Triển khai Dự án bữa ăn học đường cho học sinh tiểu học tại TP. Đà Nẵng, Hải Phòng và Hà Nội

Cập nhật: 5/27/2017 - Lượt xem: 5826

Hiện nay, Việt Nam đang phải đương đầu với gánh nặng kép về suy dinh dưỡng: Tình trạng suy dinh dưỡng (đặc biệt là suy dinh dưỡng thấp còi) còn phổ biến ở trẻ em khu vực nông thôn, và tình trạng thừa cân béo phì ngày càng gia tăng ở  khu vực thành phố. Kết quả điều tra tình trạng dinh dưỡng tại 6 tỉnh thành của Việt Nam năm 2011 cho thấy: tỷ lệ thấp còi của trẻ em lứa tuổi 6-9 tuổi là 13,7%  và ở lứa tuổi 9-11 tuổi là 18,2%. Bên cạnh đó, có sự gia tăng nhanh chóng thừa cân, béo phì  của trẻ em thành phố đặc biệt là các thành phố lớn. Điều tra năm 2011 tại các trường của các quận nội thành Hà Nội cho thấy tỷ lệ thừa cân, béo phì đã tăng từ 7,9% năm 2003 lên 40,7% năm 2011.

Ngoài ra, thiếu vi chất dinh dưỡng vẫn còn phổ biến ở cả trẻ em khu vực nông thôn và thành phố. Theo  kết quả khảo sát tình trạng dinh dưỡng trẻ em Việt Nam và khu vực Đông Nam Á 2011 (SEANUTS)  tại 6 tỉnh thành cho thấy: Tỷ lệ thiếu máu ở trẻ em tiểu học là 11,8%, tỷ lệ thiếu vitamin A tiền lâm sàng là 7,7%  và có gần một nửa trẻ em  tiểu học (48,9%) ở tình trạng thiếu vitamin A giới hạn (retinol huyết thanh ≥ 0,7 và <1,05 umol/L).  Tỷ lệ thiếu vitamin D của trẻ em tiểu học dao động từ 46-58%. Tỷ lệ vitamin D huyết thanh thấp dao động từ 12-19%.

Khẩu phần ăn của trẻ em lứa tuổi tiểu học chưa đáp ứng cả về số lượng và chất lượng. Điều tra khẩu phần ăn của trẻ từ 6-11 tuổi tại 6 tỉnh thành năm 2011 cho thấy: khẩu phần năng lượng chỉ đạt khoảng 76% nhu cầu đề nghị, khẩu phần canxi rất thấp (ở nhóm tuổi 6-9 tuổi đạt 59%, ở nhóm tuổi 9-11 tuổi chỉ đạt 45% nhu cầu khuyến nghị) khẩu phần sắt của nhóm tuổi 6-9 tuổi đạt khoảng 68% và nhóm tuổi 9-11 tuổi đạt 54% nhu cầu khuyến nghị, khẩu phần vitamin A  của nhóm tuổi 6-9 tuổi đạt khoảng 54% và nhóm tuổi 9-11 tuổi đạt 43% nhu cầu khuyến nghị, khẩu phần vitamin C sau chế biến của nhóm tuổi 6-9 tuổi đạt khoảng 61% và nhóm tuổi 9-11 tuổi chỉ đạt 49% nhu cầu khuyến nghị.

Kinh nghiệm ở các nước phát triển như Mỹ, Anh, Nhật cho thấy chương trình bữa ăn học đường đã góp phần cải thiện thể lực và trí lực của học sinh. Các nước này đều có những quy định rất cụ thể về tiêu chuẩn dinh dưỡng, điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm giúp cho trẻ phát triển tối đa cả về thể chất và tinh thần. Ở Nhật, luật dinh dưỡng học đường năm 1954 và luật giáo dục dinh dưỡng năm 2005 quy định ở mỗi trường phải có 1 cử nhân dinh dưỡng tiết chế để xây dựng thực đơn cho học sinh và đồng thời là giáo viên dinh dưỡng, thực hiện chương trình giáo dục dinh dưỡng cho học sinh để giúp cho học sinh có thói quen ăn uống lành mạnh từ tuổi nhỏ.

Hình ảnh bữa ăn học đường của trẻ em Nhật Bản

Ở Việt Nam, cải thiện tình trạng dinh dưỡng của trẻ em thông qua bữa ăn học đường hợp lý là một trong những nội dung quan trọng của Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng và đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030. Vì vậy, Viện Dinh dưỡng đã phối hợp với công ty Ajinomoto Việt Nam và Sở Giáo dục và Đào tạo của thành phố Đà Nẵng, Hải Phòng và Hà Nội triển khai dự án bữa ăn học đường với các mục tiêu sau:

Xây dựng bộ thực đơn dành cho bữa ăn bán trú của học sinh tiểu học bao gồm 40 thực đơn chuẩn cho bữa ăn chính và bữa ăn phụ đã được hoàn thiện với các tiêu chí:

 

  • Cân đối về dinh dưỡng, đáp ứng nhu cầu về năng lượng dựa trên những khuyến nghị về dinh dưỡng cho học sinh tiểu học.
  • Sử dụng đa dạng các loại thực phẩm sẵn có ở địa phương để chế biến món ăn phong phú với giá thành hợp lý.
  • Hạn chế sử dụng thức ăn chế biến sẵn, đường và muối.
  • Dễ chế biến, đẹp mắt, ngon miệng và phù hợp với khẩu vị của học sinh.

Hỗ trợ công cụ cho các trường giáo dục dinh dưỡng cho học sinh tiểu học thông qua tài liệu truyền thông giáo dục dinh dưỡng cho học sinh “Ba phút thay đổi nhận thức”.

 


Hình ảnh bữa ăn học đường của học sinh tiểu học tại Đà Nẵng

                                                Ts. Bùi Thị Nhung

 

                                              Trưởng Khoa Dinh dưỡng Học đường và Ngành nghề
                                                                   Viện Dinh dưỡng Quốc gia