Dị ứng thức ăn ở lứa tuổi ăn sam

Cập nhật: 5/27/2017 - Lượt xem: 18529

Lứa tuổi ăn sam (Ăn bổ sung, ăn dặm) bắt đầu từ khi trẻ được 6 tháng tuổi, thời kì này một mình sữa mẹ không đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng do cơ thể trẻ phát triển rất nhanh. Đây cũng là giai đoạn trẻ mắc các bệnh nhiễm khuẩn do kháng thể thụ động từ mẹ truyền sang ở thời kì thai nhi giảm dần, trẻ bắt đầu tiếp xúc nhiều với môi tr­ường xung quanh, trẻ tập ăn những thức ăn khác ngoài sữa mẹ, chính vì vậy nguy cơ dị ứng thức ăn thường hay gặp ở một số trẻ có cơ địa dị ứng.

Những thực phẩm nào hay gây dị ứng?

Tất cả những thực phẩm có chứa protein(chất đạm)  nguồn gốc động vật đều có thể gây dị ứng như­ng hay gặp nhất là sữa động vật (sữa bò, dê, trâu) các loại hải thủy sản: tôm, cua, cá hoặc nhộng, trứng...

Dị ứng sữa động vật : do protêin trong sữa các loại động vật khác với protein trong sữa mẹ về thành phần và số l­ượng nên một số trẻ ăn vào có thể bị dị ứng. Biểu hiện của dị ứng sữa: Trẻ bị tiêu chảy, nổi mề đay, mẩn ngứa, một số trẻ có biểu hiện bằng nôn liên tục. Một số trẻ thiếu men lactaza nên không hấp thu đư­ợc đư­ờng lactoza trong sữa bò cũng gây tiêu chảy. Gặp những tr­ường hợp này nên dừng lại không cho trẻ ăn sữa bò, dùng sữa đậu tư­ơng thay thế hoặc làm sữa chua cho trẻ ăn.

Dị ứng các loại hải thuỷ sản: Tôm, cua, cá: Sau khi ăn các loại thực phẩm này, trẻ bị nổi mề đay, sẩn ngứa, một số trẻ có thể bị tiêu chảy, nên ngừng ngay các loại thực phẩm này, sau đó có thể tập cho trẻ ăn dần từng ít một, nếu vẫn bị dị ứng thì không cho trẻ ăn các loại thực phẩm này nữa.

Dị ứng trứng: thư­ờng ít gặp hơn các loại trên, khi ăn trứng cũng có trẻ có các biểu hiện của dị ứng như­ : nổi mề đay, mẩn ngứa, tiêu chảy...cũng tập cho trẻ ăn dần từng ít một, hoặc chế biến d­ưới dạng caramen (trứng sữa hấp) cho trẻ ăn thì có thể không bị dị ứng nữa. Nếu vẫn dị ứng thì không cho trẻ ăn tiếp và thay thế bằng loại thức ăn khác.

                                              BS. Lê Hằng - Đặc san dinh dưỡng Sức khỏe & Đời sống