Suy dinh dưỡng cấp tính là gì?
Suy dinh dưỡng (SDD) cấp tính là tình trạng cơ thể không nhận đủ năng lượng và đạm so với nhu cầu, hậu quả trẻ bị giảm cân nhanh hoặc bị phù. Suy dinh dưỡng cấp tính là một trong những nguyên nhân gây tử vong ở trẻ, nếu trẻ đang bị mắc các bệnh tiêu chảy hay viêm phổi thì sẽ làm bệnh nặng hơn. Trẻ SDD cấp tính có nguy cơ tử vong cao gấp 9 lần so với trẻ bình thường, SDD cấp tính ảnh hưởng đến phát triển thể lực và trí tuệ lâu dài của trẻ
SDD cấp tính là hậu quả của việc không phòng tránh được tình trạng suy dinh dưỡng ở những trẻ em dễ bị tổn thương nhất. Trẻ em bị suy dinh dưỡng cấp tính thường rất gầy và hệ thống miễn dịch của trẻ bị suy yếu, khiến trẻ dễ bị chậm phát triển, mắc bệnh và tử vong. Một số trẻ em có thể có phù dinh dưỡng, biểu hiện phù ở bàn chân, lên đến tứ chi, mặt và toàn thân.
Suy dinh dưỡng cấp tính ở trẻ em là hậu quả của bà mẹ mang thai bị SDD, trẻ có cân nặng sơ sinh thấp, trẻ có chế độ ăn uống và chăm sóc kém, và tình trạng nhiễm trùng, những yếu tố này có thể trở nên trầm trọng hơn do mất an ninh lương thực, hạn chế tiếp cận nước uống an toàn và nghèo đói. Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy tình trạng suy dinh dưỡng cấp tính có thể xảy ra rất sớm ở trẻ nhỏ và ảnh hưởng không đồng đều đến trẻ em dưới 2 tuổi. Số lượng trẻ em bị suy dinh dưỡng cấp tính có thể tăng cao đáng kể trong các tình huống khẩn cấp như dịch bệnh và mất an ninh lương thực, bao gồm cả tình trạng hạn hán và lũ lụt do biến đổi khí hậu gây ra. Tuy nhiên, suy dinh dưỡng cấp tính không chỉ xuất hiện trong tình huống khẩn cấp. Trên thực tế, hai phần ba số trẻ em bị suy dinh dưỡng cấp tính sống ở những nơi không phải đối mặt với tình huống khẩn cấp.
Trong khi số lượng trẻ em được điều trị suy dinh dưỡng đã tăng lên trong những năm gần đây, thì chỉ có một trong ba trẻ em bị suy dinh dưỡng cấp tính mức độ nặng được điều trị và chăm sóc kịp thời để có thể sống sót và phát triển. Ở nhiều quốc gia, việc phòng ngừa và điều trị tình trạng suy dinh dưỡng không được ưu tiên, thiếu nguồn lực và không thể tiếp cận - đặc biệt là đối với các gia đình và cộng đồng khó khăn nhất.
Khi những nỗ lực ngăn ngừa suy dinh dưỡng không đạt hiệu quả, việc phát hiện và điều trị sớm trẻ em bị suy dinh dưỡng và các dạng suy dinh dưỡng đe dọa tính mạng khác là rất quan trọng để cứu sống trẻ và giúp trẻ tiếp tục phát triển và tăng trưởng khỏe mạnh. Trong hầu hết các trường hợp, trẻ em bị suy dinh dưỡng cấp tính có thể được điều trị bằng chế phẩm dinh dưỡng điều trị (gọi tắt là RUTF), cho phép trẻ phục hồi tại nhà và cộng đồng của mình thay vì tại cơ sở y tế. Các dịch vụ điều trị này được cung cấp bởi các cơ sở y tế theo phác đồ của Bộ Y tế được xây dựng dựa trên Hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới.
Cách phát hiện trẻ bị SDD cấp tính
Khi mẹ/người chăm sóc thấy một số biểu hiện sau đây ở trẻ: Thể trạng gầy còm, da nhăn nheo; Bụng ỏng, đít beo; Chân tay khẳng khiu; Phù 2 chân; Vòng cánh tay nhỏ hơn 11,5cm; có biểu hiện sút cân nhanh trong thời gian ngắn. Đặc biệt nếu các dấu hiêu này xuất hiện ở những trẻ bị các bệnh cảnh cấp tính (ho, sốt, tiêu chảy) hoặc thiếu ăn tại gia đình thì nên đưa trẻ ngay đến cơ sở y tế gần nhất để chẩn đoán và điều trị. Tuỳ vào tình trạng bệnh của trẻ, nhân viên y tế sẽ quyết định trẻ điều trị tại bệnh viện hoặc cộng đồng. Thông thường, trẻ sẽ sử dụng sản phẩm điều trị đặc hiệu (RUTF). Liều lượng sản phẩm ăn hằng ngày sẽ do cán bộ y tế chỉ định theo cân nặng của trẻ. Tiếp tục cho trẻ bú mẹ nếu trẻ còn bú mẹ. Bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, bắt đầu cho trẻ ăn bổ sung từ khi tròn 6 tháng và tiếp tục cho bú đến 24 tháng hoặc lâu hơn. Giữ ấm, giữ vệ sinh cho trẻ.
Sơ đồ phát hiện và quản lý suy dinh dưỡng cấp tính tại cộng đồng
Suy dinh dưỡng cấp tính là hoàn toàn có thể phòng tránh và điều trị được. Để phòng suy dinh dưỡng cấp tính cho trẻ, bà mẹ và gia đình cần:
- Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, bắt đầu cho trẻ ăn bổ sung khi tròn 6 tháng và tiếp tục cho bú đển 24 tháng tuổi hoặc lâu hơn.
- Cho trẻ ăn bổ sung đầy đủ và cân đối các nhóm thực phẩm từ ngũ cốc, đậu đỗ, thịt/cá/phủ tạng, trứng, sữa, rau quả nhiều màu sắc và dầu mỡ.
- Trẻ 6-23 tháng cần bổ sung gói đa vi chất cùng với thức ăn theo hướng dẫn của cán bộ y tế.
- Thường xuyên theo dõi sự tăng trưởng của trẻ và tiêm phòng cho trẻ đầy đủ.
- Đảm bảo an toàn thực phẩm, vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường.
TS. Huỳnh Nam Phương - Trưởng phòng Quản lý khoa học - Viện Dinh dưỡng