Một số sai lầm trong chăm sóc và nuôi dưỡng có thể ảnh hưởng không tốt đến quá trình phát triển của trẻ

Cập nhật: 10/7/2024 - Lượt xem: 451

Làm cha mẹ không hề dễ dàng, đặc biệt khi nói đến việc nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ em. Dưới đây là một số sai lầm phổ biến mà phụ huynh thường mắc phải trong việc chăm sóc nuôi dưỡng trẻ, đặc biệt là trong nỗ lực cải thiện chiều cao và xử lý tình trạng biếng ăn của trẻ.

 

1. Không đảm bảo đủ lượng dinh dưỡng cần thiết cho trẻ tuổi đang phát triển

Một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến tình trạng biếng ăn và chậm lớn ở trẻ là do sai lầm trong chế biến thức ăn và thời gian chuyển tiếp chế độ ăn. Nhiều phụ huynh chỉ cho trẻ ăn nước thịt mà không cho ăn phần cái thịt, hoặc cho ăn lượng quá ít dẫn đến thiếu hụt chất đạm, nhất là nguồn cung cấp các acid amin cần thiết mà cơ thể không tự tổng hợp được; việc cho thêm dầu, mỡ vào thức ăn bổ sung cho trẻ để tăng đậm độ năng lượng cũng cần đáp ứng số lượng tối thiểu, nhiều phụ huynh chỉ cho vài giọt dầu mỡ là chưa đủ nhu cầu chất béo tối thiểu (5ml mỗi bữa ăn), dẫn tới giảm hấp thu các vitamin quan trọng cho sự phát triển tan trong chất béo như vitamin D, vitamin A... Không tăng cường số bữa ăn cho trẻ mặc dù mỗi bữa trẻ chỉ ăn rất ít hoặc bỏ ăn cũng là một sai lầm thường mắc phải. Có gia đình cho trẻ ăn dặm với bột cháo quá loãng cũng làm đậm độ năng lượng thấp, chưa đáp ứng nhu cầu của trẻ. Thời gian chuyển tiếp chế độ ăn (từ nuôi dưỡng hoàn toàn bằng sữa mẹ sang chế độ ăn bổ sung) cũng rất quan trọng, việc không cho trẻ sau 7 tháng tuổi được ăn các thức ăn giàu đạm như cá, tôm, cua vì sợ trẻ bị tiêu chảy là chưa đúng (ngoại trừ những trẻ bị dị ứng với các loại thực phẩm này).

Nhiều phụ huynh còn hạn chế sữa nguồn gốc động vật cho trẻ trên 2 tuổi vì lo lắng sữa này gây dậy thì sớm là không có căn cứ khoa học, làm mất nguồn bổ sung canxi và giàu vi chất dễ hấp thu cho trẻ sau khi cai sữa mẹ.

Khi trẻ không chịu ăn các loại rau củ nhưng phụ huynh lại không chịu khó tìm cách chế biến phù hợp để khuyến khích trẻ ăn rau củ, trái cây tươi bằng các món ăn như sa lát rau củ, sinh tố hoa quả… thì dễ gây thiếu hụt các vitamin cần thiết như vitamin A, vitamin E,.. nhất là thiếu hụt vitamin C, dẫn đến hạn chế cả việc hấp thu sắt, góp phần gây nên tình trạng thiếu máu dinh dưỡng cho trẻ…

Ngoài ra, việc không thay đổi món ăn, chế biến đơn điệu và không phù hợp với độ tuổi của trẻ, cho trẻ vừa ăn vừa chạy chơi, hoặc vừa ăn vừa xem tivi, điện thoại, thường xuyên mắng, ép trẻ trong bữa ăn cũng là nguyên nhân góp phần gây nên tình trạng biếng ăn ở trẻ.

2. Tự sử dụng các sản phẩm quảng cáo trên mạng về tăng chiều cao, điều trị biếng ăn
Một sai lầm phổ biến khác là tự bổ sung thực phẩm tăng chiều cao cho trẻ: Nhiều phụ huynh nghĩ rằng chỉ cần bổ sung canxi là đủ để giúp con cao lớn, nhưng thực tế, canxi cần được kết hợp với vitamin D để tăng khả năng hấp thụ. Đặc biệt, để có đủ vitamin D đáp ứng nhu cầu cơ thể, trẻ cần được ra ngoài trời để hấp thụ ánh sáng mặt trời và khẩu phần ăn phải có đủ dầu mỡ chất béo.

Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh nghĩ rằng bổ sung nhiều canxi càng tốt, nhưng điều này có thể gây hại cho sức khỏe của trẻ. Bổ sung canxi sai cách có thể dẫn đến dư thừa canxi trong cơ thể, gây ra các vấn đề như táo bón, buồn nôn và tăng nguy cơ sỏi thận. Việc canxi có vào xương hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như vận động, khả năng chuyển hóa, vì vậy việc chỉ tập trung vào canxi mà bỏ qua các yếu tố khác là không hiệu quả.

3. Bỏ qua "phép màu" từ ánh nắng mặt trời

Ánh nắng mặt trời là nguồn cung cấp vitamin D tự nhiên chủ yếu cho cơ thể, giúp hỗ trợ hấp thu canxi. Nhiều phụ huynh lo sợ con tiếp xúc với ánh nắng mặt trời sẽ dễ bị ốm, nhưng thực tế, việc tắm nắng mỗi ngày từ 10-30 phút vào buổi sáng sớm hoặc chiều là cần thiết để thúc đẩy quá trình trao đổi chất và hỗ trợ xương dài ra, giúp tăng sức khỏe và sức đề kháng của cơ thể.

4. Quên khuyến khích trẻ "vận động khỏe, vui chơi thông minh"

Một sai lầm lớn nữa là không khuyến khích trẻ vận động thường xuyên. Việc chỉ tập trung vào bổ sung dinh dưỡng mà quên đi việc cho trẻ vận động hàng ngày sẽ cản trở sự phát triển chiều cao của trẻ. Thiếu vận động sẽ khiến trẻ trở nên kém linh hoạt, cơ thể yếu ớt và dễ mắc bệnh, từ đó ảnh hưởng đến tốc độ phát triển. Ngược lại, vận động thường xuyên và luyện tập thể lực phù hợp với lứa tuổi cũng sẽ giúp hệ cơ xương phát triển tốt hơn, tăng cường lưu thông máu và các quá trình trao đổi chất trong cơ thể, tăng điều tiết hormon tăng trưởng khi tập các động tác ở chân (các khớp lớn), các động tác kéo giãn.

5. Đánh giá thấp tầm quan trọng của giấc ngủ

Giấc ngủ cũng đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển chiều cao của trẻ. Ngủ quá nhiều hay quá ít đều có ảnh hưởng không tốt. Khi ngủ, cơ thể tiết ra lượng hormone tăng trưởng nhiều gấp 4 lần khi thức. Do đó, nếu trẻ không ngủ đúng giờ sẽ bỏ lỡ thời gian tiết hormone quan trọng này, gây ảnh hưởng đến sự tăng trưởng. Ngược lại, ngủ quá nhiều cũng sẽ làm thu hẹp khoảng thời gian vận động của trẻ, cản trở sự phát triển chiều cao.
Trẻ ngủ đúng giờ và đủ giấc là một trong những yếu tố giúp trẻ phát triển chiều cao - Ảnh sưu tầm Internet

Để giúp trẻ phát triển chiều cao tối ưu và khắc phục tình trạng biếng ăn, cha mẹ cần chú ý đến chế độ ăn uống, bổ sung dinh dưỡng hợp lý, khuyến khích trẻ vận động, tắm nắng thường xuyên và đảm bảo giấc ngủ đủ và đúng giờ. Việc kết hợp đồng thời các biện pháp này sẽ giúp trẻ phát triển khỏe mạnh và đạt được chiều cao tối ưu.
TS. BS. Phan Bích Nga - Trưởng khoa Khám tư vấn dinh dưỡng trẻ em - Viện Dinh dưỡng