Thực trạng kiểm soát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm và khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm

Cập nhật: 5/26/2017 - Lượt xem: 27333

Công tác đảm bảo an toàn thực phẩm có vai trò hết sức quan trọng trong chiến lược bảo vệ sức khỏe con người. Sử dụng thực phẩm đã bị ô nhiễm có thể dẫn đến ngộ độc cấp tính với các triệu chứng ồ ạt dễ nhận thấy, nhưng vấn đề nguy hiểm hơn nữa là sự tích luỹ chất độc sau một thời gian mới phát bệnh hoặc có thể gây dị tật, dị dạng cho các thế hệ sau. Một số hóa chất độc hại, độc tố vi nấm, vi khuẩn và độc tố vi khuẩn nhiễm vào thức ăn, nước uống tuy ở liều lượng thấp nhưng với thời gian dài cũng có thể gây ra các bệnh nguy hiểm như ung thư hoặc rối loạn chức năng thần kinh, tiêu hóa, tuần hoàn của cơ thể.

Vào năm 1956, khi Nhật Bản xuất hiện bệnh lạ Minamata gây tổn thương nghiêm trọng ở hệ thần kinh trung ương thì mãi đến năm 1962 mới tìm được nguyên nhân chính là do methyl thuỷ ngân thải ra từ các nhà máy hóa chất đã thâm nhập vào cơ thể sống qua thực vật và tích tụ trong cá với nồng độ cao. Các nhà máy đã chi tới 200 tỷ Yên để tái tạo môi trường, trợ cấp cho người bị bệnh và một dự án lớn với khoảng 48 tỷ Yên đã được khởi xướng để nạo vét đáy vịnh Minamata. Năm 2001, Bộ Khoa học công nghệ và môi trường nước ta phối hợp với Bộ Môi trường Nhật Bản đã tổ chức Hội thảo trao đổi kinh nghiệm về sự cố ô nhiễm môi trường gây mất an toàn thực phẩm làm tổn hại đến sức khỏe cộng đồng. Tham dự Hội thảo đã có nhiều nhà khoa học và cán bộ quản lý thuộc nhiều bộ ngành, một số tham luận cũng đã thể hiện mối quan tâm đến các nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm ở Việt Nam. 

Tình trạng ô nhiễm môi trường, đất đai, nguồn nước và những sai sót trong thực hành nông nghiệp, chế biến, bảo quản làm ảnh hưởng đến mức độ an toàn thực phẩm cũng như sự gia tăng tỷ lệ bệnh ung thư gan, dạ dày, thực quản, đại tràng…có liên quan đến thực phẩm ô nhiễm đã có nhiều nghiên cứu cảnh báo. Tuy nhiên, vấn đề ô nhiễm thực phẩm luôn là quá trình động. Kiểm soát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm phải là việc làm thường xuyên, số liệu cần được cập nhật vì sự tiến bộ không ngừng của việc ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất chế biến, sự thay đổi môi trường nuôi trồng, sự giao lưu thương mại ngày càng mở rộng cũng như nhu cầu sử dụng thực phẩm của con người cũng luôn luôn thay đổi. Do vậy, công tác kiểm soát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm và khả năng khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm hiện nay ở nước ta đang đặt ra những thách thức lớn.

Thực phẩm có thể bị ô nhiễm do mối nguy có bản chất sinh học, hóa học hay vật lý gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng và trong một số trường hợp nghiêm trọng có thể dẫn đến ngộ độc nguy hiểm. Vi sinh vật có thể tồn tại ở nguyên liệu tươi sống hoặc nhiễm vào thức ăn, đồ uống do sai sót trong quá trình sản xuất, chế biến, bảo quản và phục vụ ăn uống. Khí hậu nóng ẩm ở nước ta luôn là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn, nấm men, nấm mốc. Tuy nhiên, mối nguy sinh học gây ô nhiễm thực phẩm có thể hạn chế được nhờ việc áp dụng các biện pháp thực hành nông nghiệp tốt (GAP), thực hành thú y tốt (GVP), thực hành thủy sản tốt (GaqP), thực hành sản xuất tốt (GMP), thực hành vệ sinh tốt (GHP/SSOP) và hệ thống đảm bảo an toàn thực phẩm (HACCP/ISO).  Nhưng việc kiểm soát mối nguy hóa học luôn là bài toán khó đối với các nhà quản lý an toàn thực phẩm. Từ khi nước ta chuyển sang nền kinh tế thị trường, một số cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông-lâm-hải sản ra đời một cách tự phát với các quy trình công nghệ còn thô sơ, vấn đề khai thác khoáng sản tự do, tinh chế vàng và kim loại quý hiếm tuỳ tiện theo phương pháp thủ công. Kim loại nặng, các hợp chất hữu cơ có độc tính cao từ chất thải của nhà máy, bệnh viện và rác thải sinh hoạt không được xử lý tốt có thể gây ảnh hưởng tới môi trường sinh thái làm tích lũy các chất độc hại hóa học trong cây trồng, vật nuôi.

Cho đến nay, hoạt động điều tra xác định nguy cơ ô nhiễm còn mang tính chất riêng rẽ ở các bộ ngành khác nhau, chưa thành hệ thống kiểm soát toàn diện các mối nguy nên thường chưa đủ cơ sở để đề xuất được biện pháp quản lý, hạn chế một cách hiệu quả và cung cấp thông tin cho công tác truyền thông nguy cơ được kịp thời. Mặt khác, Hệ thống kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm tuy được hình thành trong nhiều năm, các Bộ đều có phòng thí nghiệm đã và đang từng bước chuẩn mực theo tiêu chuẩn ISO/IEC 17025:2005 nhưng khi có sự cố an toàn thực phẩm xẩy ra thì sự phối hợp giữa các phòng thí nghiệm trong công tác kiểm tra xác định nguyên nhân thường gặp rất nhiều khó khăn, chưa có cơ chế điều hành một cách thông thoáng. Trang thiết bị kiểm nghiệm đã được nhà nước đầu tư cho một số phòng thí nghiệm đầu ngành của các Bộ nhưng còn mang tính dàn trải và thiếu đồng bộ, nguồn nhân lực còn quá mỏng, năng lực chưa đáp ứng với nhu cầu do ít được đào tạo bài bản và đào tạo nâng cao. Kinh phí đầu tư mua thiết bị không cân đối với kinh phí đào tạo cán bộ sử dụng thiết bị cũng như kinh phí duy tu, bảo dưỡng thiết bị nên thường không phát huy hiệu quả. Dự án “Tăng cường năng lực kiểm nghiệm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, xây dựng hệ thống giám sát ngộ độc thực phẩm, các bệnh truyền qua thực phẩm và phân tích nguy cơ ô nhiễm thực phẩm” thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia vệ sinh an toàn thực phẩm do Cục an toàn vệ sinh thực phẩm chủ trì đang được triển khai, hy vọng kết quả Dự án sẽ góp phần cải thiện thực trạng kiểm soát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm.

Ở mọi quốc gia, hoạt động giám sát an toàn thực phẩm và phân tích nguy cơ ô nhiễm thực phẩm luôn là hành động thiết thực để đề xuất biện pháp phòng tránh và hạn chế các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Kết quả phân tích, đánh giá nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm là cơ sở khoa học để thiết lập hoặc xem xét, điều chỉnh tiêu chuẩn an toàn thực phẩm phục vụ cho công tác thanh tra, giám sát. Trong chuỗi cung cấp thực phẩm “từ trang trại tới bàn ăn”, các điều kiện chăn nuôi, trồng trọt, thu hái, đánh bắt, chế biến, bảo quản, lưu thông phân phối, kinh doanh, tổ chức ăn uống đều có liên quan mật thiết đến tình trạng an toàn của thực phẩm và phụ thuộc rất lớn vào năng lực quản lý, giám sát của nhiều Bộ, ngành. Các chất ô nhiễm có thể xâm nhập vào thực phẩm nếu quy trình sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ thực phẩm không tuân thủ quy định và các điều kiện đảm bảo an toàn. Kiểm soát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm là hoạt động cần có sự phối hợp liên ngành rất chặt chẽ. Pháp lệnh vệ sinh an toàn thực phẩm ban hành vào tháng 8/2003 đã phân công trách nhiệm quản lý Nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm cho Bộ Y tế, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Thủy sản, Công nghiệp, Thương mại, Khoa học và công nghệ, Văn hóa-Thông tin, Tài chính và Ủy ban nhân dân các cấp. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, mỗi Bộ đều tiến hành theo phương thức riêng, ngay trong từng Bộ thì hoạt động quản lý an toàn thực phẩm vẫn còn có những lĩnh vực bị chồng chéo hoặc bị bỏ trống, công tác thanh tra giám sát chưa được quan tâm đúng mức, việc xử lý vi phạm còn chưa nghiêm nên không đủ sức răn đe. Sự cố về an toàn thực phẩm có thể xẩy ra ở những khâu yếu nhất của chuỗi cung cấp thực phẩm và vào những thời điểm mà công tác quản lý bị buông lỏng hoặc bị bỏ ngõ. Sự cố Melamine ảnh hưởng đến ngành chế biến sản phẩm từ sữa nguyên liệu nhập từ Trung Quốc là một bài học đắt giá. Gần đây, tình trạng sữa có hàm lượng protein thấp cũng đã gây hoang mang lo lắng cho người tiêu dùng do thời gian dài phải chờ đợi thông tin chính thức từ cơ quan quản lý.

Trong lộ trình hội nhập với các nước khu vực và các nước tiên tiến trên thế giới, nhằm khắc phục những vấn đề bất cập về công tác quản lý an toàn thực phẩm để đạt được mục tiêu bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, việc ban hành Luật an toàn thực phẩm thay thế Pháp lệnh vệ sinh an toàn thực phẩm là rất cần thiết. Tại chương VII của Dự thảo luật lần thứ 15 đã đề cập đến vấn đề “kiểm soát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm, ngăn chặn và khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm”. Để hoạt động kiểm soát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm được tiến hành một cách hiệu quả, xin có một số đề xuất sau:

- Các Bộ ngành, tổ chức có liên quan và Ủy ban nhân dân các cấp cần xác định được trách nhiệm rõ ràng, chủ động thực hiện nhiệm vụ quản lý an toàn thực phẩm theo sự phân công, phối hợp tốt với Bộ Y tế trong công tác thanh tra, giám sát các điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm và cung cấp thông tin có cơ sở khoa học trong những tình huống xẩy ra hoặc dự báo sự cố về an toàn thực phẩm để có biện pháp khắc phục kịp thời.

- Thành lập “Hội đồng tư vấn quốc gia về an toàn thực phẩm” bao gồm các nhà khoa học, nhà quản lý, chuyên gia thuộc lĩnh vực y tế, nông nghiệp, môi trường, công nghệ thực phẩm, khoa học thực phẩm, kiểm nghiệm thực phẩm, dinh dưỡng...để thẩm định kế hoạch kiểm soát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm, phân tích nguy cơ và tiên lượng các mối nguy hại đến an toàn thực phẩm có thể xẩy ra, tư vấn cho Bộ Y tế trong công tác điều hành hệ thống quản lý an toàn thực phẩm, xử lý và khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm.

- Khẩn trương đánh giá năng lực hệ thống phòng thí nghiệm kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm ở các bộ, ngành để xác định phòng thí nghiệm trọng tài, phòng thí nghiệm đủ điều kiện thực hiện chứng nhận thực phẩm hợp chuẩn, hợp quy và có kế hoạch đầu tư trang thiết bị mới đồng bộ, duy tu/bảo dưỡng trang thiết bị đang sử dụng, đào tạo nguồn nhân lực để nâng cao năng lực kiểm soát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm và khắc phục sự cố an toàn thực phẩm.   

- Thiết lập hệ thống báo cáo, phản hồi thông tin về công tác “kiểm soát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm, ngăn chặn và khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm” từ Trung ương tới địa phương trên mạng thông tin điện tử.