Hội thảo chuyên đề Nhật Bản - Việt Nam về cải thiện thực hành ăn dặm trong 1000 ngày đầu đời cho trẻ em Việt Nam

Cập nhật: 10/7/2024 - Lượt xem: 231

Suy dinh dưỡng thấp còi tăng đột ngột ở nhóm 6 tháng tuổi khi chỉ bú sữa mẹ đơn thuần không thể cung cấp đủ nhu cầu năng lượng, protein, vitamin và khoáng chất. Ở Việt Nam có đến 19.6% trẻ em dưới năm tuổi bị thấp còi, 16.2% bị thiếu máu, 8.9% bị thiếu vitamin A và 53.3% bị thiếu kẽm (theo Tổng điều tra 2020). Cho ăn bổ sung hợp lý cùng với việc chăm sóc và phòng bệnh đầy đủ, có thể giúp trẻ tăng trưởng và phát triển hết khả năng của mình, phòng ngừa thấp còi và thiếu hụt các vitamin và khoáng chất. Việc bắt đầu cho ăn bổ sung cũng là một cơ hội quan trọng để hình thành thói quen ăn uống lành mạnh suốt cuộc đời sau này và đảm bảo cho trẻ không bị thừa cân và mắc các bệnh không lây nhiễm như đái tháo đường, tăng huyết áp sau này. Chính phủ Việt Nam đã cam kết thanh toán tất cả các dạng suy dinh dưỡng vào năm 2030 (Mục tiêu Phát triển Bền vững 2) và giảm thấp còi là nhiệm vụ trọng tâm của Chiến lược Quốc gia về Dinh dưỡng giai đoạn 2011-2020 và Kế hoạch Hành động Quốc gia về Dinh dưỡng giai đoạn 2017-2020. Hỗ trợ ăn bổ sung hợp lý là cần thiết để tăng cường nguồn nhân lực và phát triển kinh tế cho Việt Nam. 

Nhằm tăng cường phổ biến các kiến thức về chăm sóc dinh dưỡng trong 1000 ngày đầu đời ở trẻ em, Viện Dinh dưỡng phối hợp với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Công ty Cổ phần Asahi Group Foods và Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam tổ chức Hội thảo chuyên đề Nhật Bản - Việt Nam về cải thiện thực hành ăn dặm trong 1000 ngày đầu đời cho trẻ em Việt Nam ngày 28/9/2024 tại Hà Nội. Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia đến từ Nhật Bản và Việt Nam với nội dung: Chia sẻ các thông tin liên quan về thực trạng dinh dưỡng và thực hành ăn bổ sung ở trẻ nhỏ tại Việt Nam và Học tập kinh nghiệm của các chuyên gia Nhật Bản liên quan đến hướng dẫn thực hành ăn bổ sung cho trẻ nhỏ.

Hội thảo có sự tham gia của 130 đại biểu với sự có mặt của Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam – ngài Naoki Ito, Ông Sugano Yuichi, Trưởng Đại diện văn phòng Việt Nam của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Ông Furusawa Yasuyuki - Tổng giám đốc Aeon Việt Nam, Ông Kawahara Hiroshi- Chủ tịch kiêm Giám đốc đại diện của Công ty cổ phần Asahi Group Foods, các đại biểu đến từ các Cục, Vụ, Viện thuộc Bộ Y tế, các bệnh viện, trường Đại học Y dược, các Hội nghề nghiệp, các tổ chức quốc tế và các doanh nghiệp.

Phát biểu tại Hội thảo, PGS TS Trần Thanh Dương – Viện trưởng Viện Dinh dưỡng, Chủ trì Hội thảo đã chia sẻ “Việt Nam đang phải đối phó đồng thời 3 gánh nặng về dinh dưỡng, bao gồm thiếu dinh dưỡng, thừa dinh dưỡng và thiếu vi chất dinh dưỡng. Bên cạnh thực trạng suy dinh dưỡng thấp còi vẫn còn tồn tại dai dẳng ở các khu vực khó khăn, nông thôn miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì thừa cân béo phì đang gia tăng nhanh chóng đặc biệt ở khu vực đô thị. Những vấn đề dinh dưỡng trẻ em này sẽ làm chậm lại sự phát triển về tầm vóc, thể lực và trí tuệ cũng như gia tăng gánh nặng của các bệnh không lây nhiễm khi trưởng thành. Một trong nhưng nguyên nhân của vấn đề là thực hành dinh dưỡng chưa tối ưu, đặc biệt là thực hành cho trẻ ăn bổ sung khi trẻ được 6 đến 23 tháng tuổi. Đây là lứa tuổi trẻ tập làm quen với thức ăn gia đình, chuyển tiếp từ bú mẹ sang ăn cứng, khả năng miễn dịch chưa phát triển đầy đủ, dễ tiếp cận với các nguồn gây bệnh, các chức năng sinh lý, giải phẫu và tâm lý còn chưa hoàn chỉnh. Do đó các vấn đề dinh dưỡng xuất hiện nhiều ở lứa tuổi này. Thực phẩm ăn bổ sung và thực hành nuôi dưỡng đầy đủ và hợp lý có thể giúp phòng chống SDD thấp còi và hình thành thói quen ăn uống lành mạnh, phòng chống Thừa cân béo phì”.

Ông Sugano Yuichi, Trưởng Đại diện JICA phát biểu tại Hội nghị “Với mục tiêu góp phần giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội mà các quốc gia đang phát triển gặp phải, năm 2022 JICA đã tuyển chọn và triển khai thực hiện “Dự án khảo sát kiểm chứng thương mại hóa cải thiện sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em trong 1.000 ngày đầu đời tại Việt Nam” dựa trên đề xuất của Công ty cổ phần Asahi Group Foods (Trụ sở chính tại Tokyo, Chủ tịch Kawahara Hiroshi). Đây là một trong các dự án thuộc khuôn khổ Chương trình Hỗ trợ Doanh nghiệp vừa và nhỏ hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs). Đóng vai trò là một phần trong hoạt động của dự án, “Hội thảo chuyên đề Nhật Bản - Việt Nam về cải thiện thực hành ăn dặm trong 1000 ngày đầu đời cho trẻ em Việt Nam” đã được tổ chức vào ngày 28 tháng 09 năm 2024 tại Hà Nội, với sự phối hợp giữa Viện Dinh dưỡng Quốc gia Việt Nam và các bên liên quan”.

Tại Hội thảo, có 5 báo cáo được trình bày từ các diễn giả Việt Nam và Nhật Bản:

 -  Thực trạng dinh dưỡng và nuôi dưỡng trẻ nhỏ tại Việt Nam

 -  Báo cáo kết quả khảo sát áp dụng thực hành ăn bổ sung kiểu Nhật tại Việt Nam.

 -  Báo cáo về thực trạng ăn bổ sung tại Việt Nam và khả năng tiếp nhận sản phẩm ăn bổ sung kiểu Nhật

 -  Xây dựng và phổ biến hướng dẫn thực hành ăn bổ sung cho trẻ em Việt Nam

-  Một số kinh nghiệm của Nhật Bản trong “Hướng dẫn cho con bú và ăn dặm” về cách thực hành ăn bổ sung và hỗ trợ người chăm sóc.

Nhân hội thảo này, Asahi đã chia sẻ kế hoạch hợp tác với Viện Dinh dưỡng để triển khai xây dựng Hướng dẫn thực hành ăn bổ sung cho trẻ em Việt Nam, cũng như ký kết thỏa thuận hợp tác với Công ty cổ phần Vacxin Việt Nam VNVC trong việc nâng cao nhận thức về thực hành ăn bổ sung và phân phối thực phẩm ăn dặm. Đây là những hỗ trợ có tính chất thiết thực trong việc xây dựng những tài liệu chuyên môn của ngành y tế và đưa vào ứng dụng trong cộng đồng. Những hỗ trợ này một lần nữa khẳng định mối quan hệ hợp tác chiến lược vì hòa bình và thịnh vượng của Việt Nam và Nhật Bản đã duy trì hơn 50 năm qua cũng như khẳng định sự hợp tác của các doanh nghiệp với các cơ quan chính phủ vì lợi ích của cộng đồng.

Một số hình ảnh tại Hội thảo

PGS. TS. Trần Thanh Dương – Viện trưởng Viện Dinh dưỡng khai mạc Hội thảo

Toàn thể đại biểu của Hội thảo chụp ảnh lưu niệm

Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, ngài Naoki Ito phát biểu chào mừng Hội thảo

GS. Chiharu Tsutsumi - Khoa sức khỏe và dinh dưỡng, Đại học Nữ Sagami, thành viên
ban biên soạn Hướng dẫn
hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ và cai sữa” (ấn bản 2007, 2019)
và là tác giả của cuốn sách Ăn dặm kiểu Nhật phiên bản tiếng Việt.

TS. Huỳnh Nam Phương - Trưởng phòng Quản lý khoa học - Viện Dinh dưỡng