Dinh dưỡng cho cộng đồng trong tình trạng khẩn cấp

Cập nhật: 10/7/2024 - Lượt xem: 355

Dinh dưỡng cho cộng đồng trong tình trạng khẩn cấp là việc tổ chức, cung cấp thực phẩm phù hợp, đầy đủ, hỗ trợ dinh dưỡng cho các cá nhân và cộng đồng bị ảnh hưởng bởi các cuộc khủng hoảng như thiên tai, dịch bệnh, xung đột vũ trang, nhằm ngăn ngừa, giải quyết tình trạng suy dinh dưỡng, hỗ trợ sức khỏe toàn diện và giảm nguy cơ mắc bệnh ở những người bị ảnh hưởng bởi tình trạng khẩn cấp.

Dinh dưỡng cho cộng đồng trong tình trạng khẩn cấp bao gồm:

1. Đảm bảo cung cấp đủ năng lượng: là đảm bảo các cá nhân, cộng đồng được nhận đủ thực phẩm để cung cấp đủ năng lượng cho họ, giúp cho các cá nhân, cộng đồng đó ngăn ngừa nguy cơ suy dinh dưỡng, hỗ trợ hoạt động thể chất và duy trì sức khỏe.

2. Cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng thiết yếu: Cung cấp một lượng cân bằng các chất dinh dưỡng thiết yếu là điều rất quan trọng để duy trì hoạt động bình thường của cơ thể, bao gồm các chất dinh dưỡng đa lượng (như carbohydrate, protein và chất béo) và vi lượng (như các vitamin và khoáng chất). Thiếu các chất dinh dưỡng thiết yếu liên tục trong thời gian dài có thể dẫn tới những nguy cơ về sức khỏe như: suy dinh dưỡng, sụt cân…

Cung cấp món ăn chứa các chất dinh dưỡng thiết yếu 

3. Đảm bảo nguồn nước an toàn, vệ sinh: Việc được tiếp cận với nguồn nước uống sạch, an toàn là điều vô cùng quan trọng và cần thiết để ngăn ngừa tình trạng mất nước và các căn bệnh do nguồn nước không đảm bảo vệ sinh gây ra. Do đó tạo ra nguồn nước sạch, đảm bảo an toàn, vệ sinh hoặc cung cấp nước sạch là một trong những công việc thiết yếu trong đảm bảo dinh dưỡng cho cộng đồng trong tình trạng khẩn cấp.

4. Điều trị suy dinh dưỡng: Trong tình huống khẩn cấp, nguy cơ suy dinh dưỡng cấp tính thường tăng cao. Trường hợp suy dinh dưỡng cấp tính nặng (đặc biệt là ở trẻ nhỏ và phụ nữ có thai) thì các đối tượng cần được phát hiện sớm và điều trị suy dinh dưỡng. Điều trị suy dinh dưỡng bao gồm cung cấp thực phẩm chuyên biệt được sản xuất theo công thức đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng đặc hiệu để điều trị suy dinh dưỡng.

5. Nuôi dưỡng trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ: Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có sức đề kháng và hệ miễn dịch yếu hơn so với người trưởng thành, việc đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ cho các đối tượng này là điều vô cùng thiết yếu. Các hoạt động cần thực hiện gồm: thúc đẩy nuôi con bằng sữa mẹ, hỗ trợ người mẹ thực hiện nuôi con bằng sữa mẹ và tăng cường khả năng tiếp cận các thực phẩm bổ sung an toàn, phù hợp cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Cần quản lý việc nhận hàng cứu trợ và cấp phát sữa thay thế sữa mẹ theo đúng quy định, đúng đối tượng để tránh làm tổn hại thực hành nuôi con bằng sữa mẹ.

Nuôi con bằng sữa mẹ vô cùng quan trọng trong tình trạng khẩn cấp

6. Sàng lọc và đánh giá dinh dưỡng: Cần sàng lọc và đánh giá dinh dưỡng thường xuyên để phát hiện và theo dõi tỷ lệ suy dinh dưỡng trong các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi trường hợp khẩn cấp, nhằm hướng dẫn các biện pháp can thiệp có mục tiêu và đảm bảo những cá nhân có nhu cầu sẽ nhận được sự hỗ trợ phù hợp.

7. Cung cấp thức ăn bổ sung: Trong những trường hợp mà các cá nhân, cộng đồng trong tình trạng khẩn cấp bị hạn chế khả năng tiếp cận với chế độ ăn uống đa dạng và cân bằng, có thể thực hiện các chương trình bổ sung dinh dưỡng. như cung cấp, tăng cường tiếp cận với các thực phẩm bổ sung hoặc các sản phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng cho các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương như phụ nữ mang thai, đang cho con bú, trẻ nhỏ và người già.

8. Giáo dục dinh dưỡng: Cung cấp giáo dục và tư vấn dinh dưỡng là điều cần thiết để thúc đẩy thực hành ăn uống lành mạnh, hợp lý, đặc biệt khi nguồn cung cấp thực phẩm có thể bị hạn chế hoặc biến động. Giáo dục dinh dưỡng giúp các cá nhân và cộng đồng lựa chọn, chế biến và sử dụng thực phẩm đúng cách. Giáo dục dinh dưỡng cần được tiến hành trước khẩn cấp như một sự chuẩn bị tốt để ứng phó trong và sau khẩn cấp.

9. Tích hợp với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe: Các dịch vụ dinh dưỡng trong trường hợp khẩn cấp thường được tích hợp với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe để đảm bảo rằng các can thiệp dinh dưỡng luôn phối hợp với chăm sóc y tế, giải quyết các tình trạng sức khỏe tiềm ẩn và cải thiện sức khỏe tổng thể.

10. Phục hồi lâu dài: Ngoài hỗ trợ dinh dưỡng ngay lập tức, cần tiến hành các biện pháp để thúc đẩy khả năng phục hồi và cung cấp lương thực bền vững trong các cộng đồng dân cư bị ảnh hưởng bởi tình trạng khẩn cấp, như hỗ trợ nông nghiệp, phát triển trồng vườn cộng đồng và các hoạt động cải thiện thu nhập cho hộ gia đình để tăng cường an ninh lương thực và dinh dưỡng.

Dinh dưỡng cho cộng đồng trong tình trạng khẩn cấp là một lĩnh vực phức tạp đòi hỏi sự phối hợp giữa nhiều ban ngành, bao gồm chính phủ, các tổ chức nhân đạo, chuyên gia y tế và cộng đồng. Do đó cần có hệ thống cảnh báo và thông tin cần được cập nhật thường xuyên, liên tục để ứng phó kịp thời. Mục tiêu của dinh dưỡng cho cộng đồng trong tình trạng khẩn cấp là giải quyết nhu cầu dinh dưỡng của các cá nhân và quần thể trong các tình huống khủng hoảng, giảm nguy cơ biến chứng liên quan đến suy dinh dưỡng, đồng thời hỗ trợ sức khỏe và hạnh phúc nói chung.

TS. Trần Châu Quyên - Trưởng khoa Khám tư vấn dinh dưỡng trẻ em - Viện Dinh dưỡng