Hội thảo Đào tạo cử nhân dinh dưỡng tại Việt Nam

Cập nhật: 4/26/2025 - Lượt xem: 57

Ngày 22 tháng 04 năm 2025, Viện Dinh dưỡng – Bộ Y tế đã tổ chức hội thảo Toàn quốc với chủ đề “Đào tạo Cử nhân Dinh dưỡng tại Việt Nam”. Hội thảo thảo luận về thực trạng, những khó khăn, thách thức trong công tác đào tạo, sử dụng Cử nhân Dinh dưỡng tại Việt Nam từ năm 2013 – 2024 và định hướng phát triển trong công tác đào tạo và sử dụng Cử nhân Dinh dưỡng trong Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

Tham gia Hội thảo có hơn 100 đại biểu từ Cục Khoa học công nghệ và đào tạo, Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), 12 bệnh viện, 12 trường đại học đào tạo Cử nhân dinh dưỡng tại Việt Nam theo hình thực trực tiếp (tại Viện Dinh dưỡng và hình thức online). Tại Hội thảo, đã có 07 bài trình bày của đại diện Viện Dinh dưỡng, các cơ quan chức năng và các chuyên gia trong lĩnh vực đào tạo dinh dưỡng từ Đại học Y Hà Nội, Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh đã cùng tổng kết về thực trạng, những khó khăn, thách thức trong công tác đào tạo, sử dụng Cử nhân Dinh dưỡng tại Việt Nam từ năm 2013 – 2024 và định hướng phát triển trong công tác đào tạo và sử dụng Cử nhân Dinh dưỡng trong thời gian tới.

Tại Hội thảo, các báo cáo được trình bày và các tham luận đã thống nhất đánh giá ở Việt Nam, dinh dưỡng đã trở thành một ngành nghề, được cấp phép hành nghề; đã hình thành hệ thống đào tạo chính quy, cơ bản nhân lực cho ngành dinh dưỡng đó là đào tạo cử nhân dinh dưỡng. Hiện đã có 14 trường đại học (09 trường công lập và 05 trường tư thục) ở cả 3 miền tham gia đào tạo mã ngành cử nhân dinh dưỡng. Sau 11 năm (2013 – 2024) các trường đã tuyển sinh đào tạo 2.608 sinh viên và đến năm 2024 đã có 1.142 người tốt nghiệp cử nhân dinh dưỡng. 100% các trường đào tạo cử nhân dinh dưỡng đều tấp ứng yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo về chương trình, khối lượng học tập, điều kiện cơ sở vật chất, giảng viên giảng dậy… của cơ sở đào tạo đại học theo quy định. Khảo sát 197 cử nhân dinh dưỡng đang đi làm cho thấy: Có 85,8% cử nhân dinh dưỡng làm việc đúng với chuyên ngành dinh dưỡng; 12,2% đang làm việc ở các lĩnh vực liên quan gần đến ngành dinh dưỡng và 2% làm trái ngành. Nơi làm việc: 70,6% làm việc tại cơ sở y tế; 17,8% làm việc trong doanh nghiệp; 1,5% làm việc ở các cơ sở chế biến thực phẩm; 2,0% làm việc ở trường học và 8,1% ở lĩnh vực khác. Vị trí công việc: có 87,3% làm việc chuyên môn, liên quan tới dinh dưỡng; 12,7% làm việc hành chính, không liên quan tới dinh dưỡng. Tuy nhiên, Hội thảo đã chỉ ra những tồn tại và khó khăn trong công tác đào tạo cử nhân dinh dưỡng như: nhiều cơ sở đào tạo vẫn chưa biên soạn giáo trình giảng dậy các môn học, số lượng giảng viên cơ hữu về thực phẩm và khoa học thực phẩm còn thiếu, khả năng thực hành của sinh viên còn hạn chế do cơ sở vật chất của cơ sở thực hành còn chưa đáp ứng đủ yêu cầu; chương trình đào tạo thực hành chưa phù hợp với môi trường công tác trong thực tế …

Tại Hội thảo, các báo cáo được trình bày và các tham luận cũng đưa ra đề xuất giải pháp tăng cường năng lực cơ sở đào tạo (chuẩn hoá chương trình đào tạo, giảng viên, đầu tư cơ sở vật chất…) để bảo đảm sinh viên cử nhân dinh dưỡng sẽ được trang bị đầy đủ về kiến thức và kỹ năng cần thiết; đề xuất các cơ quan chức năng công nhận ngành dinh dưỡng cộng đồng (hiện nay mới chỉ công nhận ngành nghề dinh dưỡng lâm sàng và tiết chế). Bên cạnh đó, Hội thảo đưa ra các dự báo nhu cầu tuyển dụng, sử dụng cử nhân Dinh dưỡng trong ngành y tế (ở các bệnh viện trung ương và các cơ sở y tế tỉnh/thành phố) trong giai đoạn 2026 – 2030.

Kết thúc hội thảo, PGS.TS. Trương Tuyết Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng - chủ trì Hội thảo đã kết luận: Hội thảo đào tạo cử nhân dinh dưỡng là diễn đàn quan trọng để các cơ sở đào tạo trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm trong tuyển sinh, đào tạo cử nhân dinh dưỡng mà còn là cơ hội để các nhà quản lý, chuyên gia và đại diện từ các cơ sở y tế thảo luận, đề xuất ban hành chính sách trong tuyển dụng, sử dụng cử nhân dinh dưỡng để cung cấp nguồn nhân lực chính quy, chuyên nghiệp cho ngành dinh dưỡng Việt Nam đáp ứng yêu cầu ngày càng cao từ xã hội và góp phần thực hiện thắng lợi Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Hội thảo đã thể hiện sự quyết tâm và sự cam kết của các cơ sở đào tạo, các cơ quan chức năng và các bên liên quan nỗ lực thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo cử nhân dinh dưỡng, tuyển dụng và sử dụng cử nhân dinh dưỡng trong xây dựng và phát triển ngành hiệu quả và bền vững tại Việt Nam.

Một số hình ảnh tại Hội thảo
PGS. TS. Trương Tuyết Mai - Phó Viện trưởng phát biểu tại Hội thảo
TS. Lâm Quốc Hùng - Giám đốc Trung tâm Đào tạo dinh dưỡng & thực phẩm báo cáo thực trạng
đào tạo Cử nhân dinh dưỡng tại Việt Nam giai đoạn 2013 - 2023
ThS. Nguyễn Trang Nhung, TS. Lâm Quốc Hùng - Trung tâm Đào tạo Dinh dưỡng & Thực phẩm