Tăng cường tiếp cận giáo dục về bệnh Đái tháo đường - Chủ đề ngày Đái tháo đường Thế giới ngày 14 tháng 11 năm 2022

Cập nhật: 11/13/2022 - Lượt xem: 2646

Theo số liệu của Liên đoàn Đái tháo đường Thế giới, năm 2021:

1. Đã có 537 triệu người trưởng thành (20-79 tuổi) trên thế giới đang sống chung với bệnh đái tháo đường (ĐTĐ), cứ 10 người lại có 1 người mắc ĐTĐ. Dự đoán, số người mắc ĐTĐ sẽ tăng lên 643 triệu vào năm 2030 và 783 triệu vào năm 2045 trên thế giới.

2. Cứ 4 người trưởng thành mắc bệnh ĐTĐ thì có hơn 3 người sống ở các nước có thu nhập thấp và trung bình, trong đó có Việt Nam.

3. Bệnh ĐTĐ là nguyên nhân gây ra 6,7 triệu ca tử vong vào năm 2021, có nghĩa là cứ 5 giây lại có 1 ca tử vong do bệnh ĐTĐ trên thế giới.

4. Bệnh ĐTĐ đã tiêu tốn ít nhất 966 tỷ USD cho chi phí y tế, tăng 316% trong 15 năm qua.

5. Đã có 541 triệu người trưởng thành bị rối loạn dung nạp Glucose, khiến họ có nguy cơ cao mắc bệnh ĐTĐ type 2.

Dinh dưỡng, tập luyện và thuốc là kiềng 3 chân trong điều trị ĐTĐ, trong đó dinh dưỡng là điều trị đầu tiên, điều trị cơ bản và điều trị suốt đời.

Vậy, người bệnh cần làm gì để ổn định đường huyết, tránh biến chứng và có chất lượng cuộc sống tốt nhất có thể? Muốn vậy, người bệnh cần tuân thủ hàng ngày một số nguyên tắc sau:

1. Không phải kiêng tuyệt đối bất cứ thực phẩm gì, kể cả đường, nhưng số lượng ăn bao nhiêu cần được hướng dẫn bởi các nhân viên y tế chuyên ngành.

2. Nên ăn đủ, đều 3 bữa/ngày; khi đường huyết không kiểm soát sẽ được chỉ định thêm các bữa phụ bởi nhân viên y tế chuyên ngành.

Thực đơn tham khảo cho người đáo tháo đường 

3. Cung cấp đủ năng lượng, có thể giảm cân, nếu có thừa cân-béo phì. Cân đối và đầy đủ các chất sinh năng lượng (chất đạm, chất béo, đặc biệt đủ chất bột đường để tránh hạ đường huyết do kiêng khem quá) và các chất không sinh năng lượng (vitamin, chất khoáng, chất xơ, nước…).

- Tỷ lệ cho 3 chất sinh năng lượng đảm bảo: chất bột đường chiếm 50-65%; chất đạm chiếm 15-20%; chất béo chiếm 20-25% tổng năng lượng trong ngày.

- Nên ăn đủ chất xơ mỗi ngày để giúp ổn định đường huyết, cải thiện nguy cơ tim mạch, kiểm soát cơn đói, … Chất xơ nên cung cấp bảo đảm 14g/1,000Kcal.

4. Sử dụng đủ lượng trái cây và hạt có dầu (lạc, vừng, mè, hướng dương, bí…) theo khuyến nghị.

5. Nên ăn nhạt (<5g muối NaCl hoặc <2,000mg Na), khi có bệnh lý tim mạch, bệnh thận, …

6. Sử dụng các thực phẩm sẵn có tại địa phương, phù hợp với tập quán, vùng miền, điều kiện kinh tế…  của từng người bệnh cụ thể.

7. Uống đủ nước lọc và hoạt động thể lực theo đúng như khuyến cáo. Hạn chế rượu, bia, cũng như các chất kích thích khác…

8. Đi tư vấn dinh dưỡng định kỳ theo hẹn của nhân viên y tế để được giáo dục và tư vấn cụ thể với tình trạng của từng người bệnh.

Người bệnh cần đi khám định kỳ để được tư vấn và kiểm soát đường huyết phù hợp với tình trạng bệnh
TS.BS. Nguyễn Trọng Hưng – Trưởng khoa Khám tư vấn dinh dưỡng người lớn – Viện Dinh dưỡng