Nuôi dưỡng trẻ nhỏ trong tình huống khẩn cấp

Cập nhật: 10/3/2024 - Lượt xem: 478

Theo IFE (Nhóm nòng cốt về Nuôi trẻ sơ sinh trong trường hợp khẩn cấp) [1] thì trong tình huống khẩn cấp do thiên tai hoặc dịch bệnh, tỷ lệ tử vong ở trẻ em có thể cao hơn từ 2 đến 70 lần với tỷ lệ trung bình. Đối với phụ nữ mang thai, bà mẹ cho con bú và trẻ em dưới 2 tuổi, nhất là trong tình huống khẩn cấp, thì dinh dưỡng là chìa khóa để giảm tử vong, bệnh tật. Trong tình huống khẩn cấp, việc đảm bảo trẻ sơ sinh được bú mẹ hoàn toàn trong sáu tháng đầu và tiếp tục cho con bú trong hai năm trở lên là rất quan trọng để bảo vệ sức khỏe của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Rủi ro khi cho trẻ sơ sinh ăn các thực phẩm khác ngoài sữa mẹ, đặc biệt là trong sáu tháng đầu, sẽ tăng lên do nước không sạch, điều kiện sống đông đúc và mất vệ sinh, và nguồn cung thực phẩm không ổn định trên thị trường. Điều này có thể gây nguy hiểm đáng kể cho sức khỏe của trẻ sơ sinh và có thể dẫn đến gia tăng bệnh tật, suy dinh dưỡng và tử vong.

Nuôi dưỡng trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ trong tình huống khẩn cấp liên quan đến việc bảo vệ và hỗ trợ việc nuôi dưỡng an toàn và phù hợp cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ trong mọi tình huống khẩn cấp, với mục tiêu bảo vệ sự sống còn, sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Nó bao gồm việc hỗ trợ nhu cầu dinh dưỡng của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ từ khi sinh ra đến khi trẻ được hai tuổi và liên quan đến cả trẻ bú mẹ và không bú mẹ cũng như sức khỏe của các bà mẹ. Thực hiện nuôi dưỡng trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ trong tình huống khẩn cấp với mục tiêu là bảo vệ việc cho con bú cùng với cung cấp các loại thực phẩm bổ sung an toàn, đa dạng và có sẵn tại địa phương.

Trong tình huống khẩn cấp, nuôi con bằng sữa mẹ chính là đảm bảo an ninh thực phẩm cho trẻ. Sữa mẹ không chỉ là nguồn dinh dưỡng hoàn hảo cho trẻ sơ sinh, nó cũng chứa các kháng thể chống nhiễm khuẩn và bệnh tật, ngăn ngừa vi khuẩn và mầm bệnh bám vào ruột trẻ sơ sinh. Nước bị ô nhiễm, điểu kiện vệ sinh kém và sự lân lan của vi khuẩn rất phổ biến trong tình huống khẩn cấp. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ luôn có nguy cơ cao hơn, do đó thức ăn an toàn và vệ sinh nhất luôn luôn là sữa mẹ. Cho con bú cũng giúp giữ ấm cho trẻ sơ sinh, giảm đau và giảm căng thằng cho cả trẻ và mẹ.

Các bà mẹ vẫn có thể tiết đủ sữa ngay cả khi căng thẳng, mặc dù có thể chậm xuống sữa hơn nên cần có sự hỗ trợ cũng nhưng cần kiên nhẫn để bé ngậm bú mẹ thường xuyên và lâu hơn để kích thích. Tạo không gian yên tĩnh và an toàn cho mẹ con, hỗ trợ thực hành mẹ bế con tiếp xúc da kề da. Một chiếc khăn quấn, khăn trùm đầu, chăn hoặc khăn quàng cổ có thể giúp các bà mẹ và trẻ sơ sinh có một chút riêng tư để tiếp xúc da kề da và cho con bú.

Những bà mẹ đói và mất nước vẫn có thể sản xuất đủ sữa dinh dưỡng. Các bà mẹ CÓ THỂ cho con bú và tạo ra nhiều sữa dinh dưỡng cho con ngay cả khi họ không nhận được đủ thức ăn hoặc nước, ngoại trừ trong những tình huống cực đoan hiếm hoi. Các bà mẹ tạo ra sữa từ các kho dự trữ của cơ thể họ, vì vậy ngay cả trong tình huống khẩn cấp, chất lượng và số lượng sữa sẽ không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, một bà mẹ đói hoặc mất nước sẽ thiếu sức lực và có thể thấy việc cho con bú khó khăn hơn bình thường. Những người tham gia cứu trợ nên ưu tiên phụ nữ mang thai và cho con bú để cung cấp đủ thức ăn và nước uống, cho mẹ ăn để mẹ có thể nuôi con.

Trẻ sơ sinh nên tiếp tục bú mẹ, ngay cả khi bị bệnh. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có nguy cơ tử vong cao gấp năm lần trong trường hợp khẩn cấp, chủ yếu là do tiêu chảy. Cho con bú làm giảm đáng kể nguy cơ tiêu chảy. Sữa mẹ được hấp thụ nhanh chóng và nhiều yếu tố miễn dịch giúp chống lại bệnh tật và nhiễm trùng. Sữa mẹ cũng có các chất dinh dưỡng, khoáng chất và nước quan trọng giúp giữ nước cho trẻ. Nếu trẻ sơ sinh bị bệnh, hãy khuyến khích người mẹ cho con bú thường xuyên nhất có thể và giới thiệu bà mẹ đến cơ sở y tế hoặc chuyên gia dinh dưỡng nếu cần hỗ trợ cho con bú.

Chỉ bắt đầu cho trẻ ăn dặm sau sáu tháng ngoài sữa mẹ. Sau sáu tháng, các bà mẹ nên tiếp tục cho trẻ bú theo cách đáp ứng, khi trẻ yêu cầu, cả ngày và đêm để duy trì sức khỏe và dinh dưỡng cho trẻ. Tiếp tục cho trẻ bú mẹ đến khi trẻ được hai tuổi hoặc lớn hơn. Các bà mẹ nên cho trẻ bú trước khi cho trẻ ăn dặm. Thức ăn dặm nên tươi và đa dạng nhất có thể và được cho ăn ít nhất hai đến ba lần một ngày. Mẹ và người chăm sóc phải rửa tay mình và tay trẻ bằng xà phòng và nước trước khi chế biến thức ăn, cho trẻ ăn, sau khi đi vệ sinh và vệ sinh cho trẻ.

Tránh phân phối sữa bột cho trẻ sơ sinh thường xuyên và rộng rãi thiếu kiểm soát vì nhiều khả năng gây hại hơn là có lợi. Các loại sữa công thức nếu sử dụng nên được cơ quan chịu trách nhiệm quản lý và cấp phát đúng đối tượng, đảm bảo có các điều kiện pha chế và cho ăn an toàn nhất cho trẻ.

Thông điệp hỗ trợ việc nuôi con bằng sữa mẹ hiệu quả:

 1. Sữa mẹ cung cấp nguồn dinh dưỡng thiết yếu và bảo vệ bé khỏi bệnh tật.

 2. Bế bé sát vào ngực bạn, áp vào da bạn, ngay cả khi không cho bé bú. Sử dụng địu/quấn em bé có thể giúp giữ em bé gần bạn và giúp bé cảm thấy an toàn.

 3. Khi cho bé bú, hãy bế bé thật chặt và giữ đầu, cổ và thân bé thẳng hàng. Nhìn bé và tương tác khi bé bú.

 4. Cho bé bú bất cứ khi nào bé có biểu hiện muốn. Cho con bú thường xuyên, tùy theo nhu cầu của bé, cả ngày lẫn đêm.

 5. Chồng và các thành viên khác trong gia đình nên giúp đỡ việc nhà và hỗ trợ người mẹ hoặc người chăm sóc khi họ đang nuôi con nhỏ

 6. Nếu trẻ dưới 6 tháng tuổi, trẻ chỉ cần sữa mẹ và không cần bất kỳ thứ gì khác. Không cho trẻ uống nước, trà, sữa khác hoặc bất kỳ thức ăn nào khác trước khi trẻ được 6 tháng tuổi.

 7. Nếu trẻ đã hơn 6 tháng tuổi, hãy tiếp tục cung cấp sữa mẹ như nguồn dinh dưỡng chính

 8. Để bé bú hết một bên vú rồi mới chuyển sang vú còn lại.

 9. Tránh cho trẻ bú bình hoặc ngậm núm vú giả.

Các bà mẹ và các gia đình, cũng như các lực lượng cứu trợ cần hỗ trợ để trong tình huống khẩn cấp vẫn đảm bảo được các thực hành sau:

1. Bà mẹ vẫn có thể bắt đầu cho con bú ngay sau khi sinh;

2. Cho con bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu;

3. Cho trẻ ăn bổ sung: đúng thời điểm (bắt đầu khi trẻ được 6 tháng), đầy đủ (về năng lượng và các chất dinh dưỡng phù hợp), an toàn (được chế biến, bảo quản và sử dụng hợp vệ sinh), phù hợp (về số bữa, cách cho ăn và cho ăn dựa trên đáp ứng của trẻ);

4. Cùng với thức ăn bổ sung, tiếp tục cho trẻ bú từ 6 tháng đến 24 tháng tuổi và lâu hơn.

TS. Huỳnh Nam Phương – Trưởng phòng Quản lý khoa học – Viện Dinh dưỡng

[1] IFE: Nhóm nòng cốt về Nuôi trẻ sơ sinh trong trường hợp khẩn cấp (IFE) là sự hợp tác toàn cầu của các cơ quan và cá nhân được thành lập vào năm 1999 để giải quyết các khoảng cách về hướng dẫn chính sách và nguồn lực đào tạo cản trở việc lập trình hỗ trợ nuôi trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ trong các trường hợp khẩn cấp. https://www.ennonline.net/ife/iycfe