Sức đề kháng là khả năng cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh đến từ virus, vi khuẩn, thay đổi thời tiết… Suy giảm hệ miễn dịch là nguyên nhân chính gây suy giảm sức đề kháng. Một hệ thống miễn dịch khỏe mạnh giúp trẻ giảm nguy cơ nhiễm virus và vi khuẩn, chống lại tác nhân gây bệnh.
Hệ thống miễn dịch được tạo thành từ một mạng lưới các tế bào, mô và cơ quan phối hợp với nhau. Mỗi người, hệ thống này sẽ mạnh yếu khác nhau do các yếu tố như tuổi tác, thói quen ăn uống và lối sống. Một hệ thống miễn dịch khỏe có thể làm giảm nguy cơ nhiễm virus và vi khuẩn, chống lại tác nhân gây bệnh, giảm bớt thời gian điều trị và tăng tốc độ phục hồi sau khi khỏi bệnh.
Khi mới sinh ra, cơ thể trẻ còn non yếu, hệ miễn dịch chưa được hoàn thiện, vì vậy sức đề kháng còn kém. Ở cùng một lứa tuổi, cùng một điều kiện chăm sóc và môi trường sống nhưng khi phải đối diện với tác nhân gây bệnh từ bên ngoài như dịch bệnh, thay đổi thời tiết, thì có trẻ mắc bệnh, có trẻ lại không. Điều này là do sự khác biệt về hệ thống miễn dịch. Trẻ hay bị ốm, dễ mắc các bệnh nhiễm trùng là biểu hiện của hệ thống miễn dịch yếu và chế độ dinh dưỡng chưa tốt.
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh sự thiếu hụt protein hoặc axit amin trong chế độ ăn uống có thể làm suy giảm chức năng miễn dịch, giảm khả năng chống lại sự xâm nhập của vius, vi khuẩn gây bệnh. Các amino acid hấp thu trong cơ thể do protein cung cấp có vai trò quan trọng như: là thành phần chính của kháng thể giúp cơ thể chống lại các bệnh nhiễm khuẩn, thực hiện chức năng miễn dịch và là thành phần của các men, nội tiết tố trong hoạt động chuyển hóa của cơ thể.
Như vậy, để có sức đề kháng tốt, ít bị bệnh, cơ thể phát triển tốt, bé cần một chế độ dinh dưỡng đủ, đa dạng, cân đối và hợp lý theo nhu cầu lứa tuổi. Một số hướng dẫn trong chế độ dinh dưỡng hàng ngày cho trẻ ở từng độ tuổi khác nhau để phụ huynh có thể áp dụng.
Nuôi con bằng sữa mẹ
Cần cho trẻ bú sớm ngay sau khi sinh, bú hoàn toàn sữa mẹ ít nhất trong 6 tháng đầu. Cho bú đến 24 tháng tuổi hoặc lâu hơn và tiêm phòng vắc xin là cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe của trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ.
Sữa mẹ là nguồn thức ăn tự nhiên tốt nhất cho trẻ, có đầy đủ các thành phần dinh dưỡng với tỷ lệ cân đối phù hợp với hệ tiêu hóa và hấp thu của trẻ. Sữa mẹ còn có kháng thể giúp bé tăng cường sức đề kháng, chống lại các bệnh nhiễm trùng. Việc nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu, còn giúp cung cấp kháng thể từ mẹ cho trẻ, giúp trẻ ít bị bệnh.
Ăn bổ sung đúng
Ngoài sữa mẹ, nên bổ sung thêm thức ăn khác cho trẻ. Tổ chức Y tế Thế giới khuyến nghị, thời điểm cho trẻ ăn bổ sung (ăn sam, ăn dặm) là khi con tròn 6 tháng tuổi (do nhu cầu của trẻ tăng cao, sữa mẹ không đủ đáp ứng nhu cầu phát triển của trẻ). Không để trẻ ăn bổ sung quá sớm hoặc quá muộn, ăn thiếu về số lượng, chất lượng, thiếu vệ sinh dẫn đến suy dinh dưỡng, bệnh tật vì giai đoạn ăn bổ sung đến khi cai sữa là thời kỳ đe doạ suy dinh dưỡng nhất đối với trẻ. Nguyên tắc cho con ăn bổ sung là ăn từ ít đến nhiều, từ lỏng đến đặc.
Trong 6 tháng đầu đời, trẻ được cung cấp kháng thể thông qua sữa mẹ, vì vậy trẻ ít bị bệnh. Tuy nhiên, sau 6 tháng tuổi, lượng kháng thể trong cơ thể trẻ là do tự cơ thể đảm nhiệm, do vậy hệ miễn dịch của trẻ còn thiếu và yếu. Bất kỳ một thức ăn bổ sung nào cũng cần được bảo quản, chế biến đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Tùy theo độ tuổi, bữa ăn bổ sung phải đảm bảo cung cấp đủ các chất dinh dưỡng thiết yếu từ 4 nhóm thực phẩm: Nhóm chất bột đường (Glucid), chủ yếu là gạo, bột mì, ngũ cốc, khoai, sắn…; Nhóm chất đạm (Protein), chủ yếu là thịt, cá, tôm, trứng, sữa, đậu đỗ, lạc vừng…; Nhóm chất béo (Lipit), chủ yếu là dầu, mỡ, bơ…, ; Nhóm vitamin và khoáng chất, chủ yếu là các loại rau, củ, quả… Cho trẻ ăn đủ nhu cầu, cân đối các chất dinh dưỡng sẽ giúp trẻ phát triển tốt. Ngược lại, nếu ăn thiếu hoặc dư thừa, bé sẽ có nguy cơ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân, thể thấp còi, hoặc có thể bị thừa cân, béo phì.
Cần cho trẻ ăn đủ các thức ăn giàu đạm, đặc biệt các thực phẩm giàu đạm có giá trị sinh học cao như thịt, cá (cá chép, cá quả, cá ba sa, cá hồi, cá trích…), trứng, sữa, hải sản. Ngoài đạm ra, thì các vitamin và khoáng chất sẽ nâng cao miễn dịch và sức đề kháng của cơ thể, giúp việc điều trị bệnh hiệu quả hơn. Đặc biệt, vitamin nhóm B (B1, B6), vitamin C, D, E và kẽm đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao hệ miễn dịch của cơ thể.
1 số thực phẩm thông dụng giàu đạm - Ảnh sưu tầm Internet
Tăng cường cho trẻ ăn thêm rau, quả để cung cấp nhiều vitamin và khoáng chất, đặc biệt là vitamin A, vitamin C, vitamin E, sắt, kẽm, selen,… giúp tăng cường miễn dịch, chống nhiễm trùng và làm nhanh lành các tổn thương. Các loại hoa quả, rau củ có nhiều vitamin này thường có màu vàng, đỏ như: cà rốt, cà chua, bí đỏ, cam, xoài, đu đủ, dưa hấu… và các loại rau có lá xanh sẫm như: rau muống, rau ngót, rau dền đỏ, cải bó xôi, súp lơ xanh...
Cho uống đủ nước
Uống đủ nước là một trong những cách tăng sức đề kháng cho trẻ. Nước có tác dụng đưa bạch cầu đi khắp cơ thể, đồng thời, đào thải những chất độc hại ra ngoài thông qua tuyến mồ hôi. Một lượng nước vừa đủ mỗi ngày sẽ giúp tăng cường trao đổi chất, cung cấp dinh dưỡng cần thiết cho tế bào. Lượng nước cần uống mỗi ngày phụ thuộc vào độ tuổi, cân nặng và cường độ hoạt động thể lực của trẻ.
Cho con ngủ đủ giấc
Một giấc ngủ sâu và đủ dài rất cần thiết cho sự phát triển của bé, hỗ trợ tăng sức đề kháng và giúp phát triển trí tuệ, chiều cao, cân nặng cũng như tạo tinh thần thoải mái. Vì vậy, phụ huynh cần đảm bảo cho con một giấc ngủ sâu từ 8 -11 tiếng tùy theo độ tuổi. Thời gian ngủ như sau: trẻ từ 4 - 12 tháng: ngủ 12-16 giờ; trẻ từ 1 - 2 tuổi: ngủ 11-14 giờ, trẻ từ 3 - 5 tuổi: ngủ 10-13 giờ.
ThS. BS Nguyễn Văn Tiến – Nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục truyền thông dinh dưỡng – Viện Dinh dưỡng