Nhộng tằm và tình trạng ngộ độc do ăn nhộng

Cập nhật: 5/27/2017 - Lượt xem: 43199

Một thức ăn ngon và giầu chất dinh dưỡng

Nhộng tằm là thức ăn dân dã rất phổ biến trong bữa ăn hằng ngày của nhân dân ta. Đây là một thực phẩm rất giầu chất dinh dưỡng, rẻ tiền, chế biến đơn giản, chỉ cần rang với ít mỡ, cho mắm muối vừa đủ, múc ra đĩa, rắc thêm mấy sợi lá chanh thái nhỏ, chúng ta sẽ có một món ăn bùi, béo, đậm đà, ngon miệng.

Phân tích thành phần hóa học, trong 100g nhộng tằm có 79,7g nước, 13g protid, 6,5g lipid, cung cấp được 114 Kcal. Nhộng tằm cũng là thức ăn có nhiều vitamin (vitamin A, B1, B2, PP, C…) và chất khoáng, nhất là canxi (40mg%) và photpho (109mg%) cần thiết cho cơ thể. Như vậy, so với các loại thịt, cá thường dùng, giá trị dinh dưỡng của nhộng tằm không thua kém. Hàm lượng protid trong bột nhộng tằm cao tới 73,5%, gồm nhiều axit amin quan trọng như leucin, isoleucin, lysin, threonin, cystein, phenylalanin, tyrosin, valin, arginin, alanin, glycin, serin… tương đương với các loại protein động vật khác.

Đây là một thức ăn ngon, thích hợp với mọi lứa tuổi. Trẻ em ăn nhộng tằm rất tốt vì có nhiều canxi và photpho cần thiết cho cơ thể đang phát triển của các em và phòng chống được còi xương. Người cao tuổi bị yếu thận, liệt dương, hay tiểu tiện són, táo bón dùng nhộng tằm thường xuyên cũng thấy tình hình sức khoẻ được cải thiện rõ rệt.

 Nhưng phải cảnh giác với dị ứng và ngộ đôc do nhộng tằm

Nhộng tằm ăn ngon và bổ, tuy vậy khi dùng loại thực phẩm này chúng ta cần chú ý đề phòng chứng dị ứng và ngộ độc do nhộng tằm. Những trường hợp ngộ độc nhộng tằm xảy ra không ít. Hằng năm các bệnh viện nước ta vẫn tiếp nhận khá nhiều trường hợp bị ngộ độc sau khi ăn nhộng tằm phải điều trị cấp cứu.

Ngay tại Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai cũng đã có ngày phải tiếp nhận gần một chục trường hợp cấp cứu do ăn nhộng tằm. Mới đầu là 5 bệnh nhân ở phố Bạch Mai vào viện trong tình trạng khó thở, buồn nôn… do ăn nhộng tằm mua ở Trại Găng. Sau đó tiếp nhận 4 trường hợp khác cũng nhập viện với những triệu chứng tương tự do ăn nhộng tằm mua ở chợ Mai Động. Theo chẩn đoán của các bác sĩ của Trung tâm chống độc và kết luận điều tra của Sở y tế Hà Nội, những người này đã bị dị ứng với chất Natri sunfit mà người bán nhộng dùng để bảo quản thực phẩm. Cả 9 bệnh nhân này đều được điều trị kịp thời, khỏi bệnh ra viện.

Tại các địa phương, các bệnh viện vẫn thường xuyên phải tiếp nhận những bệnh nhân bị ngộ độc do ăn nhộng tăm, có những trường hợp nặng, mẩn ngứa toàn thân, đau bụng quằn quại, buồn nôn, người lạnh toát, huyết áp tụt thấp… nếu không được cứu chữa kịp thời có thể tử vong.

Nguyên nhân gây ngộ đọc nhộng tằm có nhiều. Có thể những bệnh nhân trên đã mua phải nhộng tằm để lưu cữu lâu đã bị ôi hỏng, chất đạm trong thực phẩm đã bị phân hoá không còn giá trị dinh dưỡng nữa và trở nên độc, hoặc nhộng tằm đã bị ngâm hoá chất cho nhộng căng, nom ngon hơn dễ bán. Cũng có thể do bị dị ứng với chất Natri sunfit như một số bệnh nhân đã nói trên.

Để đề phòng ngộ độc nhộng tằm, các nhà chuyên môn khuyên người tiêu dùng khi mua nhộng tằm về chế biến thức ăn cần chú ý chọn mua loại nhộng còn tươi, có nguồn gốc rõ ràng, không nên mua nhưng mớ nhộng nghi ngờ để lâu, đã ôi hỏng, không có nguồn gốc của những người bán rong. Những người có cơ địa hay bị dị ứng càng cần thận trọng với loại thức ăn này, tốt nhất là không ăn đề phòng dị ứng với nhộng tằm và chất bảo quản Natri sunfit.

                                                               BS. HƯƠNG  LIÊN

                              (Theo Đặc san Dinh dưỡng Sức khỏe và Đời sống Số 1 năm 2011)