Con ba ba sống ở nước ngọt, trong các hồ, ao, sông ngòi, đầm... có bốn chân, không có đuôi. Đầu ba ba có những vẩy nhỏ, miệng có nhiều răng cắn rất đau. Mai ba ba là phần cứng che cả trên lưng và dưới bụng con vật, cấu tạo bằng chất sừng bóng có da phủ phía ngoài, chung quanh có rìa vểnh ra như rìa mũ. Thịt ba ba là một thức ăn quí, có giá trị dinh dưỡng cao được nhân dân ta rất ưa chuộng. Trong 100g thịt ba ba có khoảng 80g nước, 16,5g protid, 1g lipid, 1,6g carbohydrat, 107mg canxi, 1,4mg chất sắt, 3,7mg axit nicotinic, khá giầu các vitamin B1, B2, vitamin A và iốt. Từ thịt ba ba nhân dân ta chế biến được nhiều món ăn ngon, có giá trị bồi dưỡng cơ thể tốt.
Ngoài giá trị dinh dưỡng, thịt ba ba còn là một vị thuốc quí, có tác dụng bồi bổ cơ thể và chữa nhiều bệnh.
Theo y học dân tộc, thịt ba ba vị ngọt, tính bình, có tác dụng dưỡng âm lương huyết, bổ hư, tán tích, tiêu u cục cứng kết, thanh nhiệt hư lao. bồi bổ sức khoẻ, tăng cường khả năng miễn dịch và phòng chống bệnh tật, được dùng làm thuốc chữa các chứng bệnh nóng bên trong, ra mồ hôi trộm, lỵ mạn tính, sốt rét dai dẳng, rong kinh, rong huyết, lao hạch... Do có tác dụng trên, thịt ba ba là thức ăn rất thích hợp cho những người bị bệnh lao, viêm gan mạn tính, xơ gan, tiểu đường, viêm thận, nam giới thận yếu thuộc thể can thận âm hư (người gầy yếu, hay hoa mắt, chóng mặt, có cảm giác sốt về chiều, lòng bàn tay, bàn chân nóng, gò má đỏ, vã mồ hôi trộm, di mộng tinh, miệng khát, họng khô, lưỡi đỏ...).
| | |
| Ảnh minh họa
| |
Một trong những món ăn ngon đồng thời là bài thuốc bổ dưỡng quí, dễ làm, là cháo ba ba. Cách nấu cháo đơn giản như sau :
Dùng một con ba ba khoảng 150 - 200g, nấu với 40g đậu đỏ, 100 hạt sen, 4 quả táo tầu, thêm gia vị vừa đủ tuỳ theo khẩu vị từng người, nấu lâu trên bếp nhỏ lửa cho đến khi các vị nhừ thành cháo, múc ra ăn. Cháo này có tác dụng tốt đối với những người sức khoẻ suy nhược, hồi hộp mất ngủ, di mộng tinh, làm giảm đau trong các bệnh đau nhức xương, tê thấp.
Cảnh giác với ngộ độc thịt ba ba
Thịt ba ba ăn ngon và giầu chất dinh dưỡng như vậy, nhưng phải là thịt những con còn sống khoẻ mạnh, nếu ăn phải thịt những con ba ba bị chết hoặc đã ươn sẽ có hại cho sức khoẻ, thậm chí còn có nguy cơ bị ngộ độc rất nguy hiểm.
Nguyên nhân do ba ba sống dưới nước, gần bùn đất, hay ăn xác động vật và các thức ăn thối rữa nên trong ruột chúng thường xuyên có nhiều vi khuẩn gây bệnh sản sinh ra độc tố. Khi con vật còn sống, vi khuẩn và độc tố của chúng sẽ bị đào thải ra ngoài theo đường tiêu hoá, nhưng khi con vật chết, việc đào thải này không còn nữa, vi khuẩn và độc tố của chúng vẫn tồn tại trong ruột ba ba, sinh sôi nảy nở rất mạnh và xâm nhập thịt ba ba. Thời gian chết của ba ba càng lâu, vi khuẩn và độc tố của chúng xâm nhập thịt càng nhiều, nếu chúng ta ăn phải loại thịt này sẽ bị ngộ độc.
Chuyện ngộ độc do ăn ba ba rất hiểm xảy ra trong những bữa ăn gia đình vì không ai mua ba ba chết về làm thịt cho người thân ăn bao giờ. Nhưng nếu ăn ở nhà hàng thì phải coi chừng. Hầu hết các vụ ngộ độc thịt ba ba đều xảy ra sau những bữa liên hoan ở nhà hàng. Vì ham lợi, họ không vứt bỏ những con ba ba đã bị ươn hoặc chết đi, sẵn sàng làm thịt chúng để phục vụ các "thượng đế" và vô tình đã làm khách hàng bị ngộ độc.
Theo các nhà nghiên cứu, trong thịt ba ba chết có histamin là một chất độc được sản sinh ra trong quá trình con vật chết trước khi chúng bị làm thịt, do sự phân huỷ chất đạm bởi vi khuẩn. Chất độc này chịu được nhiệt độ cao nên dù món ăn đã được đun nấu chín, ăn phải vẫn nguy hiểm.
Triệu chứng ngộ độc ba ba xảy ra rất nhanh. Chỉ vài giờ sau khi ăn, người bệnh bị đau bụng dữ dội, tiêu chảy nhiều lần trong ngày, mặt đỏ bừng, nhức đầu, nổi mẩn khắp người, chân tay co quắp, đổ mồ hôi, rất dễ tử vong. Cũng vì vậy, sau bữa ba ba nếu thấy có các dấu hiệu trên, ta phải mang ngay người bệnh đến bệnh viện gần nhất để giải độc và cấp cứu kịp thời, nếu để chậm sẽ nguy hiểm đến tính mạng.
Muốn phòng tránh những vụ ngộ độc đáng tiếc trên, khi mua ba ba chúng ta phải chọn những con còn sống khoẻ mạnh, mang về cắt tiết chế biến ngay. Dù có rẻ mấy cũng không mua những con ốm yếu sắp chết.
Trường hợp chưa làm thịt ngay còn để lại một vài hôm, phải theo dõi cẩn thận, nếu thấy ba ba chết hoặc ngắc ngoải sắp chết phải kiên quyết bỏ đi. Không nên tiếc của cho rằng con vật mới chết vẫn làm thịt ăn được, có thể gây tai họacho gia đình.
BS. KIM MINH - Đặc san Sức khỏe & Đời sống số 1-2011