Hướng dẫn đảm bảo Dinh dưỡng trong mùa bão lũ - Dành cho các cơ quan, tổ chức tham gia cứu trợ

Cập nhật: 11/3/2020 - Lượt xem: 10884

Dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng để đảm bảo sức khỏe và phòng chống bệnh tật. Trong mùa bão lũ, cần thực hiện những việc sau để đảm bảo dinh dưỡng cho người dân:

 1.   Xác định và lập danh sách những hộ gia đình có các đối tượng có nguy cơ cao để có kế hoạch hỗ trợ. Đó là những gia đình có trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, phụ nữ có thai, phụ nữ cho con bú (đặc biệt là ở những gia đình đơn thân, chủ hộ là người cao tuổi, gia đình có người tàn tật…). Ưu tiên những đối tượng này trong việc cung cấp nhu cầu thực phẩm tối thiểu.

 2.  Thiết lập những địa điểm an toàn và hỗ trợ cho bà mẹ/người chăm sóc trẻ nhỏ để có thể cho trẻ tiếp tục bú mẹ và nhận những hỗ trợ về nuôi dưỡng trẻ nếu cần. Với trẻ không được nuôi bằng sữa mẹ, cần phải được xác định sớm để hỗ trợ thực phẩm nuôi dưỡng và đặc biệt lưu ý đến các điều kiện vệ sinh khi nuôi ăn bằng sữa công thức.

 3.  Việc mua bán, quản lý và phân phối các sản phẩm thay thế sữa mẹ, các sản phẩm sữa và dụng cụ cho ăn cần được quản lý chặt chẽ theo các qui định hiện hành.

 4. Cung cấp các thực phẩm an toàn và phù hợp cho việc ăn bổ sung của trẻ 6 đến 24 tháng cùng với các điều kiện để có thể chuẩn bị bữa ăn an toàn. Đảm bảo trẻ ăn đủ số lượng và số lần theo độ tuổi của trẻ, đảm bảo giàu năng lượng và các chất dinh dưỡng (đặc biệt là protein, sắt, vitamin A và vitamin C).

 5. Cung cấp đủ thực phẩm và bổ sung các vi chất dinh dưỡng (đa vi chất, vitamin A) theo các hướng dẫn quốc gia hiện hành cho các đối tượng bà mẹ có thai, cho con bú, trẻ em dưới 5 tuổi, người cao tuổi.

 6.  Phát hiện sớm và điều trị trẻ bị suy dinh dưỡng cấp tính theo Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị cho trẻ bị suy dinh dưỡng cấp tính đã được Bộ Y tế ban hành.

 7.  Với người đang mắc các bệnh mạn tính không lây, cần duy trì thuốc điều trị và chế độ ăn theo hướng dẫn của bác sỹ điều trị.

 8.  Bảo đảm việc sử dụng tối ưu tất cả nguồn nước và các phương tiện vệ sinh được cấp và thực hành vệ sinh an toàn. Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

 9.  Hỗ trợ thực phẩm để bảo đảm rằng người dân có thể tiếp cận một cách an toàn với thực phẩm có chất lượng tốt và số lượng đầy đủ và cần có phương tiện để chế biến và tiêu thụ thực phẩm một cách an toàn.

 10. Sau bão lũ: Thực hiện 10 lời khuyên dinh dưỡng hợp lý. Thực hành nuôi dưỡng trẻ nhỏ theo khuyến nghị. Khuyến khích phát triển vườn gia đình và phát triển nông nghiệp. Tăng thu nhập và tăng cường việc tiếp cận thực phẩm địa phương tại chợ.