Theo công bố kết quả Tổng điều tra dinh dưỡng toàn quốc 2019- 2020 do Viện Dinh dưỡng công bố cuối tháng 4 vừa qua, chiều cao thanh niên Việt Nam thay đổi mạnh ở nhóm 18 tuổi.
Chiều cao trung bình của nam giới 18 tuổi đạt 168,1 cm (năm 2020). Chỉ số này đã tăng 3,5 cm so với năm 2010 (164,4 cm). Chiều cao trung bình nữ 18 tuổi đạt 156,2 cm (năm 2020), đã tăng 1,4 cm so với năm 2010 (154,8 cm)
Trong khi đó, những năm trước, trung bình chiều cao người trưởng thành Việt Nam tăng khoảng 1 cm sau mỗi thập kỷ.
Nếu so thời điểm cách đây 20 năm, chiều cao nam thanh niên đã tăng 4,4 cm và nữ tăng thêm 3,6 cm và so với năm 1985, nam giới đã tăng thêm 8,6 cm, nữ tăng thêm 5,7 cm.
Theo ông Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, mức tăng chiều cao của thanh niên Việt Nam trong giai đoạn 1990-2020 tương đương thời kỳ vàng của Nhật Bản về tăng chiều cao thanh niên trong giai đoạn 1955-1995.
Nếu chúng ta duy trì được mức tăng trưởng trong các thập kỷ tới thì chúng ta sẽ thu hẹp khoảng cách chiều cao với người Nhật Bản, Hàn Quốc - những nước đang có chiều cao hàng đầu châu Á.
Tuy nhiên, theo ông Tuyên, với sự chênh lệch về chiều cao giữa trẻ ở nông thôn và thành thị như hiện nay chiến lược dinh dưỡng giai đoạn tới sẽ phải tập trung mạnh mẽ hơn với vùng nông thôn nghèo, vùng hay xảy ra thiên tai và miền núi.
Để nâng tỉ lệ chiều cao người Việt theo Viện trưởng Viện Dinh dưỡng, các bậc phụ huynh cần phải nâng cao hơn nữa hiểu biết về tầm quan trọng của 1.000 ngày đầu đời và việc bổ sung vi chất dinh dưỡng.
“Các chị em phụ nữ ngay từ giai đoạn tiền thai kỳ cần ăn uống đầy đủ theo Tháp dinh dưỡng mà Bộ Y tế đã phê duyệt, đồng thời cần được bổ sung vi chất đầy đủ. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần chung tay thực hiện nghiêm túc Nghị định 09/2016/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường vi chất vào thực phẩm”, ông Tuyên nêu.
Để tăng cường vi chất dinh dưỡng cho trẻ, làm tiền đề để phát triển thể lực, chiều cao người Việt, nhiều năm nay Viện Dinh dưỡng đã tổ chức Ngày Vi chất dinh dưỡng hai lần/năm vào các ngày 1-2/6 và 1-2/12 trên phạm vi cả nước.
Ths. Bs Nguyễn Văn Tiến, Trung tâm Giáo dục Truyền thông dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng cho hay, suy dinh dưỡng thấp còi và thiếu vi chất dinh dưỡng là những nguyên nhân chính dẫn tới chiều cao ở thanh niên Việt Nam chưa đạt kỳ vọng.
Chuyên gia này cũng cho hay, phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng là một cuộc chiến bền bỉ để nâng cao năng lực lao động, phát triển trí tuệ, tầm vóc, chất lượng cuộc sống và sức khỏe, góp phần phòng chống dịch Covid-19.
Thông điệp Ngày Vi chất dinh dưỡng (1 - 2/6/2021) mà Viện Dinh dưỡng đưa ra trong năm 2021 là:
- Sử dụng đa dạng, phối hợp nhiều loại thực phẩm cho bữa ăn hàng ngày; khuyến khích lựa chọn và sử dụng thực phẩm có tăng cường vi chất dinh dưỡng.
- Cho trẻ bú sớm, nuôi trẻ hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu và tiếp tục cho trẻ bú sữa mẹ cùng với ăn bổ sung hợp lý đến 24 tháng tuổi hoặc lâu hơn.
- Sử dụng các thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng cho bữa ăn bổ sung của trẻ; thêm mỡ hoặc dầu ăn để tăng hấp thu vitamin A, vitamin D.
- Cho trẻ trong độ tuổi uống vitamin A liều cao 2 lần/ năm, bà mẹ sau sinh trong vòng một tháng uống một liều vitamin A.
- Trẻ từ 24 đến 60 tháng tuổi uống thuốc tẩy giun 2 lần/ năm. Thực hiện vệ sinh ăn uống, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường phòng chống nhiễm giun.
- Phụ nữ tuổi sinh đẻ, phụ nữ có thai cần uống viên sắt/ axit folic hoặc viên đa vi chất theo hướng dẫn.
- Hàng năm, có gần 1 triệu trẻ dưới 5 tuổi được cải thiện tình trạng thiếu vitamin A nhờ hoạt động bổ sung vitamin A cho trẻ từ 6 - 60 tháng tuổi và tẩy giun cho trẻ từ 24-60 tháng tuổi tại 22 tỉnh có nguy cơ cao và 41 tỉnh còn lại bổ sung uống vitamin A cho trẻ từ 6 - 36 tháng tuổi mỗi năm 2 lần.
|
Chiến lược phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng gồm các giải pháp đồng bộ như: Bổ sung vi chất dinh dưỡng cho các đối tượng có nguy cơ cao là một giải pháp cần thiết để khắc phục nhanh chóng, kịp thời tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng.
Tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm là giải pháp trung hạn. Đa dạng hoá bữa ăn là biện pháp cải thiện tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng một cách lâu dài và bền vững.
Tăng cường vi chất dinh dưỡng vào các thực phẩm thiết yếu là biện pháp đơn giản, có hiệu quả và dễ đạt độ bao phủ cao và có tính bền vững để giảm thiểu sự thiếu hụt các vi chất dinh dưỡng trong bữa ăn hàng ngày, nâng cao sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người dân.
Tuyên truyền và giáo dục cho người tiêu dùng có nhu cầu tiêu thụ và biết lựa chọn những thực phẩm có tăng cường vi chất là điều kiện để thực hiện thành công phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng.
Công tác truyền thông nhằm nâng cao kiến thức và thực hành dinh dưỡng đúng cho người dân cũng là một trong các giải pháp quan trọng, các nội dung tuyên truyền như khuyến khích người dân ăn đủ nhu cầu, ăn đa dạng và phối hợp nhiều loại thực phẩm trong bữa ăn hàng ngày, sử dụng thường xuyên các thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng, biết cách lựa chọn các thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng;
Cho trẻ bú sớm, nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu
Cho trẻ bú sớm trong vòng 1 giờ đầu sau khi sinh, thực hiện nuôi trẻ hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu và cho trẻ bú mẹ đến 24 tháng hoặc lâu hơn;
Bữa ăn bổ sung của trẻ cần có mỡ hoặc dầu để tăng cường hấp thu và sử dụng vitamin A, vitamin D; trẻ em trong độ tuổi và bà mẹ sau sinh trong vòng 1 tháng cần được uống một liều vitamin A; phụ nữ có thai, phụ nữ tuổi sinh đẻ cần được hướng dẫn sử dụng viên sắt/axit folic hoặc viên đa vi chất.
Đại diện Viện Dinh dưỡng cho hay do Ngày vi chất dinh dưỡng năm nay (1-2/6) diễn ra trong mùa dịch Covid-19, diễn biến của dịch cũng rất phức tạp và nguy hiểm, tốc độ lây lan nhanh, bệnh xảy ra trong diện rộng.
Để đảm bảo tuyệt đối an toàn sức khỏe cho trẻ em và bà mẹ trong mùa dịch, theo bác sĩ Tiến, chính quyền các cấp, các địa phương cần triển khai đồng bộ các biện pháp phòng dịch theo quy định của Bộ Y tế, thực hiện biện pháp 5K, không tập trung đông người, thực hiện giãn cách, khi cho trẻ uống thuốc và nước không dùng chung thìa cốc, khám sàng lọc kỹ sức khỏe của nhân viên y tế và trẻ em, tuân thủ nghiêm túc quy trình triển khai Ngày vi chất dinh dưỡng.
Theo Viện Dinh dưỡng, hiện Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể về cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho người dân như tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi đã giảm nhanh và bền vững.
Theo đó, tỉ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm từ 30.1% năm 2000 xuống còn 14.1% năm 2015 và năm 2020 tỷ lệ này là 11.5%.
Việt Nam cũng thanh toán được tình trạng mù lòa do thiếu vitamin A; tình trạng thiếu vitamin A huyết thanh, thiếu máu do thiếu sắt và thiếu các vi chất dinh dưỡng khác ngày càng được cải thiện; kiến thức và thực hành dinh dưỡng đúng của người dân ngày càng được nâng cao.
Mặc dù, tỉ lệ suy dinh dưỡng thấp còi giảm 1% một năm, tỉ lệ này hiện nay là 19.6%, nhưng còn tồn tại sự khác biệt và chênh lệch rất lớn giữa các vùng sinh thái, thành thị và nông thôn như: Miền núi 38.0%, nông thôn 14.9% và thành thị 12.4%.
Nguồn: Báo đầu tư