Muối ăn là những hạt màu trắng, vị mặn, được kết tinh từ nước biển hoặc khai thác từ các mỏ muối. Ngoài việc sử dụng trong các ngành công nghiệp, chế biến, bảo quản thực phẩm và y tế, muối còn là một gia vị khá phổ biến trong bữa ăn hàng ngày và là một khoáng chất cần thiết cho cơ thể. Tuy nhiên, ăn quá nhiều muối sẽ mang lại những hậu quả không tốt cho sức khỏe đặc biệt là trẻ em. Muối được tạo từ 2 thành phần cơ bản là Natri và clo, chúng có vai trò hết sức quan trọng trong cân bằng thể dịch trong cơ thể, sự tồn tại và hoạt động bình thường của tất cả các tế bào, hoạt động chức năng của tất cả các cơ quan và bộ phận trong cơ thể. Muối ăn còn được tăng cường thêm i-ốt để đảm bảo nhu cầu i-ốt cho cơ thể. I-ốt giúp giảm mắc bệnh bướu cổ, giảm nguy cơ thai chết lưu, đẻ non, tử vong sơ sinh, giúp trẻ phát triển trí tuệ đầy đủ, qua đó giảm chi phí y tế, giảm gánh nặng kinh tế và xã hội.
1. Nhu cầu muối
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, tổng lượng muối ăn vào của người trưởng thành mỗi ngày là dưới 5 gam, với trẻ em, người suy thận, suy tâm phải ít hơn, trong đó lượng muối khuyến cáo cho trẻ em theo từng độ tuổi như sau:
- Trẻ em từ 12 tuổi trở lên: Nên ăn dưới 5 gam muối/ngày
- Trẻ dưới 5 tuổi: Nên ăn dưới 3 gam muối/ngày
- Trẻ dưới 1 tuổi: Dưới 1 gam muối/ngày, tuy nhiên, những thực phẩm hàng ngày của bé như sữa mẹ/sữa công thức, hoa quả, thịt, cá…đã đủ lượng muối cần thiết do vậy mẹ không cần cho muối hoặc bất kỳ gia vị mặn nào.
2. Tác hại khi cơ thể ăn quá nhiều muối đối với trẻ
Khi trẻ thường xuyên tiêu thụ lượng muối so với nhu cầu khuyến nghị, khi trưởng thành trẻ dễ bị mắc một số bệnh: ung thư dạ dày, suy thận, loãng xương, tăng huyết áp, dẫn đến đột quỵ, nhồi máu cơ tim, bệnh tim mạch và gây ra các rối loạn khác cho sức khỏe.
3. Nguồn cung cấp muối cho cơ thể
Theo nghiên cứu muối cung cấp cho cơ thể qua 3 nguồn chính:
- Muối và gia vị chứa nhiều muối (nước mắm, xì dầu, bột canh, hạt nêm,…) cho vào thực phẩm khi chế biến, nấu nướng và khi ăn, lượng muối này chiếm 70 – 80% tổng lượng muối chúng ta ăn hàng ngày.
- Muối ăn được cho sẵn vào trong các thực phẩm chế biến sẵn như giò, chả, xúc xích, lạp xường, thịt xông khói, mì ăn liền, bim bim, thực phẩm đóng hộp, cá khô, dưa muối, cà muối…Trong số này, lượng muối có trong món m. ăn liền chiếm một lượng lớn trong chế độ ăn do nhiều người có thói quen tiêu thụ khá thường xuyên món ăn này.
- Phần còn lại, dưới 10%, đến từ các thực phẩm tự nhiên chưa chế biến do các thực phẩm này cũng có chứa sẵn một lượng muối nhất định.
Do vậy, để giảm lượng muối ăn vào trong chế độ ăn biện pháp hiệu quả nhất là phải giảm được lượng muối cho vào trong quá trình chế biến và trong khi ăn, tiếp theo là giảm tiêu thụ các thực phẩm chế biến sẵn chứa nhiều muối.
4. Một số cách giảm lượng muối trong khẩu phần ăn của trẻ
4.1. Hạn chế cho trẻ ăn các thực phẩm chế biến sẵn:
Hạn chế cho trẻ ăn các thực phẩm chế biến sẵn - Ảnh sưu tầm Internet
Một số thực phẩm chế biến sẵn như giò, chả, xúc xích, lạp sườn, thịt xông khói, giăm bông, mì ăn liền, snack,…thường chứa nhiều muối để bảo quản và tăng hương vị cho thực phẩm. Thay vì cho trẻ ăn các thực phẩm này các mẹ hãy cho trẻ ăn các thực phẩm tươi và tự chế biến tại nhà bằng cách cho trẻ ăn các món luộc, hấp thay vì các món rang, rim hay kho để kiểm soát lượng muối.
4.2. Kiểm tra nhãn mác dinh dưỡng của thực phẩm trước khi quyết định mua
Khi mua thực phẩm các mẹ hãy chú ý đến hàm lượng natri trong thực phẩm, mẹ nên chọn các sản phẩm ghi rõ "ít muối" hoặc "không thêm muối". Đối với các loại thức ăn đã chế biến sẵn, trên bao bì sẽ ghi hàm lượng muối. Mỗi 1g muối chứa khoảng 0,4g natri. Do vậy, nếu trên bao bì chỉ ghi thành phần natri, mẹ hãy nhân 2,5 lần để biết được số lượng muối trong thành phẩm.
Với những trẻ lớn đã đọc được chữ mẹ có thể cho bé đi mua cùng và hướng dẫn bé thói quen đọc nhãn này nhé!
4.3. Hạn chế nước chấm và nước sốt
Nước mắm, xì dầu và các loại nước sốt thường chứa hàm lượng muối rất cao. Vì vậy mẹ nên hạn chế cho bé sử dụng những loại gia vị này hoặc pha loãng trước khi cho bé dùng. Một số mẹ có thói quen chấm chấm trái cây vào các loại muối ớt, muối tiêu, muối tôm, muối ô mai, bột canh…khi ăn, mẹ hãy từ bỏ thói quen để làm gương cho trẻ nhé.
4.4. Sử dụng gia vị thay thế trong chế biến
Thay vì dùng muối hoặc thực phẩm chứa nhiều muối các mẹ hãy sử dụng các loại gia vị tự nhiên như hành, tỏi, tiêu, chanh hoặc rau thơm để tăng hương vị món ăn. Điều này không chỉ giảm lượng muối mà còn giúp món ăn thêm phong phú về dinh dưỡng.
4.5. Nấu ăn tại nhà
- Tự nấu ăn tại nhà là cách tốt nhất để kiểm soát lượng muối trong khẩu phần của trẻ.
- Khi nấu ăn, mẹ hãy giảm dần lượng muối trong các món ăn để trẻ làm quen với hương vị tự nhiên.
4.6. Tạo thói quen ăn uống lành mạnh cho trẻ
- Hướng dẫn trẻ ăn nhiều rau xanh, trái cây và các loại thực phẩm tự nhiên không qua chế biến.
- Tạo thói quen uống nước lọc thay vì các loại đồ uống có muối hoặc đường cao.
4.7. Tăng cường giáo dục dinh dưỡng
- Dạy trẻ về lợi ích của việc ăn uống lành mạnh và tác hại của việc tiêu thụ nhiều muối.
- Khuyến khích trẻ tham gia vào việc chuẩn bị bữa ăn để trẻ hiểu rõ hơn về thành phần dinh dưỡng trong thực phẩm.
4.8. Theo dõi và điều chỉnh khẩu phần
- Các mẹ có thể ghi chép lại thực đơn hàng ngày của trẻ để đảm bảo lượng muối tiêu thụ không vượt quá khuyến nghị.
- Tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để xây dựng chế độ ăn uống phù hợp cho trẻ.
Việc giảm muối trong khẩu phần ăn của trẻ là một bước quan trọng để bảo vệ sức khỏe lâu dài. Hãy thực hiện từng bước nhỏ và kiên nhẫn để xây dựng thói quen ăn uống lành mạnh cho con trẻ. Cả nhà cùng thực hiện khẩu hiệu “Ăn giảm muối, chấm nhẹ tay, giảm ngay đồ mặn” để phòng chống các bệnh không lây nhiễm (tăng huyết áp, tim mạch,…) cho cả gia đình các mẹ nhé!
ThS. Trịnh Hồng Sơn - Giám đốc Trung tâm Giáo dục truyền thông dinh dưỡng - Viện Dinh dưỡng