Định hướng hoạt động của Dự án cải thiện tình trạng dịnh dưỡng trẻ em tỉnh Kon Tum giai đoạn 2013-2016

Cập nhật: 11/24/2014 - Lượt xem: 2924

Kết quả điều tra 30 cụm về dinh dưỡng hàng năm của Viện Dinh dưỡng cho thấy: Kiến thức của các bà mẹ về dinh dưỡng gia đình ngày càng được nâng lên, việc thực hiện cân đối giữa 4 nhóm thức ăn ngày càng được áp dụng rộng rãi trong cộng đồng. Các bà mẹ không còn kiêng khem cho trẻ ăn khi bệnh, thay vào đó các bà mẹ đã thực hiện bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng trong thức ăn khi trẻ bệnh. Việc thực hành dinh dưỡng hợp lý và thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm trong các gia đình ngày càng được chú trọng.

- Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm từ 38,4% (năm 2001) xuống còn 26,3% (năm 2012), trung bình mỗi năm giảm 1,0%. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể thấp còi giảm từ 47% (năm 2001) xuống còn 40,6% (năm 2012), trung bình mỗi năm giảm 0,53%. Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi vẫn còn ở mức cao và giảm rất chậm.

Qua thực trạng trên, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản đã xây dựng kế hoạch về Chăm sóc lồng ghép bà mẹ, trẻ nhỏ và giảm suy dinh dưỡng thấp còi giai đoạn 2013-2016 của tỉnh Kon Tum đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2781/KH-UBND ngày 02/12/2013, trong đó có nêu rõ các vấn đề về dinh dưỡng cần giải quyết đến năm 2016 là:

1. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân, đặc biệt suy dinh dưỡng thể thấp còi của trẻ em dưới 5 tuổi còn cao và có sự chênh lệch giữa các vùng, khu vực trong tỉnh.

2. Tình trạng thiếu năng lượng trường diễn và thiếu máu của phụ nữ tuổi sinh đẻ, phụ nữ mang thai ở các xã miền núi còn khá cao.

3. Tỷ lệ trẻ được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu vẫn còn thấp < 1% .

4. Nguồn nhân lực cho công tác dinh dưỡng tại cộng đồng và trong bệnh viện thiếu hụt về số lượng và hạn chế về năng lực hoạt động.

5. Bữa ăn của trẻ chưa được đảm bảo về số lượng và chất lượng.

6. Cung cấp vi chất dinh dưỡng như kẽm, sắt,… và sản phẩm dinh dưỡng giàu năng lượng cho trẻ suy dinh dưỡng cấp tính nặng còn hạn chế.

Để giải quyết các vấn đề nêu trên, Dự án cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em tỉnh Kon Tum giai đoạn 2013-2016 sẽ triển khai các hoạt động nhằm đạt được mục tiêu chung là: Cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em tập trung cho đối tượng bà mẹ mang thai, trẻ em dưới 5 tuổi được nuôi dưỡng và chăm sóc dinh dưỡng hợp lý nhằm giảm tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em thể thấp còi góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em tỉnh Kon Tum.

Những mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể cần đạt được đến năm 2016 là:

Mục tiêu 1: Cải thiện tình trạng dinh dưỡng của bà mẹ và trẻ em.

Chỉ tiêu cần đạt: Giảm tỷ lệ thiếu năng lượng trường diễn ở phụ nữ tuổi sinh đẻ xuống còn 20%; giảm tỷ lệ cân nặng sơ sinh thấp (dưới 2500g) xuống dưới 15%; giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ dưới 5 tuổi xuống 38%; giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ dưới 5 tuổi còn 24%.

Mục tiêu 2: Cải thiện tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng

Chỉ tiêu cần đạt: Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi có hàm lượng vitamin A huyết thanh thấp (dưới 0,7 μmol/L) giảm xuống dưới 10%; tỷ lệ thiếu máu ở phụ nữ có thai giảm dưới 30%; tỷ lệ thiếu máu ở trẻ em dưới 5 tuổi giảm còn 25%; tỷ lệ hộ gia đình hiểu biết và dùng muối Iốt đạt tiêu chuẩn phòng bệnh (20 < - <40 ppm) đạt 90 %.

Mục tiêu 3: Nâng cao hiểu biết và tăng cường thực hành dinh dưỡng hợp lý

Chỉ tiêu cần đạt: Tỷ lệ trẻ bú mẹ trong giờ đầu sau sinh đạt 99%; tỷ lệ trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đạt 10% trở lên; tỷ lệ bà mẹ có kiến thức và thực hành dinh dưỡng đúng đối với trẻ ốm đạt 75% trở lên; tỷ lệ nữ thanh niên được huấn luyện về dinh dưỡng và kiến thức cơ bản về làm mẹ an toàn đạt 60%; trên 80% giáo viên trường mầm non có kiến thức và thực hành dinh dưỡng cho trẻ em; trên 80% bà mẹ và người nuôi dưỡng trẻ được tiếp cận thông tin về dinh dưỡng; trên 50% học sinh trong lứa tuổi vị thành niên (từ 16-18 tuổi) có kiến thức và hiểu biết về dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em.

Mục tiêu 4: Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của mạng lưới dinh dưỡng tại cộng đồng và cơ sở y tế.

Chỉ tiêu cần đạt: Bảo đảm 100% chuyên trách dinh dưỡng tuyến huyện, xã và cộng tác viên dinh dưỡng được tập huấn, cập nhật kiến thức về chăm sóc dinh dưỡng; trên 90% nhân viên y tế thôn, làng được tập huấn, cập nhật kiến thức về chăm sóc dinh dưỡng; 100% cán bộ chuyên trách dinh dưỡng tuyến tỉnh và huyện có đủ năng lực giám sát về dinh dưỡng.

Mục tiêu 5: Tiếp tục cải thiện về số lượng, nâng cao chất lượng bữa ăn của người dân.

Chỉ tiêu cần đạt: Tỷ lệ hộ gia đình có mức năng lượng ăn vào bình quân đầu người dưới 1800 Kcal giảm xuống dưới 15%.

Để đạt được những mục tiêu nêu trên cần phải thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp chính như: Giải pháp về chính sách, giải pháp về nguồn lực, giải pháp về kỹ thuật….

Có thể tin tưởng rằng, với những bước tiến quan trọng của tỉnh nhà trong phát triển kinh tế - xã hội, sự chung tay, chung sức của các ban ngành, đoàn thể, tỉnh Kon Tum sẽ đạt kết quả cao hơn nữa trong việc cải thiện bền vững tình trạng dinh dưỡng đối với trẻ em và phụ nữ mang thai trong thời gian tới.

                                                                  BS.CKI. Dương Thị Hữu Hiền

                                                               Phó Giám đốc Trung tâm CSSKSS tỉnh Kontum