Tiêu thụ thức ăn nhanh và đồ uống đóng chai, một thói quen ăn uống trả giá đắt

Cập nhật: 11/18/2021 - Lượt xem: 12932

Sự phát triển của thức ăn nhanh/chế biến sẵn và đồ uống đóng chai

Thức ăn nhanh là các sản phẩm được tạo ra bởi việc chuẩn bị hoặc có thể ăn được một cách nhanh chóng ngay tại chỗ, trên đường phố hoặc tại nơi làm việc. Trong những thập kỷ trước, thức ăn nhanh là khái niệm có thể còn xa lạ với nhiều người Việt Nam. Những năm gần đây, thị trường thức ăn nhanh phát triển nhanh chóng với sự có mặt của hàng loạt các thương hiệu nổi tiếng thế giới như KFC, Lotteria, Mc Donald, Julibee, King BBQ, Pizza Hut, Pepsi, Cocacola, 7 up[1]…Bên cạnh đó, các loại thức ăn nhanh và đồ uống có ga/đường trong nước cũng phát triển nở rộ như bánh mì các loại, Vietmac, Wrap & Roll, Trà thảo mộc Dr. Thanh, Number one, Trà Ô long không độ, Bidricos, Nước yến Bidrico... Chỉ tính riêng KFC hiện đã có trên 140 cửa hàng và Lotteria có trên 210 cửa hàng trên khoảng 30 tỉnh/thành phố. Cùng với đó là sự tăng lên về số lượng của các chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Số lượng chuỗi các siêu thị Vinmart và cửa hàng Vinmart+ trên toàn quốc năm 2019 là trên 111 siêu thị và 1.800 cửa hàng.

Ngoài ra, thức ăn đường phố cũng là một loại hình kinh doanh thức ăn nhanh phổ biến tại Việt Nam. Thức ăn đường phố không những là một nhu cầu của người dân đô thị, đem lại nhiều thuận tiện cho người tiêu dùng mà còn là nguồn thu nhập của một bộ phận không nhỏ người lao động và là nét văn hóa ở một số địa phương. Thức ăn đường phố thường đa dạng và tiện lợi, giá cả phù hợp cho cả những người có thu nhập thấp và eo hẹp thời gian, đặc biệt là ở các đô thị đông dân và giá cả sinh hoạt cao. Hơn nữa, thức ăn đường phố thường là các thức quà truyền thống nên hợp khẩu vị với đại đa số người Việt Nam. Theo một số liệu điều tra, có tới 95,5% người dân Hồ Chí Minh đang sử dụng thức ăn đường phố, trong đó 51% dùng làm bữa ăn hàng ngày, 82% dùng làm bữa ăn sáng (1).

Sự tiện lợi của thức ăn nhanh/chế biến sẵn và đồ uống đóng chai

Thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn, đồ uống đóng chai luôn dễ dàng được tìm thấy từ các nhà hàng, siêu thị, chợ truyền thống cho đến chợ cóc, hàng rong với mức giá phù hợp cho mọi tầng lớp dân cư. Người dân có thể dễ dàng dừng xe bên đường để mua một cốc chè, cái bánh mì hay nắm xôi ở các quán vỉa hè cho bữa sáng từ các gánh hàng rong. Bữa trưa của giới văn phòng sẽ được phục vụ tận nơi chỉ cần một click chuột hoặc một cuộc điện thoại đặt hàng. Ở các thành phố, người dân đôi khi chỉ cần bước ra khỏi cửa đã có thể mua được những đồ ăn nhanh mong muốn. Sự phát triển của kinh tế, xã hội và hệ thống logistics, cùng với với nhịp sống bận rộn hơn đã khiến cho thức ăn nhanh, chế biến sẵn là một trong những lựa chọn thay thế các bữa ăn chính một cách dễ dàng và thuận tiện. Thậm chí, những món ăn truyền thống như chả nem (chả giò), cá kho tộ, bánh bao, thịt ướp sẵn, thậm chí là rau củ đông lạnh…cũng được đóng gói và bán sẵn từ các cửa hàng, siêu thị, rất tiện dụng cho việc nấu ăn. Có thể nói, thức ăn nhanh, đồ uống đóng chai và thực phẩm chế biến, đóng gói sẵn là một xu thế của thời đại ngày nay.

Thức ăn nhanh/chế biến sẵn chứa nhiều dầu/mỡ

Thức ăn nhanh thường được chiên với lượng dầu mỡ lớn 

Thức ăn nhanh/chế biến sẵn, bên cạnh các ưu điểm về sự tiện lợi, giá cả và khẩu vị kể trên, cũng đang được cho là một trong những nguyên nhân góp phần vào sự gia tăng của thừa cân, béo phì và các bệnh không lây nhiễm trong cộng đồng. Đó là bởi vì, thức ăn nhanh/chế biến sẵn thường nhiều dầu/mỡ, đường và muối, do đó, cung cấp nhiều năng lượng. Lượng dầu/mỡ trong các loại thức ăn nhanh thường chiếm ít nhất khoảng 40% tổng năng lượng mà đồ ăn đó cung cấp. Ví dụ, một cái bánh mỳ kẹp (burger) cỡ lớn có phô mai của McDonald's cung cấp 810 kcal và có 46g chất béo (cung cấp khoảng 400kcal) (2). Hoặc 1 cái bánh giò cung cấp khoảng 437kcal và có khoảng 33,6g chất béo (cung cấp khoảng 302kcal). Một người Việt Nam trưởng thành một ngày nên ăn vào khoảng 60-70g chất béo/ngày. Mỗi suất ăn nhanh đã cung cấp khoảng trên ½ tổng lượng chất béo cần có trong một ngày của một người trưởng thành.

Thức ăn nhanh/chế biến sẵn chứa nhiều muối

Hàm lượng muối và natri khuyến nghị cho người Việt Nam là dưới 5g muối, tương đương dưới 2g Natri một ngày. Trong khi đó, 1 bát phở bò chín có chứa khoảng 3,75g muối, trong mỗi 100g thịt lườn gà rán từ các thương hiệu thức ăn nhanh có thể chứa từ 1,6 đến 1,8g muối, mỗi 100g bánh pizza chứa 1,4-1,7g muối (3). Nếu một người ăn sáng với một bát phở hoặc ăn phụ với 2 miếng lườn gà và sau đó các bữa chính và bữa phụ ăn bình thường thì người đó đã ăn quá nhiều muối so với lượng muối nên ăn trong một ngày.

Thức ăn nhanh/chế biến sẵn và đồ uống đóng chai chứa nhiều đường

Hiểu một cách thông dụng, có hai loại đường trong các loại thực phẩm là đường tự nhiên và đường được thêm vào. Các loại rau, quả và lương thực đều có đường tự nhiên cùng với các chất dinh dưỡng khác. Đường trong các loại kẹo, bánh, nước ngọt đóng chai là đường được thêm vào. Hàm lượng đường trong các loại đồ uống đóng chai/chế biến sẵn luôn ở mức khá cao. Ví dụ, 250 ml sữa ít béo có chứa 14g tương đương 3 thìa cà phê đường, 250ml nước uống vị trái cây có chứa trên 27g tương đương 6,5 thìa cà phê đường, trong 600ml nước uống tăng lực có chứa ít nhất 36g tương đương 8,5 thìa cà phê đường [2]. Như vậy, việc uống các đồ uống đóng chai có thể dẫn tới việc đưa vào cơ thể quá nhiều đường, vượt ngưỡng khuyến nghị. Viện Dinh dưỡng khuyến cáo, lượng đường thêm vào nên hạn chế dưới 5 thìa cà phê đường mỗi ngày. Theo đó, nếu chỉ uống 250ml nước uống vị trái cây như trên là đã đưa vào cơ thể một lượng đường vượt quá ngưỡng khuyến nghị cho một ngày.

Hậu quả của tiêu thụ nhiều thức ăn nhanh/chế biến sẵn hoặc nước uống đóng chai

Nếu ăn các loại thức ăn nhanh/chế biến sẵn hoặc uống nước uống đóng chai thường xuyên sẽ dẫn tới việc dư thừa dầu/mỡ, đường hoặc muối trong cơ thể. Khi ăn các thức ăn nhanh hoặc uống nước uống đóng chai, chúng ta sẽ thấy được no bụng hay giải khát nhanh chóng. Tuy nhiên, hàm lượng đường, nhất là fructose, và muối cao trong thức ăn nhanh hay nước uống đóng chai lại khiến chúng ta thèm ăn, thèm uống nước ngọt nhanh hơn, thậm chí gây nghiện các loại thực phẩm này (4). Các nhà khoa học đã xác định rằng thức ăn nhanh/chế biến sẵn và đồ uống đóng chai có cùng một cơ chế gây nghiện cho con người tương tự như cơ chế gây nghiện của ma túy. Thậm chí nghiện thức ăn nhanh/chế biến sẵn và đồ uống đóng chai còn được xác định gây nguy hiểm hơn cả nghiện thuốc lá/thuốc lào.

Đó là bởi vì, ăn thức ăn nhanh/chế biến sẵn và uống đồ uống đóng chai nhiều sẽ khiến tăng lượng năng lượng ăn vào nhưng lại thiếu chất xơ và các vi chất (năng lượng rỗng), tình trạng này kéo dài sẽ dẫn tới tích lũy mỡ trong cơ thể, gây thừa cân, béo phì. Thức ăn nhanh/chế biến sẵn và đồ uống đóng chai đóng góp khoảng 25% vào sự xuất hiện của thừa cân, béo phì ở người (5). Thừa cân, béo phì ảnh hưởng tới sự linh hoạt trong vận động, thẩm mỹ của hình thể; ảnh hưởng tới sức lao động, khả năng học tập và vui chơi và gây ra hàng loạt các hậu quả mạn tính về sức khỏe như rối loạn mỡ máu, đái tháo đường, ung thư, tăng huyết áp và các bệnh tim mạch, đột quỵ, nhồi máu cơ tim. Người thừa cân, béo phì có tỷ lệ tử vong cao hơn những người có cân nặng bình thường khoảng 20% (6). Lượng muối khá cao trong các loại thức ăn nhanh/chế biến sẵn cùng với tình trạng thừa cân sẽ gây hậu quả kép lên tình trạng tăng huyết áp và các bệnh tim mạch. Bên cạnh đó, người thừa cân, béo phì và mắc các bệnh mạn tính như trên thường có chất lượng cuộc sống, khả năng lao động, học tập và mức thu nhập thấp hơn, có khả năng bị các rối loạn về tâm lý và thần kinh cao hơn những người có cân nặng bình thường. Vì thế, hình thành thói quen ăn uống hợp lý với thức ăn nhanh/chế biến sẵn và đồ uống đóng chai là một biện pháp tốt không những để phòng tránh phụ thuộc hay nghiện thức ăn nhanh/chế biến sẵn và đồ uống đóng chai mà còn là một cách dự phòng các bệnh hay các vấn đề sức khỏe mạn tính.

Hơn thế nữa, ngành công nghiệp thức ăn nhanh/chế biến sẵn và đồ uống đóng chai hàng năm thải ra ngoài môi trường lượng lớn túi nilon, chai nhựa và các rác loại rác thải vô cơ khác, ảnh hưởng không tốt tới môi trường sống. Các nhà khoa học ước tính rằng, sản xuất ra 50g thịt đỏ gây phát thải khí nhà kính gấp 20 lần so với sản xuất ra 100g rau củ (7). Ở Việt Nam, trung bình mức tiêu thụ thịt của người dân đã tăng lên 4 lần trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến năm 2019 (từ 8,2 kg/năm lên 32,8 kg/năm) (8). Ở các căng tin trường học, đồ uống đóng chai các loại (60%), các loại bánh ngọt (41%) và mì ăn liền (24%) là những thực phẩm được bày bán rộng rãi trong khi rau quả lại ít được bán (1%) (8). Những con số này cho thấy nếu không có các điều chỉnh về thói quen ăn thức ăn nhanh/chế biến sẵn và uống đồ uống đóng chai hợp lý thì các biến đổi của khí hậu và môi trường sống hiện nay có thể sẽ diễn biến nhanh và gây hậu quả nghiêm trọng hơn nữa.

Như vậy, chúng ta có thể thấy việc tiêu thụ thức ăn nhanh/chế biến sẵn và đồ uống đóng chai là một xu thế không thể tránh khỏi trong thời đại ngày nay. Cuộc sống bận rộn trong khi các loại thức ăn nhanh/chế biến sẵn và đồ uống đóng chai lại vô cùng tiện lợi, giá cả hợp lý, khẩu vị phù hợp với mọi tầng lớp dân cư, khiến cho việc tiêu thụ thức ăn nhanh/chế biến sẵn và đồ uống đóng chai đang trở thành mốt, xu hướng trong cộng đồng, đặc biệt ở giới trẻ. Tuy nhiên, những hậu quả về tâm sinh lý hay các hậu quả mạn tính về sức khỏe, gia tăng tỷ lệ mắc bệnh và tử vong hay ô nhiễm môi trường và phát thải khí nhà kính lại là những hậu quả lâu dài và nghiêm trọng của thức ăn nhanh/chế biến sẵn và đồ uống đóng chai mà đại đa số chúng ta chưa nhận thức rõ. Chừng nào việc tiêu thụ thức ăn nhanh/chế biến sẵn và đồ uống đóng chai còn chưa được thực hiện hợp lý thì con người có thể sẽ phải trả giá đắt bằng chính sức khỏe và cuộc sống của bản thân cũng như môi trường sống của nhân loại.

TS. BS. Hoàng Thị Đức Ngàn - Viện Dinh dưỡng

Tài liệu tham khảo

1. Hậu PX, Thắng BX. Phát triển ẩm thực đường phố ở Thành phố Hồ Chí Minh để thu hút khách du lịch quốc tế. Tạp chí Khoa học. 2019;16(2):123.

2. Sherwood NE, Story M, Neumark-Sztainer D. CHAPTER 34 - Behavioral Risk Factors for Obesity: Diet and Physical Activity. In: Coulston AM, Rock CL, Monsen ER, editors. Nutrition in the Prevention and Treatment of Disease. San Diego: Academic Press; 2001. p. 517-37.

3. Dunford E, Webster J, Woodward M, Czernichow S, Yuan WL, Jenner K, et al. The variability of reported salt levels in fast foods across six countries: opportunities for salt reduction. CMAJ : Canadian Medical Association journal = journal de l'Association medicale canadienne. 2012;184(9):1023-8.

4.  Mohiuddin A. Fast Food Addiction: A Major Public Health Concern. J Diab Obes Metab. 2019;2(2):113.

5. Powell LM. Fast food costs and adolescent body mass index: Evidence from panel data. Journal of Health Economics. 2009;28(5):963-70.

6. Borrell LN, Samuel L. Body Mass Index Categories and Mortality Risk in US Adults: The Effect of Overweight and Obesity on Advancing Death. American Journal of Public Health. 2014;104(3):512-9.

7. Economist T. How much would giving up meat help the environment? 2019 [24/4/2020]. Available from: https://www.economist.com/graphic-detail/2019/11/15/how-much-would-giving-up-meat-help-the-environment.

8. Vnexpress. Mỗi năm một người Việt ăn 33 kg thịt heo 2019 [28/4/2020]. Available from: https://vnexpress.net/moi-nam-mot-nguoi-viet-an-33-kg-thit-heo-3996814.html.



[1] Việc sử dụng các thương hiệu trong bài viết không có nghĩa là nhãn hàng/thương hiệu đó là không tốt hay có tính chất bài xích, kỳ thị các nhãn hàng.

 

[2] https://www1.health.gov.au/internet/publications/publishing.nsf/Content/sugar-drinks-toc~sugar-drinks-3-fact-sheets~sugar-drinks-factsheet-3-3-sugar-what-drink