thích nhất, dễ thực hiện, thuận tiện và không tốn kém. Đi bộ nhanh và các bài tập nhẹ rất thích hợp với người cao tuổi. Thái độ động viên, khuyến khích của những người xung quanh cũng rất quan trọng đối với việc duy trì hoạt động thể lực đều đặn ở người cao tuổi.

 

Không hút thuốc lá: Trong số các yếu tố nguy cơ có thể ngăn ngừa được thì hút thuốc là là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật tử vong ở người cao tuổi do hút thuốc gây hầu hết các vấn đề về hô hấp ở người cao tuổi, gây nhiều loại ung thư. Hút thuốc cũng là nguyên nhân quan trọng gây bệnh mạch vành, tạo điều kiện thuận lợi gây loãng xương. Mặc dù biết lợi ích của việc cai thuốc nhưng hầu hết những người hút thuốc rất khó cai do các triệu chứng khi cai thuốc như thèm nicotin, cáu kỉnh, chán ăn, lo âu, bồn chồn, khó tập trung và do thiếu động lực.

 

Việc cai thuốc mang lại lợi ích cho sức khỏe và tuổi thọ của người cao tuổi. Không bao giờ là quá muộn để cai thuốc. Tuy nhiên, nếu không thể cai được thì ít nhất cũng phải giảm bớt. Để hạn chế việc hút thuốc, ngoài việc dùng các thuốc thay thế nicotin, có nhiều cách khác giúp việc cai thuốc dễ dàng hơn, ví dụ: tránh các tình huống làm cho người ta muốn hút thuốc và giúp người cao tuổi tránh căng thằng bằng các biện pháp thư giãn.

 

Hạn chế uống rượu bia: Uống rượu quá mức làm tăng nguy cơ bị các bệnh như bệnh cơ tim, xơ gan, viêm teo dạ dày, viêm tụy mãn, bệnh thần kinh ngoại vi và sa sút tâm thần, ngã, tai nạn, suy dinh dưỡng, suy giảm miễn dịch và ngộ độc.

 

Ở người cao tuổi, ngộ độc rượu có thể xảy ra chỉ với một lượng nhỏ do tình trạng giảm chuyển hóa vì tăng khối mỡ trong cơ thể. Khả năng chuyển hóa của gan cũng giảm và tăng nhạy cảm của não với tác dụng của rượu.

 

Cần chú ý răng các triệu chứng ngộ độc rượu có thể dễ nhầm với các bệnh và những thay đổi thể lực khác ở người cao tuổi. Những biểu hiện của nghiện rượu như giảm trí nhớ, mất thăng bằng, hay ngã và ốm yếu có thể bị bỏ sót ở người cao tuổi.

 

Kiểm tra sức khỏe định kỳ nhằm phát hiện các bệnh và bệnh tật thường ặp là một bước quan trọng để nâng cao sức khỏe. Nhiều bệnh như tăng huyết áp, bệnh tim, đái tháo đường, các loại ung thư như ung thư vú, cổ tử cung, đại tràng và tuyến tiền liệt có thể được phát hiện trong quá trình kiểm tra sức khỏe sàng lọc và điều trị sớm một cách hiệu quả.

 

Rối loạn đại tiện, táo bón mới xuất hiện, đi ngoài có máu, chán ăn, sút cân, thiếu máu, đau bụng… là các biểu hiện của ung thư đại tràng. Thăm khám trực tràng và xét nghiệm phân tìm máu khi khám sức khỏe định kỳ là cần thiết ở người cao tuổi.

 

Việc thăm khám trực tràng hàng năm là cần thiết ở tất cả nam giới có tuổi để phát hiện sớm ung thư tuyến tiền liệt. Ngoài ra cũng cần kiểm tra định kỳ các vấn đề về thị lực, thính lực, răng và xương khớp ở người cao tuổi. Nhân viên y tế và những người xung quanh cần giải thích để người cao tuổi hiểu rằng việc kiểm tra sức khỏe định kỳ tuy đòi hỏi kinh phí và thời gian nhưng về lâu dài là một biện pháp cực kỳ có hiệu quả.

 

Đề phòng tai nạn: Hầu hết những tai nạn ở người cao tuổi đều liên quan cách này hay cách khác với những thay đổi do tuổi tác, nhất là ở cá giác quan và hệ cơ xương như: mắt kém, tai kém, giảm cảm giác sờ và nhiệt độ, mất thăng bằng, tư thế bất thường, các cơ yếu, và phối hợp kém.

 

Tai nạn thường gây đau, chấn thương, làm mất khả năng hoạt động chức năng, phải bất động dài ngày với những biến chứng nguy hiểm. Sợ ngã làm cho người cao tuổi không dám đi đâu, và mất khả năng sống độc lập. Bỏng và ngã là các loại tai nạn hay gặp nhất ở người cao tuổi. Ngoài ra, có nhiều yếu tố khác làm tăng nguy cơ ngã và tai nạn ở người cao tuổi như: suy giảm trí nhớ, sa sút tâm thần, lú lẫn, các bệnh mạn tính, chấn thương về tình cảm.

 

Do vậy, hầu hết các tai nhạn đều có thể phòng tránh được bằng cách cải thiện độ an toàn của môi trường sống, bao gồm: sơn màu sắc khác nhau để người cao tuổi dễ nhận; lấy bỏ những vật cản trên đường đi lại; đảm bảo đủ ánh sáng; dùng giầy dép phẳng; gắn các tay vịn ở những chỗ hay ngã.

 

Mong rằng những vấn đề được đề cập trên đây sẽ giúp cho người cao tuổi có được một cuộc sống mạnh khỏe, thoải mái về thể chất và tinh thần, từ đó có thể trở thành những “cây cổ thụ” vững chắc trong mỗi gia đình Việt Nam chúng ta.

 

Nguồn: trích từ Đặc san Dinh dưỡng Sức khỏe & đời sống - Viện Dinh dưỡng