Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm đạt được các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ

Cập nhật: 9/19/2014 - Lượt xem: 11436

Tại Diễn đàn Liên minh các Đối tác về Sức khỏe Phụ nữ và Trẻ em tổ chức tại Nam Phi từ ngày 30-6-1-7-2014 với sự tham dự của hơn 1000 đại biểu đến từ 60 quốc gia trên thế giới, PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Y tế Việt Nam được lựa chọn là một trong 5 Bộ trưởng Bộ Y tế các nước có thành công nổi bật, được mời chia sẻ kinh nghiệm của quốc gia trong việc đạt được các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ liên quan đến y tế.

     
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại diễn đàn

Tại Diễn đàn này, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã chia sẻ kinh nghiệm hợp tác đa ngành thông qua Chiến lược Quốc gia và các kế hoạch hành động liên ngành về dinh dưỡng, bao gồm cả dinh dưỡng bà mẹ, dinh dưỡng trẻ em, an toàn thực phẩm, nước sạch và vệ sinh môi trường, cũng như giải quyết các thách thức trong hợp tác đa ngành và giữa các đối tác khác nhau để thực hiện hiệu quả các Chiến lược và chương trình dinh dưỡng, sức khỏe bà mẹ và trẻ em.

Được biết, cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao Việt Nam trong việc thực hiện thành công các cam kết giảm tỉ lệ tử vong bà mẹ và trẻ em. Hiện Việt Nam là một trong 10 quốc gia trên thế giới đang trong đúng lộ trình thực hiện thành công Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ số 4 (giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em dưới 1 tuổi và dưới 5 tuổi) và Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ số 5 (Giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ)”. Cụ thể trong 20 năm qua, tỷ lệ tử vong ở phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh tại Việt Nam có chiều hướng giảm. Tỷ lệ phụ nữ mang thai tử vong đã giảm từ 233/100.000 ca vào năm 1990 xuống còn 61,9/100.000 ca vào năm 2013 (giảm xuống hơn ba lần) và tỷ lệ trẻ dưới năm tuổi tử vong giảm từ 59/1.000 trẻ xuống còn 23/1.000 trẻ (giảm hơn hai lần). Số trẻ dưới một tuổi giảm tỷ lệ tử vong từ 44,4/1.000 trẻ xuống còn 15,3/1.000 trẻ. Ngoài ra, số trẻ dưới năm tuổi bị suy dinh dưỡng cũng giảm từ 41% xuống còn 15,3%.

Bên cạnh đó, Việt Nam cần tiến hành các bước đi tiếp theo nhằm đảm bảo các tiến bộ đồng đều giữa các vùng dân cư, cũng như giảm tỷ lệ mất cân đối trong tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em do những rào cản về địa lý và tài chính gây ra, cải thiện chất lượng và bao phủ các can thiệp chăm sóc trẻ sơ sinh và tăng cường nhận thức của thanh niên về các vấn đề sức khỏe sinh sản.

                                                                          (Theo Tạp chí Y học Thực hành)