Giáo sư Từ Giấy - người thầy thuốc - chiến sĩ, nhà vệ sinh học quân sự

Cập nhật: 10/9/2021 - Lượt xem: 7166

Nhân dịp 100 năm ngày sinh Giáo sư Từ Giấy (10/10/1921-10/10/2021) chúng tôi xin giới thiệu bài viết của Trung tướng, bác sĩ Nguyễn Ngọc Thảo - nguyên Cục trưởng cục Quân y về Giáo sư trong cuộc Kháng chiến chống Pháp.

Anh là lớp sinh viên y khoa ưu tú đầu tiên xung phong tòng quân trong những ngày đầu Cách mạng Tháng 8. Đây là thế hệ vàng của ngành Quân y Việt Nam kế tiếp xuất sắc những bậc đàn anh là bác sĩ, dược sĩ tốt nghiệp trước Cách mạng đã bỏ phú quý, giàu sang đi kháng chiến để giành độc lập, tự do cho Tổ quốc.

Hầu hết các anh sinh viên đã trở thành những cán bộ khoa học đầu đàn, những nhà quản lý tài năng của Quân và Dân y góp phần tạo nên diện mạo của ngành Quân y hiện đại.

Tháng 4/1946, anh Từ Giấy từ đội quân Nam tiến trở về Cục Quân y được  bác sĩ Vũ Văn Cẩn giao làm báo Vui sống và phụ trách công tác phòng bệnh. Kể từ đó anh trở thành người thầy thuốc - chiến sĩ, người thầy thuốc cộng đồng.

Giáo sư Từ Giấy

Sự nghiệp đầu tiên của anh là làm báo trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn. Ngày 1/6/1946, báo Vui sống ra số đầu tiên. Tờ báo nhanh chóng chiếm được tình cảm, sự mến mộ của đông đảo chiến sĩ và nhân dân. Tháng 12/1946 cuộc kháng chiến bùng nổ, mặc dù rất khó khăn, nhưng Bác Hồ chỉ thị: "Nhất thiết phải có tờ báo hướng dẫn bộ đội và nhân dân cách ăn ở vệ sinh, đề phòng  bệnh tật, phải duy trì bằng mọi giá sự có mặt của tờ  Vui sống”. Anh Cẩn - người anh cả của ngành Quân y đã tạo mọi điều kiện để anh Từ Giấy thực hiện chỉ thị của Bác Hồ.

Những năm đầu của cuộc Kháng chiến chống Pháp, tôi là y tá ở đại đội và tiểu đoàn, báo Vui sống là người bạn thân thiết làm cho công tác quân y ở đơn vị thêm phong phú, đem lại nguồn vui cho chiến sĩ trong hoàn cảnh chiến đấu gian khó. Cái hay của báo Vui sống là nói những vấn đề khó hiểu của y học thành những vấn đề dễ hiểu và đưa ra những biện pháp khả thi để bộ đội tự bảo vệ sức khỏe của mình như rửa tay trước khi ăn, uống nước chín, ăn đũa hai đầu, đi “hố mèo”…

Tôi biết tiếng anh Từ Giấy qua báo Vui sống. Sau Hội nghị Quân y lần thứ 9 và lớp hành chính lãnh đạo tức lớp Tổ chức và Chỉ huy quân y đầu tiên của Cục Quân y, tôi được giao làm phó Ban Phòng bệnh của Phòng Quân y sư đoàn 308 sau đó được điều về làm Đội phó rồi Đội trưởng Đội Phòng dịch Cục Quân y.

Anh Từ Giấy khi đó làm Trưởng phòng Phòng bệnh Cục, tôi được sự chỉ đạo nghiệp vụ của anh và học được nhiều điều, trước hết là tinh thần tự học rất cao, anh phản đối lối học “vẹt”, học kỳ hiểu để làm việc, do đó anh thực sự là người có năng lực giải quyết những vấn đề khó khăn, phức tạp. Anh rất sáng tạo và có nhiều sáng kiến.

Anh tôn trọng ý kiến “khác” của cấp dưới, không áp đặt, sẵn sàng trao đổi thân tình và thẳng thắn để tìm ra cách giải quyết hợp lý nhất, do đó phát huy được sáng kiến của một đội ngũ cán sự phòng bệnh tuyệt vời rải khắp các đơn vị trong toàn quân nên nhiều chương trình, kế hoạch tưởng như khó khả thi thường đạt ở mức ngoài sự mong đợi.

Anh có năng khiếu đặc biệt là khả năng diễn đạt những ý tưởng của mình, những chính kiến của mình một cách vững chắc, mạch lạc nhưng rất dí dỏm, hài hước nên dễ thuyết phục người nghe. Vì vậy, sau những buổi nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ ở đơn vị thường để lại ấn tượng tốt đẹp. Đây là phẩm chất hết sức cần thiết cho những thầy thuốc cộng đồng. Tuy biết là hay, nhưng học được anh điểm này không dễ chút nào. Anh Từ Giấy toát lên một cán bộ có tinh thần trách nhiệm cao, rất say mê với nghề nghiệp, trí tuệ, tài năng, giàu sáng tạo. 

Vợ chồng Giáo sư Từ Giấy năm 2000. Ảnh: QĐND 

Vào những năm 1951-1953, quân đội mở những chiến dịch lớn như Biên giới, Hòa Bình, Tây Bắc, Thượng Lào… và chuẩn bị đánh lớn, nhưng sức khỏe bộ đội chưa được cải thiện. Bệnh sốt rét vẫn là nguyên nhân chính làm giảm quân số. Một cuộc hành quân thử nghiệm khoảng 200 km, nhưng số người khỏe về tới đích chỉ một nửa. Những người chỉ huy cao nhất của quân đội như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh - Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị chỉ thị cho Cục Quân y phải làm một cái gì đó để cải thiện tình hình sức khỏe của bộ đội. Thế là cuối 1951, Chủ nhiệm Nguyễn Chí Thanh ký Chỉ thị: "Phòng chống sốt rét và cải thiện ăn uống”. Giữa năm 1953, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp giao nhiệm vụ cho bộ đội thực hiện cuộc vận động 3 tốt: Ăn tốt, ngủ tốt, đi tốt.

Đỉnh cao của thử thách sức khỏe của bộ đội là cuộc hành quân đường dài từ căn cứ địa tiến vào Điện Biên Phủ quân số khỏe đạt trên 90% và Chỉ thị "Bình thường hóa sinh hoạt” cùng Mệnh lệnh “Bảo vệ sức khỏe” gồm 11 điều của Đại tướng Tổng chỉ huy chiến dịch đã giúp bộ đội đủ sức chiến đấu liên tục 55 ngày đêm đi đến toàn thắng ở Điện Biên Phủ.

Sau Chiến dịch Điện Biên Phủ, trong cuộc trao trả thương, bệnh binh ở gần Bắc Giang, một viên quan tư thầy thuốc Pháp hỏi anh Từ Giấy: "Tôi ở Việt Nam lâu năm, dân tộc Việt Nam lạ lắm. Có dịch tả cho phú lít (cảnh sát) vào từng nhà gọi đi tiêm phòng họ cũng không chịu đi. Ở Điện Biên Phủ vừa rồi chúng tôi chỉ mong có một vụ dịch xảy ra, nó sẽ làm hao hụt quân số và sức chiến đấu của cả các ông và của chúng tôi, chúng ta hai bên sẽ phải ngừng chiến đấu vì không còn quân để đánh nhau và cả hai đều thoát ra khỏi cuộc chiến trong danh dự vì không có người thắng và không có kẻ bại. Tôi xin hỏi ông tại sao bệnh dịch chờ đợi đó lại không xảy ra, mặc dù tôi biết là hoàn cảnh bảo đảm chiến đấu của các ông hết sức khó khăn?". 

Anh Từ Giấy lúc đó không đủ thời gian trả lời, sau đó có bức thư ngỏ gửi quan tư thầy thuốc Pháp đó đăng trên báo Quân đội Nhân dân về bí quyết “3 tốt trong hành quân” và “Mệnh lệnh bảo vệ sức khỏe” gồm 11 điều trong chiến dịch.

Chiến dịch Điện Biên Phủ nhìn từ góc độ y tế là đỉnh cao về công tác Vệ sinh, phòng dịch của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Bác sĩ Từ Giấy - người thầy thuốc chiến sĩ, người thầy thuốc y tế cộng đồng đã trưởng thành trong khói lửa trở thành nhà Vệ sinh học quân sự đầu tiên của ngành Quân y Việt Nam.

GS. Từ Giấy (1921-2009) đã dành cả đời mình để cống hiến cho khoa học. Ông là tấm gương mẫu mực về tinh thần ham học hỏi, cầu thị, tinh thần sáng tạo không mệt mỏi vì sự nghiệp chung của đất nước.

Ông vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, Thầy thuốc Nhân dân, Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ, Huân chương Độc lập hạng Nhì, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng.

Ông là Viện trưởng sáng lập Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cũng là người đề xuất, xây dựng và phát triển hệ sinh thái Vườn - Ao - Chuồng (VAC); là người đặt nền móng cho ngành dinh dưỡng ở Việt Nam. Năm 2008, Ông được Uỷ ban Dinh dưỡng thuộc Liên hiệp quốc vinh danh là “Huyền thoại sống của ngành dinh dưỡng thế giới”.

Nguồn: Báo vietnamnet.vn