Thực hiện “Hai mục tiêu kép” vừa phòng bệnh Covid-19 và thừa cân béo phì

Cập nhật: 1/21/2022 - Lượt xem: 1559

Hiện nay, dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp, nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng, đồng thời cũng là nguy cơ rất lớn dẫn đến bệnh thừa cân béo phì. Thực hiện chế độ ăn uống hợp lý, ăn uống lành mạnh, tích cực hoạt động thể lực cùng với lối sống lành mạnh là giải pháp tốt nhất để phòng bệnh thừa cân béo phì.

Thừa cân-béo phì (TC-BP) là sự tích tụ mỡ bất thường, vượt quá mức làm ảnh hưởng đến sức khỏe. Trẻ bị TC-BP chủ yếu là do dinh dưỡng bất hợp lý và ít hoạt động thể lực. Năng lượng khẩu phần ăn vào vượt quá năng lượng tiêu hao theo nhu cầu cơ thể, do đó phần năng lượng dư thừa được chuyển thành mỡ tích lũy trong các tổ chức, dẫn tới TC-BP.

Để phòng ngừa sự lây lan dịch bệnh Covid-19, mọi người dân cần thực hiện 5K để đảm bảo an toàn cho Bạn, cho gia đình và cộng đồng. Tùy theo nguy cơ, diễn biến của dịch mà các địa phương sẽ quyết định áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội phù hợp. Phòng ngừa sự lây lan dịch bệnh, các trường cho các cháu nghỉ và học tại nhà. Ngoài ra, người dân hạn chế ra khỏi nhà, tụ tập đông người, hạn chế tập thể dục ở các khu vực đông người,…

Khi các cháu ở nhà, thì môi trường, điều kiện, thời gian,…để thực hiện và duy trì hoạt động thể lực bị ảnh hưởng, đó là nguy cơ làm gia tăng tỷ lệ TC - BP. Lối sống tĩnh tại, ít vận động và ít hoạt động thể lực, khi ở nhà lối sống này càng được phát huy mạnh hơn, thời gian các cháu ngồi xem ti vi, chơi điện tử và ngủ nhiều hơn. Với trẻ lớn thì học online bằng các thiết bị điện tử như máy tính, ipad, iphone,…làm ảnh hưởng đến thị lực mắt của trẻ.

Trẻ ít vận động vì không gian trật trội, thiếu trang thiết bị dụng cụ, thiếu bạn bè-nguồn động lực để ganh đua,…Trong khi đó, trong nhà lại dự trữ nhiều đồ ăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các cháu tính ăn vặt, thích là ăn. Các thức ăn vặt là những đồ ăn chế biến sẵn, thức ăn nhanh như: bánh kẹo ngọt, súc xích, nước ngọt…các loại thức ăn này lại chứa rất nhiều năng lượng, chất béo, đường sẽ không tốt cho sức khỏe của trẻ, đặc biệt dễ gây TC-BP.

Tác hại của TC-BP ở trẻ em rất đáng quan tâm vì trẻ em là một cơ thể đang phát triển. Nguy cơ đầu tiên của béo phì trẻ em là khi đến tuổi trưởng thành trẻ dễ mắc các bệnh mạn tính không lây như tim mạch, tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, đột quỵ, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa mỡ,…Ngoài nguy cơ về sức khỏe thể chất, trẻ em béo phì còn bị tác động tới tâm lý. Với ngoại hình đặc biệt, trẻ béo phì chậm chạp, mặc cảm tự ti, ngại giao tiếp xã hội, dễ bị trêu chọc, tình trạng này kéo dài có thể dẫn đến trầm cảm, làm giảm sút hiệu quả học tập, lao động và chất lượng cuộc sống.

Nguyên nhân của TC-BP là do chế độ ăn bất hợp lý, cùng với lối sống ít hoạt động thể lực. Vì vậy, thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý, cùng với lựa chọn phương pháp, cách thức hoạt động thể lực phù hợp với lứa tuổi để thích ứng trong mùa dịch tại nhà là giải pháp để thực hiện “hai mục tiêu kép” vừa phòng bệnh covid-19 và phòng bệnh TC-BP.

Chế độ ăn dự phòng thừa cân béo phì:

Khi trẻ bị TC-BP, tuyệt đối không được giảm hay nhịn ăn, mà phải thực hiện chế độ ăn đủ nhu cầu vì cơ thể đang phát triển, đồng thời ăn hạn chế: chất béo, thức ăn giàu năng lượng, thức ăn nhanh, chế biến sẵn, bánh kẹo và nước giọt. Đồng thời tăng cường hoạt động thể lực để tiêu hao năng lượng thừa nhằm giảm sự tích tụ chất béo, tạo khối cơ và sức bền cho trẻ.

Mâm cơm cần đa dạng các chất dinh dưỡng từ 4 nhóm thực phẩm

Bữa ăn cung cấp đủ nhu cầu các chất dinh dưỡng, đủ nhu cầu về năng lượng khẩu phần từ các chất đạm, chất béo, chất khoáng, vitamin và đủ nước cho cơ thể. Tỷ lệ các chất đạm, chất béo từ nguồn động vật và thực vật cân đối hợp lý. Thực hiện độ ăn uống lành mạnh bằng các thực phẩm lành mạnh như trái cây, rau, các loại đậu, các loại hạt và ngũ cốc nguyên hạt, thực phẩm ít chất béo, ít đường và muối.

Nhóm rau quả cung cấp vitamin, khoáng chất, chất xơ giúp cơ thể trẻ phát triển, giúp nâng cao sức đề kháng chống lại bệnh tật. Vì vậy, cần tập cho trẻ ăn rau quả ngay từ khi còn nhỏ, với cách chế biến phù hợp. Những trẻ TC-BP nên hạn chế các loại quả ngọt và nhiều năng lượng như chuối, xoài, mít, vải,… ăn đa dạng các loại rau quả, đa màu sắc.

Hạn chế tất cả các thực phẩm nhiều chất béo, nhiều cholesterol như: thịt mỡ, nước luộc thịt, bơ, fomat, các món xào rán, não, tim, gan, nội tạng,.... Các loại đồ ngọt như: đường, mật ong, bánh kẹo, nước ngọt, các loại sữa có đường,…vì chúng chứa nhiều năng lượng làm gia tăng nguy cơ thừa cân béo phì.  

Hoạt động thể lực:

Trong hai giải pháp phòng TC-BP, thì tăng cường hoạt động thể lực có hiệu quả hơn, giúp trẻ phát triển chiều cao và duy trì sức khoẻ tốt. Tăng cường hoạt động thể lực để tiêu hao năng lượng thừa nhằm giảm sự tích tụ chất béo, giảm TC-BP. Với trẻ lớn khuyến khích lối sống tích cực, hạn chế lối sống tĩnh tại, thì phụ huynh cần cổ vũ, động viên, tìm hiểu sở thích của trẻ. Những hoạt động thể lực phù hợp theo lứa tuổi, duy trì đều đặn mỗi ngày và thường xuyên thay đổi giúp cho cơ thể phát triển khỏe mạnh, tinh thần vui vẻ và sảng khoái.

Vận động thường xuyên giúp trẻ phát triển cả về thể chất, trí tuệ, nâng cao tầm vóc, kiểm soát và duy trì cân nặng

Vận động thường xuyên giúp trẻ phát triển cả về thể chất, trí tuệ, nâng cao tầm vóc, kiểm soát và duy trì cân nặng, hạn chế TC-BP, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống. Ngoài ra, nó còn giúp tăng cường sức đề kháng và hệ miễn dịch cơ thể phòng chống dịch bệnh, giúp giấc ngủ đến nhanh và sâu hơn, nâng cao kỹ năng sống, giảm stress.

Khi hoạt động thể lực phải phù hợp theo lứa tuổi, giới tính và tình trạng sức khỏe, không nên quá sức. Bình thường sau 20-30 phút hoạt động thể lực, cơ thể sẽ cảm thấy sảng khoái và khỏe mạnh. Ngược lại, nếu sau thời gian trên mà cơ thể mệt mỏi, uể oải điều này chứng tỏ đã hoạt động quá sức. Trước khi tập thể dục, không được ăn no, không uống nhiều nước và cần khởi động cơ thể từ 5-10 phút.

Thời điểm thể dục tùy theo mùa, thời tiết, bình thường buổi sáng khoảng từ 7g-10g, buổi chiều từ 15-17g, khi hoạt động thể lực làm mồ hôi tiết ra kéo theo chất độc trong cơ thể thải ra và nó tỷ lệ thuận với lượng mồ hôi. Hoạt động ít nhất từ 30-60 phút chia làm 2-3 lần/ngày, ít nhất 150 phút/tuần, không nên vận động thời gian quá dài và quá sức.

Hoạt động thể lực đúng cách để phòng thừa cân béo phì đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ, đúng phương pháp, đúng liều lượng và thời gian phù hợp theo từng lứa tuổi, sở thích và sức khỏe. Đồng thời thực hiện hai giải pháp là tăng cường vận động và thực hiện ăn uống hợp lý, lành mạnh mỗi ngày giúp trẻ tăng cường sức đề kháng để chống lại dịch bệnh và phòng chống thừa cân béo phì.

ThS. BS. Nguyễn Văn Tiến - Trung tâm Giáo dục Truyền thông dinh dưỡng - Viện Dinh dưỡng Quốc gia