Rủi ro tiềm tàng

Cập nhật: 9/23/2024 - Lượt xem: 250

Đề phòng những nguy cơ, rủi ro tiềm tàng là một thói quen rất cần được duy trì để có thể chuẩn bị cho dinh dưỡng trong tình trạng khẩn cấp một cách chủ động, đầy đủ nhất. Những nguy cơ, rủi ro tiềm tàng bao gồm các sự kiện hoặc tình huống khác nhau có thể dẫn đến tình huống khẩn cấp, hoặc gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự sẵn có và khả năng tiếp cận nguồn lương thực thực phẩm và dinh dưỡng của các cá nhân và các hộ gia đình. Những nguy cơ, rủi ro tiềm tàng có thể xảy tới bất cứ lúc nào, ví dụ như những sự kiện như:

1. Thảm họa tự nhiên: Đó là những thiên tai như bão, lũ lụt, động đất, cháy rừng, lở đất... Tùy thuộc vào vị trí địa lý, nơi sinh sống của mỗi cá nhân và hộ gia đình, một số loại thiên tai nhất định có thể gây rủi ro cao hơn. Ví dụ, các khu vực dân cư ven biển, hải đảo sẽ có nguy cơ gặp bão nhiều hơn hơn, hoặc các khu vực dân cư gần các đường đồi núi sẽ đối mặt với nguy cơ lở đất cao hơn. Việc đề phòng những thiên tai đó là một điều hết sức cần thiết và quan trọng để chuẩn bị cho dinh dưỡng trong tình trạng khẩn cấp.

 

Đề phòng thiên tai luôn là một công việc hết sức quan trọng và cần thiết để chuẩn bị cho tình trạng
dinh dưỡng khẩn cấp - Ảnh sưu tầm Internet

2. Các sự kiện liên quan đến khí hậu: Biến đổi khí hậu có thể dẫn đến các điều kiện thời tiết xấu như các đợt nắng nóng, hạn hán hoặc mưa lớn kéo dài. Những biến cố này gây ảnh hưởng xấu đến năng suất nông nghiệp, làm gián đoạn, đình trệ chuỗi cung ứng thị trường, dẫn đến tình trạng thiếu lương thực thực phẩm cho người dân hoặc giá cả tăng mất kiểm soát.

3. Xung đột chính trị: Bất ổn chính trị, xung đột vũ trang hoặc bất ổn dân sự có thể gây xáo trộn cơ sở hạ tầng, các tuyến thương mại và tạo rào cản cho việc phân phối thực phẩm. Chưa kể, việc phải sinh sống tại nơi có tình hình chính trị phức tạp sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới tinh thần và sự an toàn của các cá nhân, hộ gia đình. Những tình huống này gây ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng tiếp cận lương thực thực phẩm, về lâu dài sẽ dẫn đến các cuộc khủng hoảng lương thực tiềm ẩn.

4. Các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng: Những thiên tai như đại dịch, sự bùng phát dịch bệnh hoặc các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng có thể làm gián đoạn quá trình sản xuất, phân phối và tiếp cận thực phẩm đối với các cá nhân và hộ gia đình. Khi ở trong tình trạng này, mỗi cá nhân và hộ gia đình cần chấp hành tuyệt đối các biện pháp kiểm dịch tại địa phương, hạn chế di chuyển để giảm áp lực lên hệ thống chăm sóc sức khỏe. Một khi hệ thống chăm sóc sức khỏe cho người dân trở nên quá tải sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự sẵn có và chuỗi cung ứng thực phẩm tới người dân, về lâu dài sẽ gây nên nhiều hậu quả nghiêm trọng tới sức khỏe con người.

5. Suy thoái môi trường: Các yếu tố môi trường như xói mòn đất, phá rừng hoặc ô nhiễm nguồn nước có thể tác động lâu dài đến năng suất nông nghiệp và an ninh lương thực. Những rủi ro môi trường này có thể góp phần gây khan hiếm thực phẩm và ảnh hưởng đến chất lượng dinh dưỡng của thực phẩm.

Đánh giá rủi ro tiềm ẩn liên quan đến việc xem xét các mối nguy hiểm và lỗ hổng cụ thể trong khu vực địa lý của bạn và hiểu cách chúng có thể tác động đến hệ thống thực phẩm và dinh dưỡng. Bằng cách xác định những rủi ro này, các hộ gia đình và cộng đồng có thể thực hiện các biện pháp thích hợp để chuẩn bị và giảm thiểu các tác động tiềm tàng đối với an ninh lương thực và dinh dưỡng trong trường hợp khẩn cấp.

TS. Trần Châu Quyên - Trưởng khoa Khám tư vấn dinh dưỡng người lớn - Viện Dinh dưỡng