Chớ để cho não “đói”

Cập nhật: 12/20/2023 - Lượt xem: 2679

Glucose là nguồn năng lượng của não

Não là cơ quan dễ bị “đói” nhất cơ thể. Bộ não bao gồm khoảng100 tỷ tế bào thần kinh, hoạt động liên tục, ngay cả trong khi ngủ bởi vậy đây là cơ quan sử dụng năng lượng nhiều nhất trong cơ thể.

Nguồn năng lượng cung cấp cho não được lấy từ quá trình chuyển hóa glucose. Glucose không những là nguồn năng lượng của bộ não mà còn là nguồn năng lượng cho tất cả các tế bào cơ thể. Tuy nhiên bộ não của chúng ta là cơ quan tiêu thụ năng lượng và glucose nhiều nhất (chiếm 20% lượng glucose mà cơ thể tiêu thụ, tương đương 50% tổng năng lượng tiêu hao).

Glucose đóng vai trò trung tâm trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho các quá trình nhận thức quan trọng như suy nghĩ, trí nhớ và học tập. Glucose trong máu được thông qua hàng rào máu não để đi vào trong não và cung cấp cho các hoạt động của tế bào thần kinh. Hơn nữa, glucose không chỉ đóng vai trò là nguồn năng lượng cho não mà còn tham gia vào các chức năng điều hòa quan trọng, bao gồm đóng vai trò là chất nền cho tiền chất tổng hợp chất dẫn truyền thần kinh, duy trì cân bằng nồng độ ion qua màng, quản lý quá trình oxy hóa, căng thẳng, học tập và trí nhớ.

Mặc dù glucose rất cần thiết cho chức năng não tối ưu nhưng việc dư thừa nguồn năng lượng này có thể gây ra những tác động bất lợi. Ngoài ra, tiêu thụ glucose quá mức có liên quan đến sự thiếu hụt trí nhớ và nhận thức.

Glucose lấy từ đâu?

Glucose được giải phóng khi tiêu thụ nhiều loại thực phẩm và đồ uống có chứa các chất bột, đường (carbohydrates) khác nhau, bao gồm các thực phẩm giàu chất bột đường (gạo, ngô, khoai sắn, bánh mỳ…) và các thực phẩm chứa đường (trái cây, rau quả, mật ong, các loại đường…); hoặc được cơ thể sản xuất từ các nguồn không chứa carbohydrate (glucose có thể được tân tạo tại gan từ các acid amin sinh đường, acid béo, glycerol và acid lactic). Glucose có thể được lưu trữ dưới dạng glycogen trong gan và ở mức độ thấp hơn trong cơ.

Chuyện gì xảy ra khi não đói?

Không giống như hầu hết các cơ quan và mô khác có thể sử dụng nhiều loại chất dinh dưỡng để duy trì hoạt động, não phụ thuộc rất nhiều vào glucose để thực hiện chức năng của mình. Não cũng cực kỳ mẫn cảm với hàm lượng của glucose trong máu nhờ các tế bào thần kinh cảm nhận glucose chuyên biệt.

Các chức năng của não như suy nghĩ, trí nhớ và học tập có mối liên hệ chặt chẽ với mức glucose và mức độ hiệu quả của não sử dụng nguồn nhiên liệu này. Khi lượng glucose trong não không đủ, việc sản xuất chất dẫn truyền thần kinh bị gián đoạn, dẫn đến các tác động tiêu cực lên chức năng của não. Glucose máu hạ thấp, cơ thể phản ứng bắt đầu bằng cảm giác đói, chóng mặt, tim đập nhanh, đổ mồi hôi, có thể gây ra cảm giác bực bội, cáu gắt…, nếu đường huyết giảm sâu hơn nữa sẽ dẫn tới hôn mê. Giảm glucose não cấp tính và nghiêm trọng nhanh chóng dẫn đến suy giảm chức năng nhận thức và phản xạ, suy giảm khả năng tự chủ, co giật, mất ý thức và tổn thương não vĩnh viễn, không thể phục hồi, nếu không được khắc phục nhanh chóng, có thể gây tử vong. Não cạnh tranh với phần còn lại của cơ thể để lấy glucose khi mức độ glucose xuống rất thấp bằng cách kiểm soát chặt chẽ lượng glucose thông qua hai cơ chế chính: thứ nhất là lấy glucose trực tiếp từ máu khi tế bào thiếu năng lượng; và thứ hai là hạn chế lượng glucose cung cấp cho phần còn lại của cơ thể để cung cấp nhiều hơn cho não.

Vậy làm thế nào để cho não không bị “đói”?

Bộ não chính là “tổng chỉ huy” cho tất cả các hoạt động trong cơ thể, bởi vậy, cần chú ý không để cho não “đói” bằng cách duy trì nguồn glucose ổn định từ những bữa ăn trong ngày.

Chức năng não khỏe là nhờ “một ngày ba bữa”, trong đó năng lượng do chất bột, đường cung cấp dao động trong khoảng 55 - 65% năng lượng tổng số (Nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị cho người Việt Nam. Bộ Y tế, Viện Dinh dưỡng, năm 2016). Theo tháp dinh dưỡng hợp lý cho người Việt Nam, mỗi ngày, mỗi người trưởng thành nên đảm bảo tiêu thụ lượng ngũ cốc như gạo, ngô, khoai, sắn, bánh mỳ, miến, phở… (nhóm thực phẩm giàu tinh bột) khoảng từ 12 – 15 đơn vị ăn, mỗi đơn vị ăn cung cấp khoảng 20gam chất bột đường (glucid).

 

Ảnh minh hoạ 1 đơn vị ăn của một số loại ngũ cốc (Tháp dinh dưỡng hợp lý cho người trưởng thành.
Viện Dinh dưỡng, năm 2016)

Ảnh minh hoạ 2 đơn vị ăn của một số loại ngũ cốc (Tháp dinh dưỡng hợp lý cho người trưởng thành. Viện Dinh dưỡng, năm 2016)

Cần lưu ý rằng, mặc dù glucose là nguồn nhiên liệu quan trọng nhất cho bộ não, tuy nhiên chúng ta cũng không được quên các chất dinh dưỡng khác có vai trò cần thiết cho duy trì hoạt động của hệ thần kinh. Đó là chất đạm được sử dụng để giúp xây dựng và sửa chữa mô, chống nhiễm trùng hoặc chuyển đổi thành hormone và chất dẫn truyền thần kinh; chất béo cung cấp năng lượng, tạo thành màng tế bào và dự trữ chất béo cho các cơ quan đệm, giúp cơ thể hấp thụ một số vitamin. Bên cạnh đó, chế độ ăn cần cung cấp đủ các vi chất dinh dưỡng cần thiết cho việc sản xuất năng lượng, tổng hợp hormone và chất dẫn truyền thần kinh, bao gồm các vitamin A, B, C, D, E & K, folate (vitamin B9), flavonoid (vitamin P), sắt, iốt, canxi, magie, kẽm và selen.
 
Để cho não "khỏe" mỗi ngày chúng ta cần đảm bảo ăn đủ, đa dạng các loại thực phẩm
từ 4 nhóm chất dinh dưỡng

Bởi vậy chế độ ăn cho não “khoẻ” cần đảm bảo ăn đủ, cân đối và đa dạng các loại thực phẩm mỗi ngày; phối hợp thực phẩm nguồn gốc động vật và thực vật; sử dụng thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng như trứng, sữa và các chế phẩm từ sữa, đậu, đỗ, cá và các loại thuỷ hải sản, các loại rau, củ, quả màu sắc khác nhau mỗi ngày. Dinh dưỡng hợp lý giúp cải thiện sức khỏe não bộ, tăng cường khả năng nhận thức, dẫn đến tăng cường khả năng tập trung, trí nhớ, sự sáng tạo, cải thiện hiệu quả công việc và có sức khỏe tâm thần, chất lượng cuộc sống tốt hơn.

Ths. Bs Ngô Thị Hà Phương – Trung tâm Giáo dục truyền thông dinh dưỡng – Viện Dinh dưỡng