Hà Nội, ngày 18 tháng 12 năm 2024 – Hội nghị tổng kết thực hiện hoạt động cải thiện dinh dưỡng thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững và Chiến lược quốc gia dinh dưỡng năm 2022-2024, định hướng kế hoạch năm 2025 đã được tổ chức tại Viện Dinh dưỡng.
Vụ Sức khỏe bà mẹ trẻ em và Viện Dinh dưỡng tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Chiến lược quốc gia dinh dưỡng và hoạt động cải thiện dinh dưỡng thuộc chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2024, định hướng kế hoạch năm 2025 cho 63 tỉnh thành phố trên toàn quốc tại Hà Nội với với sự tham gia của lãnh đạo và cán bộ làm công tác dinh dưỡng các tỉnh để đánh giá lại công tác triển khai các hoạt động cải thiện dinh dưỡng trong năm qua, cùng nhau nhìn nhận những gì đã làm được, những khó khăn vướng mắc để cùng tháo gỡ trong thời gian tới, để toàn ngành cùng quyết tâm phấn đấu đạt được các mục tiêu đề ra của Kế hoạch hành động và Chương trình Mục tiêu quốc gia nhằm “Thực hiện dinh dưỡng hợp lý để cải thiện tình trạng dinh dưỡng phù hợp với từng đối tượng, địa phương, vùng, miền, dân tộc, góp phần giảm thiểu gánh nặng bệnh tật, nâng cao tầm vóc, thể lực và trí tuệ của người Việt Nam”, đặc biệt chú trọng đến cải thiện tình trạng dinh dưỡng của bà mẹ, trẻ em thuộc các hộ gia đình nghèo trên toàn quốc, góp phần giảm nghèo đa chiều, giảm nghèo một cách bền vững.
Phát biểu tại hội nghị tổng kết, PGS.TS. Trần Thanh Dương, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng, Bộ Y tế cho biết, Việt Nam đang phải đối mặt với ba gánh nặng về dinh dưỡng bao gồm suy dinh dưỡng thể thiếu (đặc biệt là suy dinh dưỡng thể thấp còi); thừa cân béo phì và thiếu vi chất dinh dưỡng. Đến năm 2023, theo kết quả của hệ thống giám sát dinh dưỡng toàn quốc, tỷ lệ suy dinh dưỡng nhẹ cân của trẻ dưới 5 tuổi còn 9,7%, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi là 18,2% và tỷ lệ suy dinh dưỡng gày còm là 4,4% trong khi đó thừa cân béo phì ở trẻ em dưới 5 tuổi đã tăng đến 9,4%.
PGS.TS. Trần Thanh Dương, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng phát biểu tại hội nghị
Trong hội nghị, BS.CKII Nguyễn Văn Chi - Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em khẳng định dinh dưỡng là vấn đề trọng tâm được quan tâm của Nhà nước, chính phủ, thể hiện bằng ba chương trình Mục tiêu Quốc gia (MTQG) đã được Chính phủ phê duyệt, bao gồm Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; Chương trình MTQG Phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 và Chương trình MTQG Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 đều có các nội dung cải thiện dinh dưỡng, ưu tiên cho bà mẹ và trẻ em.
BS.CKII Nguyễn Văn Chi - Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em phát biểu tại hội nghị
Hội nghị được nghe Báo cáo kết quả thực hiện Chiến lược Quốc gia về Dinh dưỡng giai đoạn 2022 -2024 và Kế hoạch thực hiện 2025; Báo cáo kết quả thực hiện CTMTQG Giảm nghèo bền vững 2024 và định hướng 2025 và Hướng dẫn triển khai các hoạt động đánh giá 16 chỉ tiêu thuộc hoạt động của Chiến lược Dinh dưỡng quốc gia năm 2025.
Về kết quả thực hiện Chiến lược Quốc gia về Dinh dưỡng quốc gia trong năm vừa qua, cấp Trung ương và địa phương đã tích cực thực hiện danh mục nhiệm vụ, trong đó cấp Trung ương đang triển khai 79 nhiệm vụ trong 126 nhiệm vụ được giao và cấp tỉnh thành phố đang triển khai 28 nhiệm vụ trong tổng 60 nhiệm vụ nhiệm vụ được giao. Theo TS. Nguyễn Song Tú, trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Viện Dinh dưỡng, Điều phối viên chương trình, trong giai đoạn tới chương trình sẽ tập trung triển khai các hoạt động nhằm thực hiện các nhiệm vụ đã được phân công theo Quyết định số 1294/QĐ-BYT ngày 19/5/2022 của Bộ Y tế về việc Ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng đến năm 2025, trong đó tập trung vào giải quyết các nhiệm vụ trọng tâm như nâng cao năng lực hệ thống triển khai Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng, hoàn thiện cơ chế chính sách về dinh dưỡng , xây dựng hệ thống giám sát, theo dõi, báo cáo số liệu, chỉ số, hoạt động dinh dưỡng hợp lý, an toàn nhằm chăm sóc và nâng cao sức khỏe và tầm vóc của người dân và tăng cường các hoạt động cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em và thực hiện các đề án dinh dưỡng và tăng cường truyền thông về dinh dưỡng.
TS. Nguyễn Song Tú, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Viện Dinh dưỡng báo cáo tại hội nghị
Trong hội nghị, TS. Huỳnh Nam Phương, Trưởng phòng Quản lý khoa học, Viện Dinh dưỡng, điều phối viên Chương trình Mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững (MTQG GNBV) đã báo cáo về kết quả công tác giám sát chương trình năm 2024. Chương trình đã đạt được nhiều thành tựu trong năm 2024 với những con số biết nói. Trong năm 2024, tại địa bàn các xã thuộc QĐ353/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ tổng số trẻ em dưới 5 tuổi được bổ sung đa vi chất dinh dưỡng là 25.733 trẻ, trong đó có 11.852 trẻ em gái. Số phụ nữ mang thai được bổ sung đa vi chất dinh dưỡng là 42.595. Tổng cộng, 214.183 bà mẹ có con dưới 5 tuổi và bà mẹ mang thai đã được tư vấn dinh dưỡng. Số trẻ được theo dõi và quản lý suy dinh dưỡng cấp tính tại cộng đồng là 11.011 trẻ, trong đó có 4.946 trẻ gái. Ngoài ra, 416.454 trẻ em từ 5-16 tuổi đã nhận tư vấn dinh dưỡng, trong đó có 204.388 trẻ em gái. Cũng trong độ tuổi này, 29.990 trẻ em suy dinh dưỡng đã được bổ sung đa vi chất dinh dưỡng, bao gồm 14.172 trẻ em gái. Bên cạnh đó, các xã không thuộc QĐ353/QĐ-TTg cũng đạt được những thành tựu đáng kể.
TS. Huỳnh Nam Phương, Trưởng phòng Quản lý khoa học, Viện Dinh dưỡng báo cáo tại hội nghị
Tính đến ngày 30/11/2024, chương trình đã đạt được một số chỉ tiêu đặt ra bao gồm chỉ tiêu về tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi của trẻ dưới 5 tuổi là 24,9%, giảm so với tỷ lệ năm 2023 (26,43%) đạt so với mục tiêu đặt ra là dưới 34%, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi trẻ em lứa tuổi học đường từ 5 tuổi đến dưới 16 tuổi là 24,75% giảm so với mức 25,57% năm 2023 và đạt so với mục tiêu là dưới 34%; Tăng tỷ lệ trẻ em 6-23 tháng tuổi sinh sống trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo ăn bổ sung đúng, đủ lên 50% (là 54,84% năm 2024). Chỉ tiêu về phụ nữ mang thai sinh sống trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo được cung cấp miễn phí vi chất dinh dưỡng từ khi phát hiện mang thai đến 01 tháng sau sinh đạt 73,66% gần với mục tiêu đặt ra do do sản phẩm được hỗ trợ miễn phí từ nguồn viện trợ (do Viện Dinh dưỡng cấp trực tiếp cho các tỉnh theo đề xuất nhu cầu). Một số chỉ tiêu còn rất thấp như, chỉ tiêu về bổ sung vi chất dinh dưỡng trẻ em dưới 16 tuổi suy dinh dưỡng thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được bổ sung vi chất dinh dưỡng, hiện tại tỷ lệ trên toàn quốc 25,0% (thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu đặt ra là 80%). Các hoạt động của Chương trình đã được triển khai rộng rãi trong tất cả các cấp từ trung ương đến địa phương. Một số khó khăn gặp phải trong quá trình triển khai chương trình chủ yếu vào là việc triển khai chậm và không đồng đều giữa các địa phương ít nhiều cũng ảnh hưởng tới các bà mẹ mang thai và trẻ dưới 2 tuổi tại 1.089 xã ưu tiên và trẻ em ở các hộ nghèo khác trên phạm vi toàn quốc bị bỏ lỡ "cửa sổ cơ hội" để được nhận các can thiệp dinh dưỡng thiết yếu.
Cũng trong hội nghị các đại biểu đã được nghe ba bài tham luận của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Kon Tum và Phòng Y tế huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên về kế hoạch hoạt động triển khai Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2022-2024 và kế hoạch 2025; chương trình MTQG GNBV và đề xuất giai đoạn 2. Theo đó các địa phương đã đạt được một số thành tích đáng ghi nhận trong giai đoạn vừa qua.
Theo tham luận tại hội nghị, Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành nhiều văn bản định hướng như quyết định 2297/QĐ-UBND ngày 24/06/2021 phê duyệt Đề án phát triển y tế cộng đồng, thực hiện bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khoẻ của người dân tại thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 – 2030 trong đó có 7/41 chỉ tiêu về dinh dưỡng. Kế hoạch số 2113/KHUBND thực hiện Chiến lược Quốc gia về Dinh dưỡng từ nay đến năm 2030 được ban hành ngày 19 tháng 04 năm 2024 với 21 chỉ tiêu. Tại thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức sàng lọc, theo dõi tình trạng dinh dưỡng cho trẻ dưới 5 tuổi, khám sức khỏe định kỳ cho trẻ từ 0 – 24 tháng, theo dõi tình trạng dinh dưỡng trẻ < 16 tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, quản lý, tư vấn, phục hồi suy dinh dưỡng cho trẻ tại trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố Hồ Chí Minh, trạm y tế; tổ chức khám sức khoẻ học sinh (> 98,0%); Giáo dục dinh dưỡng, giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong trường học; Tổ chức bữa ăn học đường bảo đảm an toàn thực phẩm, xây dựng thực đơn đáp ứng nhu cầu khuyến nghị. Năm 2023, thành phố HCM đã đạt được một số chỉ tiêu về tỷ lệ trẻ 6-23 tháng tuổi có chế độ ăn đúng, đủ (đạt 36,9% (số liệu năm 2020) so với mục tiêu là 50%), tỷ lệ người trưởng thành tiêu thụ đủ số lượng rau quả hàng ngày (đạt 23,0% so với mục tiêu là 55%), tỷ lệ trẻ dưới 6 tháng tuổi được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ (đạt 32,6% so với mục tiêu là 40%.
Trong hội nghị, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Kon Tum đã có báo cáo tham luận chia sẻ kinh nghiệm về tăng độ bao phủ và chất lượng các can thiệp dinh dưỡng của CTMTQG giảm nghèo bền vững tại địa phương. Một số kết quả đáng ghi nhận bao gồm 78% tổng số trẻ (3.407/4.367 trẻ) dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng được bổ sung đa vi chất dinh dưỡng; 16.926 bà mẹ có con dưới 5 tuổi và bà mẹ mang thai được tư vấn dinh dưỡng; 60 trẻ dưới 5 tuổi được tổng số trẻ em được điều trị, theo dõi và quản lý SDD cấp tính tại cộng đồng. Với trẻ lứa tuổi học đường, toàn tỉnh có 8.091/12.299 trẻ (tỷ lệ 65,8%) trẻ em từ 5 đến dưới 16 tuổi được bổ sung đa vi chất dinh dưỡng; 12.496 trẻ tổng số trẻ em từ 5 đến dưới 16 tuổi được tư vấn dinh dưỡng, 372 trẻ gái 12-16 tuổi có kinh nguyệt được bổ sung vi chất sắt.
Tham luận của Phòng Y tế huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên cho biết huyện Tuần Giáo là 1 trong 7 huyện nghèo của tỉnh Điện Biên với 90% là người dân tộc thiểu số (Dân tộc Thái chiếm 59,03%, dân tộc Mông chiếm 25,79%). Huyện Tuần Giáo đã triển khai nhiều hoạt động của chương trình từ năm 2023 bao gồm cung cấp các dịch vụ tư vấn dinh dưỡng cho bà mẹ từ lúc mang thai cho đến khi trẻ được 2 tuổi và bổ sung vi chất dinh dưỡng cho các lứa tuổi. Huyện Tuần Giáo đã tổ chức 3.974 lượt tư vấn dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai, bà mẹ nuôi con nhỏ dưới 2 tuổi về dinh dưỡng trong 1000 ngày đầu đời; Tỷ lệ phụ nữ mang thai được bổ sung viên đa vi chất đạt 93,5% (1.908/2.044 người); 84,9% tổng số trẻ từ 6-59 tháng bị SDD thấp còi được bổ sung vi chất dinh dưỡng 2.002/2.359 , Tổng số trẻ từ 5 tuổi đến dưới 16 tuổi bị suy dinh dưỡng thấp còi được bổ sung vi chất là 2.545/4.999 trẻ (tập trung ở nhóm tuổi 5 tuổi đến dưới 10 tuổi); Tổng số trẻ em gái vị thành niên được bổ sung vi chất sắt 3.328 trẻ.
Hội nghị cũng dành thời gian để các đại biểu thảo luận về một số tồn tại hạn chế trong quá trình triển khai tại các địa phương bao gồm: việc hướng dẫn, quản lý sử dụng sản phẩm dinh dưỡng đối với các đối tượng thụ hưởng chưa được chặt chẽ, chưa đánh giá được hiệu quả sử dụng sản phẩm; các sản phẩm dinh dưỡng để hỗ trợ cho công tác phòng chống suy dinh dưỡng bảo đảm đáp ứng yêu cầu chuyên môn lại chưa được cung cấp rộng rãi trên thị trường. Bên cạnh đó chươn trình thành công nhờ sự phối hợp liên ngành, sự chỉ đạo quyết liệt của Uỷ ban nhân dân các cấp và Sở y tế là điểm nổi bật trong những thành công của địa phương khi triển khai chương trình; giám sát chặt chẽ của Hội đồng nhân dân tỉnh; cùng với đó là sự hỗ trợ kỹ thuật của Viện Dinh dưỡng, Bộ Y tế. Một số đề xuất của các địa phương đã được đưa ra trong hội nghị. Địa phương cần chủ động củng cố mạng lưới dinh dưỡng địa phương, tập huấn cập nhật kiến thức - kỹ năng; Phát huy vai trò của Sở, Ban ngành. Bộ Y tế cần đưa ra Chính sách, qui định … hỗ trợ giải quyết gia tăng tình trạng thừa cân béo phì; tiếp tục cung cấp vitamin A liều cao cho địa phương; suất ăn bệnh lý được BHYT chi trả và nghiên cứu bổ sung hướng dẫn về việc quản lý, cấp, phát sản phẩm dinh dưỡng và đánh giá hiệu quả sau khi sử dụng sản phẩm.
Cũng trong hội nghị, Trung tâm Giáo dục truyền thông dinh dưỡng giới thiệu các tài liệu truyền thông được xây dựng cho Chương trình MTQG GNBV với 20 loại tờ rơi, 5 loại áp phích, đặc biệt trong đó có 8 tờ rơi được thiết kế sử dụng cho người Thái và người Mông.
Hội nghị tổng kết được tổ chức có sự đồng hành của Tập đoàn TH, một doanh nghiệp trong ngành thực phẩm, mang theo khát vọng “Vì tầm vóc Việt”. Những mục tiêu lớn của các hoạt động dinh dưỡng quốc gia cũng chính là những giá trị cốt lõi mà Tập đoàn TH hướng tới, thể hiện qua sứ mệnh và tầm nhìn: “Con người là chủ thể của xã hội, là nguồn lực quyết định sự phát triển đất nước. Sự phát triển thể lực, trí lực và tâm hồn của mỗi cá nhân là rất quan trọng. Một quốc gia chỉ vững mạnh khi con người được phát triển toàn diện cả thể lực và trí lực, trong đó yếu tố tiên quyết cho sự phát triển này không những là nguồn dinh dưỡng thiết yếu như lúa, gạo, thực phẩm mà cần có một chế độ chăm sóc sức khỏe bền vững. Đầu tư vào phát triển thể lực và trí lực là phát triển nòi giống của dân tộc, là đầu tư vào phát triển bền vững mang tính chiến lược quốc gia.”
TS. Huỳnh Nam Phương, Trưởng phòng Quản lý khoa học, Viện Dinh dưỡng
Một số hình ảnh tại Hội nghị