Những thói quen ăn uống khiến bạn vô tình bị nhiễm COVID-19

Cập nhật: 1/15/2022 - Lượt xem: 4115

Theo ThS. BS. Nguyễn Văn Tiến - Trung tâm Giáo dục Truyền thông dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cần phải thay đổi nhiều thói quen ăn uống để ngăn chặn không đưa virus xâm nhập vào cơ thể.

Ăn lẩu, dùng chung một bát nước mắm, gắp thức ăn cho người khác... là những thói quen có thể khiến bạn vô tình bị nhiễm COVID-19.

Theo ThS.BS. Nguyễn Văn Tiến - Trung tâm Giáo dục Truyền thông dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, mọi người nên bỏ một số thói quen ăn uống để ngăn chặn nhiễm virus từ người bị bệnh sang người lành, nhất là khi tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, biến chủng Omicron lây lan nhanh.

1. Ăn lẩu cùng nhiều người

Lẩu là món ăn rất hấp dẫn và phù hợp với thời tiết mùa đông lạnh rất là trong dịp Tết. Tuy nhiên, khi ăn lẩu, mọi người thường dùng chính đôi đũa của mình nhúng vào nồi lẩu chung để gắp thức ăn trong nồi lẩu vào bát, đưa lên miệng ăn.

Thói quen dùng đôi đũa của mình nhúng vào nồi lẩu chung sẽ là nguy cơ khiến bạn bị nhiễm COVID-19.

2. Dùng chung một bát nước mắm, muối chấm

Trong mâm cơm của người Việt từ trước tới nay vẫn có thói quen dùng chung một bát nước mắm hoặc gia vị chấm. Trong các mâm cỗ hay tiệc cưới hỏi, ma chay, bát nước chấm cũng vẫn được dùng chung cho cả mâm cơm 6 người ngồi ăn. Vì bát nước mắm và gia vị được dùng chung trong mâm cơm nên mọi người thường dùng đũa của mình để cùng chấm vào bát nước chấm.

Thói quen dùng chung bát nước mắm hay đồ muối chấm như vậy sẽ là nguy cơ khiến bạn bị nhiễm COVID-19. Vì vậy, mỗi người cần có bát nước chấm hay đĩa muối riêng để dùng tùy theo sở thích và bảo đảm an toàn hơn.

3. Dùng đũa của mình gắp thức ăn mời người khác

Nhiều người vẫn hay giao tiếp khi ăn tiệc hoặc tỏ lòng hiếu khách khi có khách tới nhà ăn cơm bằng cách gắp thức ăn cho người khác.

Cũng có những khi gia đình ăn cơm không có khách nhưng một số người vẫn giữ thói quen tiếp thức ăn cho người lớn tuổi hoặc dùng đũa của mình đảo đi đảo lại thức ăn trong đĩa thức ăn chung. Một số người gắp thức ăn cho thẳng vào miệng chứ không cho thức ăn vào bát rồi mới đưa lên miệng ăn.

Những hành động này cũng sẽ là nguy cơ khiến bạn bị nhiễm COVID-19. Vì vậy, trên bàn ăn cần có thìa, muỗng hay đôi đũa để dùng chung. Mỗi người có thể tiếp thức ăn cho người khác hoặc lấy thức ăn cho mình bằng đôi đũa hay thìa dùng chung.

4. Nhai cơm, mớm cơm đút cho trẻ

Khi đút cháo, bột cho trẻ, nhiều người vẫn hay cho vào miệng của mình quén cho thìa cháo, bột gọn để tránh bị rơi, rớt rồi mới cho vào miệng trẻ.

Ở nhiều vùng nông thôn hiện nay vẫn còn thói quen nhai cơm, mớm cơm cho trẻ. Thói quen cho trẻ ăn cơm mớm tưởng chừng như không còn nhưng thực ra vẫn đang diễn ra. Ngay cả ở các thành phố cũng vẫn có gia đình cho con ăn cơm nhai bởi cho rằng, trẻ ăn cơm sớm sẽ cứng cáp.

"Bệnh từ miệng vào", vì vậy, cần thay đổi một số thói quen ăn uống để ngăn chặn nguy cơ không đưa virus xâm nhập vào cơ thể, đồng thời làm lây nhiễm virus từ người bị bệnh sang người lành.

Thanh Loan – Báo Sức khoẻ & đời sống