Người bị đái tháo đường cần lưu ý gì trong mùa dịch COVID-19?

Cập nhật: 5/31/2021 - Lượt xem: 6847
Dinh dưỡng là một trong các phương pháp điều trị đầu tiên, cơ bản và lâu dài với các bệnh mạn tính, đặc biệt là bệnh đái tháo đường.

Theo số liệu thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, số người tử vong do mắc COVID-19 tăng cao hơn ở nhóm có mắc bệnh mạn tính (đái tháo đường, bệnh lý tim mạch, …).

Do vậy, dinh dưỡng cho bệnh đái tháo đường không những duy trì mục tiêu điều trị mà còn hỗ trợ, cải thiện sức đề kháng cần được quan tâm thích đáng hơn nữa. Những lưu ý về dinh dưỡng, người bện nên:
 
 
Mỗi ngày người bệnh đái tháo đường nên ăn tối thiểu 3 bữa/ ngày

Đảm bảo đủ năng lượng cho cơ thể theo như khuyến cáo cho từng người bệnh, cân đối các chất sinh năng lượng (chất bột, đường, chất đạm, chất béo).
 
Duy trì đường huyết ổn định trong ngày, tránh hạ đường huyết khi xa bữa ăn hoặc tăng đường huyết quá mức sau ăn.

Không bỏ bữa, nên ăn tối thiểu 3 bữa/ngày, có thể thêm 1-3 bữa tùy tình trạng đường huyết và bệnh lý kèm theo.

Nên lựa chọn các thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp (<55%) hoặc các thực phẩm giàu chất xơ như gạo lứt, gạo lật nảy mầm, bánh mỳ nâu, khoai, ngô luộc, rau xanh, …

Cung cấp đủ chất đạm hàng ngày; cân đối cả đạm động vật (thịt, cá, trứng, sữa, …) và thực vật (gạo, đậu phụ, đậu, đỗ các loại, …). Nên hạn chế đạm, khi có suy thận.

Ăn đủ rau xanh và quả chín theo khuyến nghị mỗi ngày để cung cấp vitamin, chất xơ và các chất dinh dưỡng khác cho cơ thể. Nên ăn 1 bát rau/bữa; hoa quả ít ngọt: 80-100g/lần x 1-2 lần/ngày.

Hạn chế các thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm đóng hộp … vì chứa nhiều đường, nhiều chất béo và muối.

Ăn nhạt hơn bình thường, đặc biệt khi có bệnh tim mạch, bệnh thận … Thực hiện khẩu hiệu giảm muối: “Cho bớt muối, chấm nhẹ tay, giảm ngay đồ mặn”.

Uống đủ nước hàng ngày, nên uống nước lọc, nước khoáng, …. Hạn chế nước ngọt, nước đóng chai, nước hoa quả

Hạn chế hoặc bỏ thuốc lá, rượu bia và các chất kích thích khác.

Duy trì hoạt động thể lực hàng ngày 30 đến 60 phút/ngày tùy từng người bệnh hoặc hỏi ý kiến bác sĩ trước khi tập.

Nên duy trì cân nặng hợp lý, cần giảm cân nếu có thừa cân béo phì hoặc tăng cân khi có suy dinh dưỡng.

Nên định kỳ đi khám tư vấn theo hẹn của bác sĩ để được điều chỉnh kịp thời.

Ngoài ra, người bệnh cần tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, tuân thủ các quy định phòng chống dịch của Chính phủ, Bộ Y tế đã hướng dẫn để hạn chế tối đa nguy cơ mắc COVID-19.
 
TS. BS. Nguyễn Trọng Hưng - Báo điện tử vtc