Các lĩnh vực Hợp tác quốc tế

Cập nhật: 5/21/2018 - Lượt xem: 28281

Lĩnh vực hợp tác rất đa dạng, bao gồm cả nghiên cứu cơ bản về khoa học dinh dưỡng và thực phẩm, công nghệ thực phẩm, các nghiên cứu can thiệp tại cộng đồng và trong bệnh viện, các kỹ thuật chẩn đoán, xét nghiệm, kiểm nghiệm trong hệ thống phòng thí nghiệm; hợp tác trong lĩnh vực đào tạo, xây dựng nguồn nhân lực cho ngành dinh dưỡng và thực phẩm, giao lưu trao đổi học tập kinh nghiệm, tổ chức các hội nghị hội thảo khoa học khu vực và quốc tế...
Kể từ khi thành lập đến nay, Viện Dinh dưỡng tạo lập và đã duy trì được các quan hệ hợp tác truyền thống với các tổ chức quốc tế (WHO, UNICEF, FAO, ADB, HKI ...), các chính phủ (Hà Lan, Nhật Bản, IRD...) các trường đại học, các tổ chức phi chính phủ. Viện đã tiếp nhận và triển khai có hiệu quả nhiều dự án hợp tác quốc tế. Một số hoạt động hợp tác quốc tế tiêu biểu đã triển khai như sau:
1. Tổ chức hội nghị quốc tế
Tháng 3/2008, với sự hỗ trợ của UNICEF và một số tổ chức khác, Viện Dinh dưỡng là đầu mối tổ chức thành công hội nghị Quốc tế về dinh dưỡng của ủy ban thường trực về dinh dưỡng của Liên hợp quốc (SCN) tại Hà Nội từ ngày 03/03 đến 06/03/2008. Tổng số đại biểu tham dự chính thức là 380 quốc tế đại biểu đến từ trên 50 quốc gia và 100 đại biểu Việt Nam. Việc đăng cai tổ chức Hội nghị này đó thể hiện sự cam kết cao của Bộ Y tế và Chính phủ Việt Nam đối với các mục tiêu dinh dưỡng và hướng tới các Mục tiêu thiên niên kỷ. Sự tham gia đông đảo của các đại biểu quốc tế thể hiện sự quan tâm cao đối với các hoạt động dinh dưỡng ở nước ta đồng thời tạo ra cơ hội hợp tác về lĩnh vực dinh dưỡng và chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Hội nghị đã ra Tuyên bố Hà Nội về Hành động dinh dưỡng cấp quốc gia.
Tháng 10/2008: tổ chức Hội nghị quốc tế Nhật-Mỹ-Việt về Béo phì và hội chứng chuyển hoá tại Hà Nội trong 2 ngày. Có 19 khách quốc tế và 180 đại biểu Việt Nam tham dự. Hội thảo được đánh giá thành công trong việc trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm nghiên cứu về dinh dưỡng và các bệnh mạn tính không lây. Hội thảo cũng tạo ra cơ hội trao đổi hợp tác quốc tế trong nghiên cứu và đào tạo về lĩnh vực dinh dưỡng.

2. Triển khai các dự án /đề tài hợp tác quốc tế
2.1. Dự án "Nâng cao năng lực triển khai có hiệu quả hoạt động cải thiện bền vững tình trạng dinh dưỡng của bà mẹ và trẻ em 10 tỉnh khó khăn" do Chính phủ Hà Lan tài trợ. Tóm tắt kết quả, tiến độ thực hiện kế hoạch:

Tăng cường nguồn nhân lực làm dinh dưỡng cho các các cấp trung ương, viện khu vực và 10 tỉnh dự án: tập huấn về kiểm nghiệm VSATTP, đào tạo giảng viên cho 13 cán bộ tỉnh và 3 cán bộ Viện khu vực về theo dõi tăng trưởng trẻ em theo chuẩn mới của WHO; 2 lớp tập huấn cập nhật kiến thức và thực hành chăm sóc dinh dưỡng cho học viên là giáo viên thuộc các trường mầm non các xã dự án, cán bộ ngành giáo dục Mầm non của Sở/ Phòng Giáo dục của 10 tỉnh.
Xây dựng chương trình đào tạo cử nhân y tế công cộng định hướng dinh dưỡng (Đại học Y tế công cộng), chương trình đào tạo bác sĩ y tế dự phòng định hướng dinh dưỡng (Đại học Y Thái Bình). Khung chương trình đã được thống nhất, chương trình giảng dạy chi tiết và kế hoạch bài giảng cũng đã được hoàn thành. Biên soạn, chỉnh sửa tài liệu giảng dạy thực phẩm và dinh dưỡng tại trường Đại học nông nghiệp Hà Nội. Xây dựng một cuốn cẩm nang về chăm sóc dinh dưỡng tại cộng đồng và gia đình. Hỗ trợ dụng cụ, tài liệu truyền thông cho tỉnh, huyện, xã. Hỗ trợ các tỉnh xây dựng tài liệu truyền thông dinh dưỡng phù hợp với các nhóm dân tộc ít người như Mường, Khơ me, Ê Đê, Dao. Hỗ trợ xây dựng mô hình can thiệp ở một số xã.
Hợp tác với Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức Hội nghị vận động ủng hộ dinh dưỡng cho trên 500 người thuộc các ban ngành trung ương và 10 tỉnh dự án. Hỗ trợ các tỉnh, huyện xây dựng kế hoạch thực hiện CLQGDD 2008-2010, thành lập chi hội dinh dưỡng tại 8/10 tỉnh dự án. Hỗ trợ 4 đề tài nghiên cứu về tình trạng thiếu máu, giải pháp và phác đồ bổ sung sắt.
2.2. Dự án "Tăng cường sắt vào nước mắm" ở Việt Nam do Liên minh toàn cầu cải thiện dinh dưỡng (GAIN) tài trợ. Tóm tắt kết quả, tiến độ thực hiện kế hoạch:
Khai trương thêm 8 công ty sản xuất nước mắm bổ sung sắt tại 8 tỉnh (Hà Nội, Nha Trang, Hồ Chí Minh, Kiên Giang, Bình Định, Quảng Ngãi, Thái Nguyên, Thái Bình, nâng tổng số cơ sở sản xuất nước mắm bổ sung sắt lên 11. Nước mắm bổ sung sắt được các công ty phân phối rộng rãi trên địa bàn 15 tỉnh.
Tổ chức tập huấn cho các cơ sở sản xuất về vệ sinh an toàn thực phẩm (GMP, HACCP, ISO). Tập huấn phương pháp xét nghiệm cho các công ty và trung tâm y tế dự phòng. Hỗ trợ các công ty kiểm tra chất lượng sản phẩm và đăng ký sản phẩm tại Cục An toàn vệ sinh thực phẩm. Triển khai tập huấn về kiến thức phòng chống thiếu máu, kỹ năng truyền thông. Tổ chức lễ khai trương sản phẩm, hỗ trợ truyền thông tiếp thị sản phẩm. Tăng cường công tác giám sát triển khai dự án. Thực hiện điều tra đánh giá bao phủ, thị trường và hiệu quả sử dụng.
2.3. Dự án "Tăng cường thức ăn bổ sung cho trẻ 6-24 tháng tuổi có nguy cơ suy dinh dưỡng ở vùng nghèo" do Qũy giảm nghèo Nhật Bản tài trợ thông qua Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB). Tóm tắt kết quả, tiến độ thực hiện kế hoạch:
Hoàn thành việc mua sắm, lắp đặt và tập huấn sử dụng dây truyền sản xuất tại tỉnh Thái Bình. Thực hiện kế hoạch cung cấp bột dinh dưỡng: Sản xuất 1,4 tấn bột ở Quảng Nam để cung cấp cho Quảng Ngãi, kí hợp đồng với NUFAVI sản xuất bột cho Phú Thọ.
Xây dựng tài liệu, in và cấp phát cho các tỉnh; thực hiện điều tra ban đầu ở các tỉnh dự án; Tập huấn cho cán bộ y tế, phụ nữ tuyến tỉnh, huyện tại các tỉnh Thái Bình, Phú Thọ, Quảng Ngãi (4 lớp cơ bản cho 132 học viên, 7 lớp nâng cao cho 66 học viên). Đã thực hiện xong tập huấn cộng tác viên thôn bản và triển khai tư vấn bán bột dinh dưỡng tận hộ gia đình của tỉnh Quảng Ngãi. Đang làm các thủ tục đề điều chỉnh dự án: giảm 1 tỉnh (chỉ thực hiện ở 5 tỉnh), giảm trang bị dây truyền sản xuất, kéo dài thời giá triển khai dự án.
2.4. Dự án "Cải thiện tình trạng dinh dưỡng thông qua bổ sung vitamin A mở rộng và tẩy giun cho trẻ em các vùng khó khăn" do Qũy giảm nghèo Nhật Bản (JFPR) tài trợ thông qua ADB. Tóm tắt kết quả, tiến độ thực hiện kế hoạch:
Tổ chức ký hợp đồng triển khai hoạt động năm 2008 với 18 tỉnh triển khai dự án; Tập huấn 2 lớp cho cán bộ 18 tỉnh dự án về phác đồ điều trị; Tổ chức 18 hội thảo vận động cộng đồng tại các tỉnh có dự án.
Tổ chức 2 chiến dịch bổ sung vitamin A và tẩy giun cho trẻ trong độ tuổi của dự án: uống vitamin A đạt 98,1%, uống thuốc tẩy giun đạt 97,5%.
2.5. Dự án "Chính sách dinh dưỡng và vận động xã hội" do UNICEF tài trợ. Tóm tắt kết quả, tiến độ thực hiện kế hoạch:Tập huấn về kỹ năng vận động thuyết phục cho 210 cán bộ y tế cấp tỉnh cho 35 tỉnh ở Trung và Nam bộ. Hỗ trợ hoạt động truyền thông phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng. Cung cấp 7,5 triệu viên nang vitamin A liều cao.Hỗ trợ triển khai các hoạt động hướng đến xây dựng chính sách bổ sung vi chất vào bột mì; Tổ chức các hội thảo đánh giá tình hình điều trị suy dinh dưỡng nặng, đánh giá mô hình gói can thiệp toàn diện, hỗ trợ xây dựng kế hoạch giảm thấp còi.

  2.6. Dự án "Xây dựng mô hình điểm và nguồn lực dinh dưỡng lâm sàng" do công ty Dutch Lady tài trợ. 

2.7. Dự án "Cải thiện tình trạng dinh dưỡng thông qua giải pháp đảm bảo an toàn nước sạch tại 3 xã nông thôn Việt Nam" hợp tác với JICA Nhật Bản.

2.8. Dự án hợp tác với JICA Nhật bản: “Nghiên cứu cơ chế lan truyền và xây dựng mô hình giám sát vi khuẩn đa kháng thuốc trong chuỗi thực phẩm tại Việt Nam”, là dự án hỗ trợ kỹ thuật do chính phủ Nhật Bản tài trợ với sự tham gia của các nhà khoa học đến từ sáu Viện nghiên cứu và trường Đại học hàng đầu của Nhật Bản. Dự án triển khai các hoạt động nghiên cứu về sự lây lan và xây dựng mô hình giám sát của vi khuẩn kháng kháng sinh trong chuỗi thực phẩm. Các hoạt động của dự án được triển khai rộng khắp tại 5 tỉnh thành phố Hà Nội, Thái Bình, Nha Trang, TP. Hồ Chí Minh và Cần Thơ với sự tham gia của Viện Dinh dưỡng, Viện Pasteur Nha Trang, Viện Y tế công cộng TP. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Y dược khoa Thái Bình, Đại học Cần Thơ và công ty Quản lý kinh doanh chợ Bình Điền, trong đó Viện Dinh dưỡng là cơ quan nghiên cứu chính.

2.9. Dự án Hợp tác với Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) “Sử dụng kỹ thuật đồng vị để giám sát thực trạng và các can thiệp cải thiện dinh dưỡng trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ”.

2.10. Một số hoạt động nghiên cứu hợp tác quốc tế khác:
- Hợp tác với Dutch Lady (AIDA): Hiệu quả sữa tăng cường prebiotic và synbiotic lên nhiễm khuẩn đường tiêu hoá, đường hô hấp, tình trạng dinh dưỡng ở trẻ từ 5-6 tháng tuổi.
- Hợp tác với Nestle: Hiệu quả của sữa có probiotic và prebiotic đến tình trạng dinh dưỡng, tiêu hoá và miễn dịch ở trẻ 24-36 tháng tuổi.
- Hợp tác với Nhật Bản (Viện Dinh dưỡng Nhật Bản, đại học TOKUSIMA): Nghiên cứu "Diễn biến tình hình nuôi con bằng sữa mẹ, ăn bổ sung, tình trạng dinh dưỡng, phát triển thể lực, tinh thần vận động và tỷ lệ mắc một số bệnh ở trẻ 1 - 24 tháng tại 4 xã thuộc huyện Yên Thế tỉnh Bắc Giang.
- Hợp tác với Nhật Bản-Đại học Osaka: Tình trạng dinh dưỡng và một số yếu tố liên quan tại một xã miền núi của tỉnh Ninh Bình.
- Hợp tác với World Mission LCMS: Dự án cải thiện tình trạng dinh dưỡng thông qua xóa đói giảm nghèo. LCMS World Mission.

- Hợp tác với Nhật Bản nghiên cứu sản xuất và thử nghiệm hiệu quả của các sản phẩm dinh dưỡng hỗ trợ điều trị đái tháo đường, loãng xương và rối loạn lipid máu.

3. Hợp tác về đào tạo dinh dưỡng và an toàn thực phẩm

Trong những năm qua, Viện Dinh Dưỡng đã hợp tác với các Trường Đại học tại Úc, Hà Lan, Đan Mạch và Nhật Bản trong đào tạo sau đại học (Thạc sỹ, tiến sỹ) về dinh dưỡng và an toàn thực phẩm. Nhiều cán bộ của Viện đã tốt nghiệp Thạc sỹ, Tiến sỹ tại các Trường Đại học này về lĩnh vực dinh dưỡng lâm sàng - tiết chế, dinh dưỡng cộng đồng, và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Từ năm 2010, Viện Dinh dưỡng đã hợp tác với Nhật bản để xây dựng chương trình đào tạo Cử nhân dinh dưỡng tại Việt nam, và phối hợp với Trường Đại học Y Hà Nội tuyển sinh và đào tạo cử nhân dinh dưỡng khóa đầu tiên. Đến nay, đã có thêm 7 Trường Đại học nữa đã và đang chuẩn bị mở mã ngành đào tạo này.