Dậy thì là giai đoạn cơ thể trẻ phát triển nhanh về thể lực, sự thay đổi của hệ thần kinh, nội tiết đặc biệt là sự hoạt động của các tuyến sinh dục tăng lên gây ra những biến đổi về hình thức và sự tăng trưởng của cơ thể trẻ. Trong giai đoạn này, nhu cầu về dinh dưỡng, đặc biệt là sắt tăng cao để đáp ứng sự sinh trưởng nhanh chóng và phát triển các cơ quan trong cơ thể.
Thiếu máu là gì?
Thiếu máu là tình trạng số lượng hồng cầu và huyết sắc tố thấp hơn so với tiêu chuẩn bình thường. Huyết sắc tố hay hemoglobin bản chất là một loại protein, thành phần còn rất giàu chất sắt và đóng vai trò hỗ trợ hồng cầu mang oxy từ phổi đến các cơ quan trong cơ thể. Thiếu hụt hay giảm số lượng hemoglobin là cơ chế quan trọng nhất dẫn đến bệnh lý thiếu máu và khiến người bệnh luôn cảm thấy cơ thể mệt mỏi, suy yếu, hay bị chóng mặt và đau đầu do quá trình cung cấp oxy cho các mô bị suy giảm.
Nguyên nhân thiếu máu có thể là do chảy máu, xuất huyết nội tạng, băng huyết... hoặc do mất cân đối khi cơ thể tạo ra ít hồng cầu hơn số lượng bị mất đi, do một số bệnh mạn tính, do tiêu hủy hồng cầu trong một số bệnh bẩm sinh, do độc tính của một số dược phẩm, hóa chất, do thiếu các chất dinh dưỡng cần thiết cho sự sản xuất hồng cầu như sắt, vitamin B12, E, folacin... hoặc do tập hợp của tất cả các nguyên nhân này.
Có nhiều loại thiếu máu, nhưng dựa vào nguyên nhân có thể phân thành hai nhóm chính:
- Thiếu máu do dinh dưỡng: như do thiếu vitamin B12, folacin, và nhất là khoáng chất sắt.
- Thiếu máu không do dinh dưỡng: như do chảy máu nhiều, băng huyết, hoặc do các bệnh tiêu hao máu (ung thư bạch cầu, một số bệnh nhiễm ký sinh trùng...).
Phụ nữ lứa tuổi sinh đẻ và trẻ em đặc biệt là trẻ lứa tuổi dậy thì thường thiếu máu do thiếu sắt do thời kỳ này trẻ cần sắt cho nhu cầu sinh lý, bé gái khi bước vào tuổi dậy thì cần lượng sắt nhiều hơn bé trai do mất máu trong chu kỳ kinh nguyệt. Khi cơ thể thiếu sắt, sự sinh sản hồng cầu bị ảnh hưởng, gây mệt mỏi, da xanh xao, buồn ngủ… giảm khả năng học tập của trẻ.
Thiếu máu dinh dưỡng do thiếu sắt
- Là một thể bệnh thiếu máu dinh dưỡng do cơ thể thiếu chất sắt - một thành phần quan trọng cần thiết cho quá trình tạo máu.
- Thiếu máu dinh dưỡng do thiếu sắt là một bệnh tiến triển âm thầm nên thường bị bỏ qua và hay gặp ở trẻ gái tuổi dậy thì.
Nguyên nhân dẫn đến thiếu máu do thiếu sắt ở lứa tuổi dậy thì
- Do nhu cầu sắt tăng cao: Với lứa tuổi vị thành niên, các bé gái thường có nguy cơ thiếu sắt cao hơn bé trai do mất máu hằng tháng khi hành kinh, vì thế, nhu cầu chất sắt cũng sẽ tăng theo để bù đắp cho lượng mất đi mỗi chu kỳ kinh nguyệt. Mặt khác, khi trẻ vị thành niên lớn lên, khối cơ sẽ phát triển theo và thể tích tuần hoàn cơ thể cũng tăng, do đó nhu cầu sắt tăng là điều dễ hiểu.
- Do chế độ ăn thiếu chất sắt so với nhu cầu cơ thể.
- Do nhiễm giun đường ruột: các loại giun sống kí sinh trong ruột, ăn các chất dinh dưỡng làm cho cơ thể thiếu các chất dinh dưỡng, trong đó có chất sắt; hoặc như giun móc làm chảy máu đường tiêu hóa, cơ thể bị mất máu kéo dài, dẫn đến thiếu máu.
Phòng chống thiếu máu dinh dưỡng do thiếu sắt cho trẻ lứa tuổi dậy thì
Việc điều trị thiếu máu do thiếu chất sắt có thể tăng bổ sung sắt theo chỉ định của bác sĩ bằng các chế phẩm bổ sung sắt hoặc tăng cường bổ sung thực phẩm giàu sắt vào trong chế độ ăn hàng ngày. Tuy nhiên, việc bổ sung dư thừa chất sắt có thể dẫn đến một số tác hại nguy hiểm. Các triệu chứng của tình trạng quá tải sắt bao gồm mệt mỏi, đau đầu, nôn ói, tiêu chảy, cảm giác khó chịu... Do đó, việc tăng cường bổ sung thực phẩm giàu sắt vào chế độ ăn hàng ngày là biện pháp hữu hiệu và an toàn để phòng thiếu máu do thiếu sắt ở trẻ.
Một số thực phẩm giàu sắt các mẹ nên bổ sung hàng ngày vào chế độ ăn của trẻ
Một số thực phẩm thông dụng giàu sắt - Ảnh sưu tầm Internet
- Thịt nạc đỏ: Thịt bò, thịt lợn và thịt cừu là những nguồn cung cấp sắt hữu cơ dễ hấp thu.
- Gan động vật: gan lợn, gan gà,…
- Hải sản: Tôm, cua, nghêu và hến là những loại thực phẩm giàu sắt. Nghêu đặc biệt có hàm lượng sắt rất cao.
- Các loại đậu: đậu ván trắng, đậu Hà Lan, đậu xanh, đậu đen, đậu đỏ, đậu nành và đậu lăng...
- Rau xanh: Các loại rau có màu xanh xẫm thường rất giàu sắt, kèm theo vitamin C giúp tăng cường hấp thu sắt.
- Ngũ cốc và hạt: Hạt hướng dương, hạt bí ngô, và ngũ cốc nguyên hạt cung cấp một lượng lớn sắt.
- Trái cây khô: Nho khô, mơ khô là những lựa chọn tuyệt vời cho bữa phụ giàu sắt.
- Trứng: Lòng đỏ trứng cung cấp một lượng lớn sắt và các dưỡng chất khác.
Một số điều lưu ý:
- Khi cho trẻ ăn thực phẩm giàu sắt nên kết hợp với những thực phẩm giàu vitamin C như cam, chanh, ổi để tăng cường hấp thu sắt.
- Hạn chế cho trẻ uống cà phê và trà vì chúng có thể giảm khả năng hấp thu sắt.
- Xây dựng cho trẻ thói quen ăn đa dạng thực phẩm để cung cấp đủ các dưỡng chất cần thiết.
- Mỗi năm cho trẻ tẩy giun định kỳ 2 lần để dự phòng nhiễm giun giúp phòng chống thiếu máu do thiếu sắt.
Sử dụng thực phẩm giàu sắt là một biện pháp đơn giản nhưng hiệu quả để phòng chống thiếu máu cho trẻ lứa tuổi dậy thì. Bố mẹ cần quan tâm đến chế độ dinh dưỡng của trẻ, đảm bảo cung cấp đủ lượng sắt cần thiết và tăng cường sức khỏe tổng thể giúp trẻ phát triển toàn diện và học tập tốt hơn.
ThS. Trịnh Hồng Sơn - Giám đốc Trung tâm Giáo dục truyền thông dinh dưỡng - Viện Dinh dưỡng