Chăm sóc khi trẻ mọc răng sữa

Cập nhật: 3/27/2015 - Lượt xem: 11707

Thường trẻ bắt đầu mọc răng sữa từ tháng thứ 6, nhưng cũng có thể sớm hơn (tháng thứ 5) hoặc muộn hơn (tháng 7 - 8). Khi mọc răng hầu hết trẻ thường có biểu hiện: chảy nhiều nước dãi, biếng ăn, quấy khóc, khó ngủ, đôi khi có thể sốt nhẹ, tiêu chảy,… Cha mẹ và người chăm sóc trẻ cần chú ý chăm sóc như sau:

Mọc răng thường làm bé bị đau và rất khó chịu. Trước khi răng nhú lên, bạn sẽ thấy lợi của bé đỏ và sưng, có thể kèm theo sốt nhẹ, do đó bé hay quấy khóc và lười ăn. Vì vậy bạn nên chăm sóc vỗ về bé. Nếu bé sốt trên 38,50C, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ và cho bé uống thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn.

                  
              Thường xuyên lau sạch miệng cho bé bằng khăn mềm.

Chế độ dinh dưỡng cho bé trong giai đoạn mọc răng cần bảo đảm đầy đủ, hợp lý và nhất là phải bổ sung canxi, giúp bé có mầm răng chắc khỏe, tách nướu răng dễ dàng, lên răng nhanh chóng, rút ngắn thời gian gây đau đớn ở nướu răng. Nên cho trẻ ăn bằng thức ăn mềm, dễ nuốt, dễ tiêu như: bột, hoặc cháo loãng, đặc biệt là sữa cung cấp nhiều canxi tốt cho sự phát triển xương, răng. Vì vậy, người mẹ nên duy trì các cữ bú của bé và bổ sung thêm canxi cho bé bằng những loại thực phẩm như sữa, phô mai, sữa chua, lòng đỏ trứng, tôm, cua, cá, rau dền cơm, rau ngót, và nhiều loại trái cây tươi.

Giữ vệ sinh răng miệng tốt cho bé: Trong quá trình mọc răng, bé sẽ bị sưng, nứt nướu, bị chảy nước bọt nhiều. Cha mẹ cần chú ý giữ vệ sinh răng miệng cho bé thật tốt, thường xuyên lau sạch miệng bằng khăn mềm, cho bé uống nước lọc và làm sạch nướu sau khi cho bé bú hoặc ăn dặm.

Nên làm thường xuyên nhiều lần trong ngày.

Bé cũng có thể đi ngoài phân nhão, sệt 3 - 4 lần/ngày, trong vòng khoảng  3-5 ngày. Nếu lượng phân và lượng nước ra ít thì không cần cho uống bù nước, vẫn cho trẻ ăn uống bình thường. Nếu phân nhiều nước hoặc bé đi nhiều lần cần cho trẻ đến bác sĩ khám.

Bé có thể ngứa lợi, thích gặm nhấm ngón tay, cắn các vật rắn, rất dễ gây tổn thương và nguy hiểm hơn nếu lỡ nuốt vào. Để đảm bảo an toàn, bạn nên chọn cho trẻ loại đồ chơi bằng chất liệu mềm, có hình tròn. Tốt nhất bạn hãy thay thế đồ chơi hàng ngày của bé bằng những miếng lê, táo hay cà rốt nhỏ. Tuy nhiên cần chú ý theo dõi tránh để trẻ cắn và nuốt từng miếng có thể gây hóc, rất nguy hiểm.

Lưu ý: Nếu trẻ có biểu hiện khó chịu, quấy khóc, không chịu ăn kéo dài trong một tuần, có nguy cơ gây chậm tăng cân, sụt cân; sốt cao, nôn trớ, tiêu chảy nhiều lần,… bạn cần đưa trẻ đến cơ sở y tế khám ngay vì có thể là triệu chứng của bệnh khác.

                                                                  (Bs. Thu Lan_suckhoedoisong.vn)