Có nên nhịn ăn để chữa bệnh?

Cập nhật: 5/26/2017 - Lượt xem: 14450
Vấn đề nhịn ăn chữa bệnh đang có nhiều người quan tâm. Các tác giả theo trường phái này (nhiều người trong số họ là bác sĩ) cho rằng nhờ nhịn ăn đúng phương pháp, con người có thể tự chữa khỏi nhiều bệnh. Ở nước ta và một số nước trên thế giới như Nhật bản, Pháp đã có một số người tự chữa khỏi một số bệnh bằng phương pháp nhịn ăn. 
 
Tuy nhiên y học hiện nay không bài xích, phê phán phương pháp nhịn ăn chữa bệnh nhưng cũng không khuyến khích vì những lý do sau: Quá trình nhịn ăn kéo dài sẽ xảy ra một số diễn biến khác thường trong cơ thể, cần phải có những nghiên cứu chứng minh được một cách khoa học, khách quan các diễn biến đó không theo hướng xấu ảnh hưởng tới sức khỏe. Cơ thể con người gồm nhiều cơ quan, bộ phận luôn cần được cung cấp năng lượng và các chất dinh dưỡng để tồn tại và họat động. Nếu nhịn ăn kéo dài nguồn năng lượng sẽ cạn kiệt, các chất dinh dưỡng sẽ thiếu hụt, sẽ gây nên sự ảnh hưởng không tốt tới hàng lọat các chức  phận bên trong cơ thể đặc biệt là não. Trọng lượng của não chỉ chiếm 1 phần 40 trọng lượng cơ thể nhưng não lại tiêu hao 1 phần tư lượng ôxy và 1 phần 5 lượng máu cung cấp dưỡng chất cho tòan thân. Não là bộ phận tiêu thụ lớn nhất nguồn năng lượng của cơ thể. Nếu tế bào não bị đói sẽ dẫn đến rối lọan hệ thống thần kinh trung ương là nơi điều hành mọi họat động chức năng của cơ thể.

Nếu lượng đường huyết trong máu giảm thấp dưới 80mg/dl đã có những biểu hiện mệt mỏi, bủn rủn chân tay đầu óc kém minh mẫn, hạ huyết áp, tim lọan nhịp, tòan thân vã mồ hôi và nếu đường huyết giảm nhiều hơn sẽ dẫn đến hôn mê, nguy kịch. Việc duy trì mức đường huyết ổn định bình thường là nhờ được cung cấp các thức ăn tạo năng lượng gồm chất bột, chất béo, chất đạm. Trên cơ sở lý thuyết của nhịn ăn chữa bệnh là: khi nhịn ăn cơ thể sẽ phải tự tiêu hao phần thịt của mình để duy trì sự tồn tại do đó một số khối u, tổ chức viêm... sẽ được tiêu đi và thay vào đó là các tổ chức lành lặn.

Tuy nhiên việc nhịn ăn cũng khó thực hiện, người nhịn ăn phải có quyết tâm cao, khi nhịn ăn phải từ 7-8 ngày trở lên và phải tuân thủ nghiêm ngặt một số nguyên tắc về ăn uống và cần có sự chỉ dẫn và theo dõi chặt chẽ của người có chuyên môn y tế để phát hiện và xử trí kịp thời những diễn biến không tốt xảy ra. Mỗi cơ thể có sự điều chỉnh, thích hợp khác nhau nên không phải ai áp dụng nhịn ăn cũng chữa được bệnh chưa kể có những trường hợp thất bại dẫn đến hậu quả nguy hiểm như viêm phổi, suy nhược cơ thể, ngất...

Cần có những nghiên cứu đúc kết một cách khoa học, đưa ra những kết luận, khuyến nghị cụ thể về vấn đề nhịn ăn chữa bệnh sao cho phù hợp với từng trường hợp (trẻ, già, gày, béo...).và những trường hợp nào là chống chỉ định. Nhịn ăn hoặc ăn kiêng một cách quá khắt khe về cơ bản là trái ngược với khoa học dinh dưỡng.Theo các nhà dinh dưỡng khuyên: để đảm bảo sức khỏe người ta cần ăn phối hợp nhiều loại thức ăn trong ngày (khỏang 15-20 loại thực phẩm khác nhau),như vậy mới cung cấp đủ các chất dinh dưỡng và vi chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể.

Tóm lại nhịn ăn với mục đích chữa bệnh cần được cân nhắc với từng cá thể, từng lọai bệnh và có sự theo dõi chặt chẽ của người có kiến thức về y tế và có kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Vấn đề này cần được nghiên cứu kỹ, sâu hơn và chưa nên khuyến khích.