Phương pháp và kỹ năng truyền thông

Cập nhật: 11/27/2014 - Lượt xem: 12134
I. KỸ NĂNG LẮNG NGHE, ĐẶT CÂU HỎI, QUAN SÁT VÀ XÂY DỰNG NIỀM TIN

Để làm tốt việc tư vấn dinh dưỡng, người tư vấn cần biết lắng nghe những điều bà mẹ nói, đặt câu hỏi thích hợp để thu thập những thông tin cần thiết, quan sát để biết thêm những điều vướng mắc bà mẹ không nói ra mà có thể là những điều thầm kín tế nhị, đồng thời cung cấp cho họ có kiến thức “mới” và thực hành “đúng” trong chăm sóc dinh dưỡng, nhằm xây dựng niềm tin cho các bà mẹ.

1. Kỹ năng lắng nghe

Lắng nghe là kỹ năng cần thiết trong tư vấn, lắng nghe là chú ý nghe đối tượng biểu hiện qua nhiều cử chỉ, lời nói nhằm khuyến khích đối tượng chia sẻ.

Vì sao phải lắng nghe: Để hiểu rõ đối tượng hơn và chứng tỏ sự tôn trọng và quan tâm của mình đến họ.

Lắng nghe những gì: Những suy nghĩ, tâm tư, thắc mắc của đối tượng khi họ giãi bày.

Khi lắng nghe cộng tác viên cần kiên trì, chăm chú, khuyến khích để đối tượng nói lên suy nghĩ của mình thông qua các biểu hiện tích cực như ngồi nghe một cách thoải mái, nhìn người nói, tỏ thái độ tôn trọng. Việc cộng tác viên thân tình, đồng cảm với những tình cảm, xúc cảm của người nói, biểu lộ quan tâm khích lệ đối tượng như mỉm cười, gật đầu hoặc sử dụng những từ đệm à, ừ nhỉ, thế à,. Không tranh luận, không cắt ngang lời đối tượng một cách không cần thiết, không làm việc riêng khi đối tượng nói.

          

Tránh dùng những từ xét đoán như đúng, sai, tốt, xấu, không được... , ví dụ: “Chị cho cháu ăn như vậy là không đúng...”.

Nhắc lại những điều bà mẹ nói, ví dụ: Bà mẹ nói: “Hôm qua tôi không ngủ được vì cháu quấy cả đêm”. Cộng tác viên hỏi lại: “Thế cháu quấy làm chị mất ngủ à ?”. Nói lại những điều mình chưa hiểu, hoặc nhắc lại những điểm chính mà đối tượng vừa trao đổi bằng ngôn từ tương tự, nhưng ngắn gọn hơn, để kiểm tra xem mình có hiểu đúng ý của đối tượng không.
Đồng cảm, tỏ ra rằng bạn hiểu cảm nghĩ của bà mẹ, điều này làm cho bà mẹ cảm thấy được cộng tác viên quan tâm, thông cảm với những khó khăn của bà mẹ, điều đó khiến bà mẹ càng dễ chia sẻ với cộng tác viên.

2. Kỹ năng đặt câu hỏi

Cộng tác viên có thể khai thác thông tin của bà mẹ thông qua việc đặt những câu hỏi thích hợp. Từ những thông tin này, cộng tác viên có thể hướng dẫn tốt cho bà mẹ.

2.1. Đặt câu hỏi mở

  • Ví dụ, câu hỏi mở:

      “Chị cho con chị ăn uống như thế nào ?”

     “Chị có nhận xét như thế nào khi con chị không tăng cân như tháng trước”.

  • Câu hỏi mở cho phép bà mẹ có thể trả lời theo nhiều cách khác nhau tuỳ theo kinh nghiệm của bà mẹ; câu hỏi mở không đánh giá đúng sai; thông qua câu trả lời cộng tác viên hiểu được bà mẹ nghĩ gì? Hiểu biết như thế nào? Thực hành ra sao? Câu hỏi mở thường bắt đầu bằng từ: cái gì, tại sao, ai, như thế nào, ở đâu, khi nào... hoặc “có thể nói cho tôi biết...được không?” “Hãy giải thích rõ...được không?”.

  • Câu hỏi mở cho phép giao tiếp hai chiều, giúp cộng tác viên và bà mẹ hiểu biết, học hỏi lẫn nhau và được khuyến khích sử dụng trong truyền thông.

2.2. Đặt câu hỏi đóng

Câu hỏi đóng là câu hỏi có hai sự lựa chọn câu trả lời: có/không; đúng/sai; chưa/rồi... và không giúp cộng tác viên hiểu nhiều về người mẹ và nhu cầu của họ. Đối tượng nhiều khi đoán được bạn muốn họ trả lời “có” hoặc “không” để làm bạn hài lòng. Dạng câu hỏi đóng không giúp ích cộng tác viên nhiều trong truyền thông về dinh dưỡng.

-    Ví dụ câu hỏi đóng:

“Chị đã cho con ăn bột chưa?”

“Trước khi cho bú chị cho cháu ăn thức ăn nào khác nữa không?” “Chị có cho con đi cân thường xuyên không ?”
“Tháng vừa qua chị có đi khám thai không?”

Trong câu hỏi đóng có hai dạng làm bà mẹ rất dễ trả lời theo ý cộng tác viên. Đó là: “câu hỏi gợi ý” và “câu hỏi ép buộc”, hai dạng câu hỏi này không cho ta thông tin chính xác, vì vậy không nên dùng.

2.3.1.  Câu hỏi gợi ý

Câu hỏi loại này thường buộc bà mẹ trả lời “có”, câu hỏi gợi ý thường bắt đầu “có phải là chị không nên….” hoặc “Chị có nghĩ là….” khi cộng tác viên đặt câu hỏi như vậy, bà mẹ cảm thấy mình phải trả lời “nhất trí”, chứ không thể trả lời “không”.

-    Ví dụ câu hỏi gợi ý:

“Chị có nghĩ rằng trẻ cần phải ăn trứng không?”.
 
3. Kỹ năng quan sát

Quan sát là nhìn một cách cẩn thận, tỉ mỉ để có thể biết được tâm tư, tình cảm, hoàn cảnh xã hội, cuộc sống, nếp sống thực tế của đối tượng... Quan sát còn cung cấp thêm thông tin về những tiềm ẩn bên trong lối nói, điều này giúp cộng tác viên hiểu rõ đối tượng hơn.

3.1. Những gì cần quan sát

  • Hành vi, cử chỉ, nét mặt, thái độ của đối tượng.

  • Môi trường và bầu không khí của cuộc giao tiếp.

  • Quan sát điều kiện sống, môi trường sống, những thực hành hiện có về chăm sóc dinh dưỡng.

  • Quan hệ giữa các thành viên trong gia đình.

3.2. Quan sát như thế nào


  • Kết hợp nhìn với lắng nghe ở nhiều góc độ khác nhau.

  • Quan sát một cách kín đáo, tế nhị, lịch sự.

4. Kỹ năng xây dựng niềm tin và cung cấp hỗ trợ

Xây dựng niềm tin của đối tượng đối với cộng tác viên vô cùng quan trọng trong công việc tư vấn giúp họ thuyết phục đối tượng ra quyết định thay đổi từ thực hành dinh dưỡng và chăm sóc không tốt sang thực hành tốt.

Để làm tốt điều này cộng tác viên cần phải:

  • Ghi nhận những điều bà mẹ nghĩ và cảm thấy, thể hiện sự đồng cảm với bà mẹ.

  • Phát hiện và khen ngợi những điều bà mẹ làm đúng, điều này giúp bà mẹ tự tin.

  • Giúp đỡ bà mẹ thực hành những điều làm nhưng chưa đúng. Cộng tác viên hướng dẫn từng bước, ví dụ như: Các bước để pha và uống ôrêzôn khi trẻ tiêu chảy, các bước chuẩn bị thực phẩm để chế biến bữa ăn bổ sung cho trẻ.

  • Cung cấp thông tin ngắn gọn thích hợp và dùng những từ đơn giản, dễ hiểu, ngôn từ địa phương, tránh dùng những từ chuyên môn. Ví dụ: “Chị hãy cho trẻ ngậm sâu vào xoang sữa, như vậy sữa sẽ xuống nhiều hơn”, bà mẹ không hiểu thế nào là “xoang sữa”. Nếu thay bằng câu: “Chị hãy cho trẻ ngậm sâu vào đầu vú, sữa sẽ xuống nhiều hơn”, bà mẹ sẽ hiểu và thực hiện được ngay.

  • Không đưa nhiều gợi ý một lúc làm bà mẹ dễ quên. Chỉ đưa ra 1 hoặc 2 gợi ý cơ bản nhất và phù hợp nhất.

II. TƯ VẤN DINH DƯỠNG


1. Tư vấn dinh dưỡng có mục đích gì?


Tư vấn là quá trình trao đổi giúp đối tượng hiểu, thấy được điều chưa đúng trong chăm sóc nuôi dưỡng trẻ và tìm cách khắc phục và giải quyết những khó khăn

Tư vấn dinh dưỡng là trao đổi thông tin hai chiều giữa cộng tác viên dinh dưỡng với bà mẹ. Tư vấn dinh dưỡng còn có nghĩa là cộng tác viên trao đổi những hiểu biết mới với các bà mẹ, giúp họ biết cách thực hành trong chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ để họ tự quyết định cách chăm sóc nuôi dưỡng trẻ tốt hơn.

2. Tiến hành tư vấn dinh dưỡng ở đâu?

Hiện nay, chương trình phòng chống suy dinh dưỡng đã tổ chức hoạt động tư vấn dinh dưỡng tại tram y tế xã và khoa nhi, sản, phòng khám ở các bệnh viện.

Trạm y tế xã đã tổ chức "Góc tư vấn dinh dưỡng” cho các bà mẹ khi có những khó khăn trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ và các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ như: Tiêm chủng, cho trẻ uống vitamin A, khám thai...

Để giúp các bà mẹ tiếp cận được với hoạt động tư vấn dinh dưỡng, cộng tác viên dinh dưỡng còn có thể thực hiện tư vấn khi:

  • Thăm gia đình đối tượng.

  • Trong ngày cân trẻ.

  • Khi gặp gỡ đối tượng trên đường, đi chợ, đi làm đồng hoặc bất cứ khi nào cộng tác viên và đối tượng nói chuyện được một cách thích hợp.

3. Ví dụ về một buổi tư vấn dinh dưỡng


Tình huống: Bé Lan đã được hai tuổi, bé rất lười ăn và gầy còm. Mẹ Lan đưa bé đi cân và muốn được cộng tác viên tư vấn. Khi đến lượt bé Lan, cộng tác viên vui vẻ chào đón, giải thích việc cân trẻ, cách so sánh cân nặng với tháng trước, giải thích về “Con đường sức khoẻ” trên biểu đồ. Cộng tác viên yêu cầu mẹ Lan cùng giúp cân bé, cân xong cộng tác viên đọc to số cân của bé và vừa chấm biểu đồ vừa giải thích cho người mẹ biết: “Cháu Lan có tăng cân nhưng tăng không được như cận nặng mà cháu cần có”. Cộng tác viên hỏi “Thế cháu Lan ăn uống ra sao ?” mẹ Lan kể lại về bữa ăn của bé và cách nấu bữa ăn cho bé hàng ngày, cộng tác viên chăm chú lắng nghe, đã nói: “Mẹ Lan nếu cho bé ăn thế là đúng rồi, nhưng cần phải làm tốt hơn, nếu cho Lan ăn nhiều bữa trong ngày, thường xuyên cho bé ăn rau xanh và dầu mỡ để bé tăng cân nhiều hơn. “Cộng tác viên dựa vào những lời khuyên cụ thể, trao đổi hướng dẫn về cách nấu bữa ăn bổ sung cho trẻ, những kiến thức về nuôi con. Cộng tác viên yêu cầu bà mẹ nhắc lại những điều vừa được hướng dẫn, lắng nghe bà mẹ nói và bổ sung khi bà mẹ quên, nói chưa đủ.

Sau đó cộng tác viên dặn bà mẹ về thực hiện nấu ăn cho trẻ và dặn sẽ đến thăm gia đình bé trong vòng 1- 2 tuần tới để xem tận nơi và sẽ cùng trao đổi cụ thể hơn cách nuôi trẻ. Cộng tác viên vui vẻ chào mẹ bé Lan trước khi chia tay.

Trên đây là một ví dụ về một buổi tư vấn đạt kết quả tốt bởi vì:

Cộng tác viên dinh dưỡng:

  • Tạo không khí tiếp xúc vui vẻ, gần gũi, thoải mái cho người mẹ và trẻ.

  • Đã giải thích cặn kẽ.

  • Biết đặt câu hỏi cho đối tượng.

  • Biết lắng nghe.

  • Đã khuyến khích người mẹ.

  • Đưa ra những bước tiến hành cụ thể giúp bà mẹ thực hiện dễ dàng.

Trạng thái của bà mẹ sau buổi tư vấn:

  • Thấy thoải mái, gần gũi.

  • Tự tin hơn.

  • Cố gắng nhớ và làm theo những điều mới được biết.

  • Nhớ những bước cụ thể để thực hiện.

  • Có cơ hội gặp lại cộng tác viên lần tiếp theo.

4. Cộng tác viên cần phải làm gì để có kỹ năng tư vấn tốt


4.1. Bắt đầu từ vấn đề mà bà mẹ đang băn khoăn, vướng mắc


  • Khuyến khích bà mẹ kể những gì bà mẹ đang gặp khó khăn về chăm sóc dinh dưỡng cho bản thân, cho con và gia đình.

  • Lắng nghe để hiểu được rõ vấn đề, hoàn cảnh.

  • Đặt câu hỏi thích hợp, dễ hiểu, sát với những gì bà mẹ đang quan tâm.

4.2. Tạo không khí thoải mái, gần gũi và tin cậy khi tiếp xúc

  • Luôn khuyến khích bà mẹ, tạo cho họ sự tin tưởng để cho rằng họ có khả năng trong chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ tốt hơn.

  • Khen ngợi những điều tốt bà mẹ làm được, tôn trọng, không chỉ trích phê phán.

4.3. Giúp bà mẹ tự nhận ra những điều chưa đúng trong việc nuôi trẻ và tìm cách khắc phục.

4.4. Giúp bà mẹ tiếp thu những hiểu biết mới và biết cách thực hiện

Giải thích rõ ràng bằng từ ngữ đơn giản, dễ hiểu, bằng các ví dụ ở địa phương, tránh dùng các từ
xa lạ.

4.5. Biết khuyến khích, động viên khêu gợi để bà mẹ tự nhận ra vướng mắc và có dự định cụ thể để giải quyết vấn đề.


4.6. Luôn luôn quan sát xem bà mẹ có hiểu và phản ứng với những điều cộng tác viên tư vấn để có điều chỉnh thích hợp.

4.7. Tạo ra không khí vui vẻ, thân thiện giữa bà mẹ và cộng tác viên để khuyến khích bà mẹ đến với cộng tác viên những lúc gặp khó khăn trong chăm sóc nuôi dưỡng trẻ.


Tóm lại:

Để tư vấn dinh dưỡng tốt, cộng tác viên cần

  • Biết lắng nghe đối tượng.

  • Tạo không khí thân mật, tin cậy.

  • Biết đặt câu hỏi.

  • Biết giải thích, hướng dẫn rõ ràng mạch lạc, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện.

  • Đảm bảo sự hiểu biết lẫn nhau giữa cộng tác viên và bà mẹ.
                                                                                 Nguồn: Viện Dinh dưỡng