Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (tiếng Anh viết tắt là COPD, trong bài viết này viết tắt là BPTNMT) là một bệnh đường hô hấp, đặc trưng bởi khó thở, thường do tiếp xúc lâu dài với các chất gây kích ứng như khói thuốc lá, các chất độc hại trong không khí.
Dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát BPTNMT. Người bệnh thường phải đối mặt với một số thách thức có thể làm tình trạng dinh dưỡng trở nên tồi tệ hơn, phổ biến là sụt cân và teo cơ không chủ ý, ảnh hưởng đến sức mạnh của cơ hô hấp và sức khỏe tổng thể của người bệnh. Bản thân BPTNMT làm tăng chi tiêu năng lượng do phải nỗ lực nhiều hơn để thở, khiến người bệnh khó duy trì nạp đủ năng lượng cho nhu cầu của cơ thể.
Ngược lại, các triệu chứng như khó thở và mệt mỏi có thể làm giảm khả năng ăn uống của người bệnh, dẫn đến lượng dinh dưỡng nạp vào kém. Ngay cả việc ăn uống cũng có thể làm người bệnh cảm thấy kiệt sức, bệnh nhân có thể chán ăn hoặc no sớm. Sức khỏe suy giảm, khó khăn trong việc thở, cộng thêm ăn uống ngày một kém đi làm người bệnh ngày một lo lắng và trầm cảm, làm giảm thêm cảm giác thèm ăn.
1. Suy dinh dưỡng và teo cơ
Suy dinh dưỡng (SDD) và teo cơ ở người mắc BPTNMT có thể dẫn đến suy giảm chức năng miễn dịch, tăng nguy cơ nhiễm trùng và tăng tần suất xảy ra đợt cấp của BPTNMT. SDD cũng làm cơ thể suy yếu và giảm khả năng chịu đựng khi vận động thể lực, dẫn đến tình trạng giảm hoạt động thể chất và suy dinh dưỡng trầm trọng hơn. Do đó, khi đánh giá dinh dưỡng ở người mắc BPTNMT cần đánh giá chỉ số khối cơ thể và đo thành phần cơ thể để kịp thời phát hiện sự sụt giảm khối cơ và khối mỡ của cơ thể. Các nghiên cứu đã chứng minh teo cơ không chỉ là yếu tố quyết định quan trọng gây suy giảm chức năng mà còn làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Nhiều người bệnh mắc BPTNMT tiến triển thường xuyên bị các đợt cấp tính. Trong những giai đoạn này, người bệnh dễ bị sụt cân và suy giảm khối lượng cơ. Các nghiên cứu khoa học đã cho thấy người bệnh mắc BPTNMT trước khi nhập viện vì đợt cấp và và có sụt cân trong thời gian nằm viện làm tăng nguy cơ người bệnh nhập viện trở lại sớm hơn.
Nguyên nhân của suy dinh dưỡng và teo cơ ở người mắc BPTNMT bao gồm:
- Tăng tiêu hao năng lượng: các nghiên cứu đã chứng minh nhu cầu năng lượng khi nghỉ ngơi tăng lên ở người bệnh mắc BPTNMT dù tình trạng viêm toàn thân mức độ thấp. Để cải thiện nồng độ oxy trong máu, người bệnh mắc BPTNMT thường được khuyên tăng cường tập thể dục, do đó nếu không đảm bảo năng lượng khẩu phần có thể gây nên thiếu hụt năng lượng.
- Giảm khẩu phần ăn: Khó thở và mệt mỏi là những triệu chứng nổi bật có thể ảnh hưởng đến sự thèm ăn, đặc biệt là trong các đợt cấp của bệnh. Thiếu oxy máu động mạch cũng liên quan đến tình trạng sụt cân và giảm lượng thức ăn đưa vào cơ thể. Quá trình oxy hóa các chất và trao đổi khí qua hô hấp có liên quan chặt chẽ với nhau.
2. Teo cơ và cân bằng protein
Teo cơ là do mất cân bằng giữa quá trình tổng hợp protein và quá trình phân hủy protein. Bên cạnh những bất thường về dinh dưỡng và tình trạng ít vận động, các phản ứng thần kinh nội tiết thay đổi và sự xuất hiện của phản ứng viêm toàn thân có thể góp phần gây mất cân bằng protein trong BPTNMT. Tối ưu lượng protein khẩu phần và axit amin thiết yếu không chỉ giúp kích thích quá trình tổng hợp protein mà còn tăng cường hiệu quả của thuốc đồng hóa cũng như các bài tập kháng lực.
3. Một số gợi ý về dinh dưỡng để phòng suy dinh dưỡng ở người mắc BPTNMT
Chế độ ăn uống cân bằng có thể giúp giảm các triệu chứng, cải thiện chức năng phổi và tăng cường hệ thống miễn dịch. Đối với người mắc BPTNMT, việc duy trì cân nặng hợp lý là rất cần thiết, vì thừa cân có thể gây tăng gánh nặng cho phổi, trong khi thiếu cân có thể dẫn đến mất cơ và giảm chức năng hô hấp. Nhu cầu dinh dưỡng đối với bệnh nhân COPD nên được đánh giá cá thể, xem xét tình trạng lâm sàng của bệnh nhân (ổn định hoặc đợt cấp) và mức độ nghiêm trọng của bệnh (nhẹ, trung bình, nặng, rất nặng) cũng như mức độ hoạt động có thể có của người bệnh. Nếu chế độ ăn thông thường không cung cấp đủ nhu cầu năng lượng và protein để duy trì cân nặng hợp lý và duy trì khối cơ thì cần sử dụng thêm các sản phẩm bổ sung dinh dưỡng.
Thực phẩm giàu chất chống oxy hóa, như trái cây và rau quả, giúp chống lại stress oxy hóa trong phổi. Hơn nữa, chế độ ăn giàu chất chống oxy hóa có thể có tác dụng bảo vệ chống lại các chất ô nhiễm và chất gây dị ứng trong môi trường, là những tác nhân phổ biến gây ra và kích thích đợt cấp của BPTNMT. Bằng cách giảm stress oxy hóa và tình trạng viêm, những thực phẩm này giúp tăng cường sức khỏe và chức năng phổi. Điều này đặc biệt quan trọng đối với những người tiếp xúc với mức độ ô nhiễm không khí hoặc chất gây kích ứng đường hô hấp cao, vì chất chống oxy hóa có thể giúp giảm thiểu tác động của các yếu tố môi trường này. Do đó hãy tạo nên những bữa ăn “sắc màu” từ các loại trái cây và rau quả khác nhau. Sự đa dạng này rất quan trọng, vì các chất chống oxy hóa khác nhau chống lại các loại gốc tự do và tổn thương oxy hóa khác nhau. Ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu và các loại hạt cũng góp phần vào việc hấp thụ chất chống oxy hóa, mang lại các lợi ích sức khỏe bổ sung như cải thiện sức khỏe tiêu hóa và sức khỏe tim mạch.
TS. Trần Châu Quyên - Trưởng khoa Khám tư vấn dinh dưỡng người lớn - Viện Dinh dưỡng