Lứa tuổi học đường là giai đoạn quan trọng trong quá trình phát triển thể chất và trí tuệ. Chính vì vậy, chế độ dinh dưỡng phù hợp sẽ giúp trẻ phát triển tốt về thể chất, nâng cao sức đề kháng, phòng tránh các bệnh nhiễm trùng, bệnh mạn tính không lây liên quan đến dinh dưỡng. Tuy nhiên, một số thực phẩm nếu không được sử dụng đúng cách có thể gây hại cho sức khỏe. Dưới đây là những lưu ý để có một chế độ dinh dưỡng hợp lý phòng “bệnh từ miệng vào” các em nhé!
1. Thực phẩm không lành mạnh nên hạn chế ăn: Chế độ ăn không lành mạnh là chế độ ăn không cân bằng về dinh dưỡng, nhiều chất đạm, chất béo so với nhu cầu, nhưng lại ít rau củ quả. Chế độ ăn có nhiều món ăn không có lợi cho sức khỏe như chiên rán nhiều dầu mỡ, thức ăn công nghiệp, thức ăn nhanh, thức ăn có nhiều đường và muối. Thực phẩm không lành mạnh là những thực phẩm đã qua chế biến, đồ ăn nhanh như bánh mì kẹp thịt và đồ chiên rán, nước ngọt, xúc xích xông khói, khoai tây chiên, kẹo đường,... Những thực phẩm không lành mạnh này chứa rất ít chất dinh dưỡng và dư thừa các chất độc hại như dầu mỡ, muối và đường tinh luyện, chất béo chuyển hóa và hương vị tổng hợp. Nếu chúng ta tiêu thụ trong thời gian dài sẽ phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ bệnh tật trong tương lai như béo phì, đái tháo đường, bệnh tim mạch,…
- Thức ăn nhanh: Một số loại thức ăn nhanh như pizza, gà rán, khoai tây chiên thường chứa nhiều chất béo bão hoà và calo rỗng, tăng nguy cơ béo phì nếu các em sử dụng quá nhiều. Do đó, nên hạn chế ăn các loại thức ăn này các em nhé.
- Thực phẩm chứa nhiều đường: Các loại kẹo, bánh ngọt, nước ngọt có gas chứa nhiều đường đơn, dễ dàng gây thừa cân – béo phì, nguy cơ sâu răng nếu sử dụng thường xuyên. Các em nên hạn chế tiêu thụ các loại thực phẩm này, thay thế bằng trái cây tươi hoặc các loại hạt dinh dưỡng tốt cho sức khỏe. Hạn chế sử dụng các loại thức ăn nước uống có hàm lượng đường cao như đồ ăn vặt, kẹo, nước ngọt (có ga hoặc không có ga), kể cả nước quả có pha thêm nhiều đường, các dịch cô đặc hoặc bột pha nước uống, nước uống có hương vị, nước uống năng lượng, trà uống liền, cà phê uống liền, sữa có đường. Ăn các loại quả thay vì đồ ăn vặt có chứa đường.
- Thực phẩm chứa nhiều muối: Thực phẩm chế biến sẵn như đồ ăn đóng hộp, snack thường có lượng muối cao. Tiêu thụ quá nhiều muối có thể gây ảnh hưởng đến huyết áp và thận. Do đó, nên hạn chế loại thực phẩm này và chọn các món được chế biến đơn giản tại nhà. Trong nhà không để muối và các loại nước chấm gia vị mặn luôn sẵn có trên bàn ăn để hạn chế sử dụng.
- Nước ngọt có gas và caffein: Nước ngọt có gas và các loại đồ uống chứa cafein như cà phê hoặc trà xanh đóng chai có thể gây kích thích hệ thần kinh, ảnh hưởng tới giấc ngủ và khả năng tập trung. Khuyên khích trẻ uống nước lọc hoặc nước ép trái cây tươi thay thế.
- Các loại đồ ăn chiên rán: Thực phẩm chiên rán thường chứa nhiều chất béo bão hoà và chất béo trans, có thể gây béo phì và tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạc nếu các em tiêu thụ nhiều. Do đó, cần hạn chế thực phẩm chiên rán trong khẩu phần ăn hàng ngày thay vào đó là các món luộc, hấp nhé.
- Thực phẩm chế biến sẵn: Xúc xích, giò, chả, thịt hun khói,...là những loại thực phẩm chế biến sẵn thường chứa nhiều chất bảo quản và phụ gia đặc biệt chứa nhiều muối. Tiêu thụ quá nhiều tăng nguy cơ tăng huyết áp, bệnh thận, các bệnh đường tiêu hóa.
2. Thực phẩm lành mạnh nên ăn
Thực phẩm lành mạnh là những thực phẩm có ít chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa, đường tự do và muối. Lựa chọn thực phẩm lành mạnh sẽ cho chúng ta bữa ăn lành mạnh và chế độ ăn lành mạnh.
Chất béo chuyển hóa hay còn gọi là “chất béo xấu” thường có trong các thực phẩm chiên, xào, đồ ăn nhanh, bánh ngọt, mì ăn liền. Ngoài ra còn có trong thịt động vật, bơ, sữa, thịt động vật...Khi ăn các loại thực phẩm chứa nhiều chất béo xấu này sẽ tăng nguy cơ béo phì, tim mạch, đái tháo đường các em ạ.
Cách chế biến cũng có thể biến 1 thực phẩm lành mạnh thành không lành mạnh: Ví dụ thịt gà luộc là thực phẩm lành mạnh, nhưng thịt gà tẩm bột chiên nhiều dầu mỡ lại là thực phẩm không lành mạnh.
Chế độ dinh dưỡng khoa học là yếu tố quan trọng trong việc đảm bảo sức khỏe và sự phát triển toàn diện cho trẻ lứa tuổi học đường. Bằng cách giảm bớt các thực phẩm có hại và thay thế bằng những lựa chọn lành mạnh. Hãy làm tấm gương và tuyên truyền để mọi người trong gia đình, bạn bè, người thân cùng nhau thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh để đảm bảo một Việt Nam luôn mạnh khỏe các em nhé!
ThS. Trịnh Hồng Sơn - Giám đốc Trung tâm Giáo dục truyền thông dinh dưỡng - Viện Dinh dưỡng