Có cái gọi là "siêu thực phẩm" không?

Cập nhật: 10/28/2019 - Lượt xem: 11321

Ngày nay, trong cuộc sống  cũng như trên các phương tiện thông tin đại chúng, người ta hay dùng từ “siêu” để chỉ đến một cái gì đấy khác với bình thường, thường mang ý nghĩa là to lớn hơn, tốt đẹp hơn, giỏi giang hơn, thành đạt hơn… ví dụ “siêu mẫu” là muốn nói đến một người mẫu đang thành công vang dội, nổi đình nổi đám, hoặc “siêu sao ca nhạc” là một ca sĩ cũng đang rất thành công với một rừng fan hâm mộ… và hôm nay, chúng ta lại bàn đến một thứ được gọi là “siêu thực phẩm”! Cũng giống như những thứ được gắn với từ “siêu” ở trên, đó là không ai đứng ra đánh giá, phân loại hay cấp chứng chỉ cho nó cả, chỉ là “mình thích thì mình gọi thôi”!

Nếu các bạn lên trang Google, gõ tìm từ khóa “siêu thực phẩm” thì ngay lập tức đã có khoảng 144 triệu kết quả được tìm ra có liên quan đến từ khóa “siêu thực phẩm”! Theo kết quả từ trang từ điển mở Wikipedia tiếng Việt, thì Siêu thực phẩm (Superfood) là một thuật ngữ tiếp thị quảng bá cho các loại thực phẩm với các lợi ích sức khỏe được cho là vượt trội hơn các thực phẩm cùng loại. Theo cách hiểu qua truyền thông thì nó là những loại thực phẩm được cho là có chứa rất nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe, thường là các thực phẩm từ thực vật hoặc cũng có một vài loại cá và các chế phẩm từ sữa. Sự khác biệt chính giữa các loại thực phẩm thông thường là nội dung dinh dưỡng vì chúng chứa một số lượng lớn các vitamin và khoáng chất cũng như chất chống oxy hóa mạnh giúp chống và phòng ngừa nhiều bệnh”; và trang này cũng nhấn mạnh “Thuật ngữ này (tức “Siêu thực phẩm”) không được sử dụng phổ biến bởi các chuyên gia y tế, chuyên gia dinh dưỡng và nhà khoa học dinh dưỡng”.

Như chúng ta đã biết, con người cần thực phẩm để tồn tại và phát triển. Thực phẩm cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết để đáp ứng nhu cầu đó của cơ thể. Mỗi cá thể chúng ta lại có nhu cầu về các chất dinh dưỡng khác nhau, phụ thuộc vào tuổi, giới tính, mức độ lao động nặng hay nhẹ, trọng lượng của cơ thể. Nhu cầu về các chất dinh dưỡng khá đa dạng và khác nhau nên trong tự nhiên không có một loại thực phẩm đơn lẻ nào  đáp ứng được tất cả các nhu cầu đó của con người, chỉ trừ có sữa mẹ dành cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ trong giai đoạn dưới 6 tháng tuổi là hoàn toàn có thể đáp ứng đầy đủ và cân đối nhu cầu các chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của trẻ ở giai đoạn này mà thôi.

Theo kết quả phân tích thành phần hóa học các loại thực phẩm Việt Nam (đã được Viện Dinh dưỡng-Bộ Y tế công bố trong cuốn “Thành phần hóa học thực phẩm Việt Nam – 2017”) thì mỗi loại thực phẩm chỉ chứa một số thành phần dinh dưỡng nhất định với tỷ lệ và hàm lượng khác nhau.

Căn cứ vào thành phần và hàm lượng các chất dinh dưỡng có trong thực phẩm mà một số thực phẩm sẽ có những giá trị nhất định đối với nhu cầu dinh dưỡng và sức khỏe của con người. Ví dụ: những thực phẩm giàu sắt (như gan; trứng; tép; rau ngót; mộc nhĩ; nấm hương…) sẽ giúp cơ thể phòng chống được bệnh thiếu máu dinh dưỡng do thiếu sắt. Những thực phẩm giàu vitamin A (cà rốt; đu đủ; gan; trứng; cá; …) sẽ giúp cơ thể tăng cường sức đề kháng; tăng cường thị lực cho mắt; ở trẻ em còn giúp cho quá trình tăng trưởng, biệt hóa tế bào…

Chúng ta hãy so sánh hàm lượng một số chất dinh dưỡng có trong 100 gam thực phẩm ăn đượccủa 3 loại thực phẩm sau đây: hạt vừng, là loại thực phẩm khá thông dụng với người Việt Nam chúng ta, đặc biệt là ở các vùng nông thôn, với 2 loại thực phẩm là hạt chia và quả việt quất, mà nhiều khi người ta quảng cáo nó như những loại “siêu thực phẩm”:

 

Thành phần

(có trong 100 gam thực phẩm ăn được)

ĐVT

Hạt vừng (*)
khô; đen, trắng
(Sesame seeds)

Hạt chia (**) (Chia Seed)

Việt quất (***)
(Bilberries)

Năng lượng

kcal

582.00

486.00

44.00

Protein

g

20.10

16.50

0.70

Fat

g

46.40

30.70

0.50

Carbohydrate

g

21.10

42.10

11.50

Fiber

g

3.50

34.40

87.10

Vitamin C

mg

-

1.60

44.00

Thiamine (B1)

mg

0.79

0.62

0.03

Riboflavin (B2)

mg

0.25

0.17

0.03

Niacin (B3)

mg

4.52

8.83

0.58

Folate (B9)

µg

97.00

49.00

6.00

Vitamin A-RAE

µg

1.00

54.00

1.08

Vitamin E

mg

0.25

0.50

-

Ghi chú:

(*)

Bảng thành phần dinh dưỡng thức ăn Việt Nam-Viện Dinh dưỡng xuất bản năm 2017

(**)

https://www.healthline.com/nutrition/foods/chia-seeds#nutrition

(***)

http://www.foodofy.com/bilberry.html

Hạt chia (Chia seed): là hạt của cây Salvia Hispanica thuộc họ Lamiaceae, có nguồn gốc từ khu vực Nam và Trung Mỹ.

 Quả việt quất: Gồm việt quất đen (bilberry; hoặc Vaccinium myrtillus); việt quất xanh (blueberry; hoặc Vaccinium corymbosum); cạn việt quất (cranberry).

Chúng ta thấy rằng mỗi loại thực phẩm đều có những ưu điểm khác nhau, ví dụ hạt chia hay quả việt quất có hàm lượng chất xơ (Fiber) khá cao, nhưng hạt vừng lại có hàm lượng Vitamin B2 (Riboflavin) rất cao. Các nhà khoa học đã nghiên cứu, khi vào cơ thể, vitamin B2 được biến đổi thành các dạng co-enzym hoạt động cần cho sự hô hấp của mô và sự hoạt hóa vitamin B6 (vì khi thiếu hụt vitamin B6 có thể dẫn đến thiếu máu nguyên bào sắt, viêm dây thần kinh ngoại vi, viêm da tăng bã nhờn, khô nứt môi...), liên quan đến sự toàn vẹn của hồng cầu...Khi cơ thể bị thiếu vitamin B2 sẽ gây nên hiện tượng sần rám da, chốc mép, khô nứt môi, viêm lưỡi và viêm miệng. Có thể có những triệu chứng về mắt như ngứa và rát bỏng, sợ ánh sáng và rối loạn phân bố mạch ở giác mạc. Đặc biệt là hàm lượng vitamin B9 (Folate) trong hạt vừng rất cao (97µg), cao gấp đôi so với hàm lượng vitamin B9 có trong hạt chia (49µg) và cao gấp 16 lần  so với quả việt quất (6µg). Công dụng của vitamin B9 đối với cơ thể cũng đã được các nhà khoa học chứng minh là rất quan trọng bảo đảm cho sự phát triển bình thường và khỏe mạnh của thai nhi, ngoài ra nó còn làm giảm nguy cơ mắc ung thư cũng như góp phần làm cho hệ xương được chắc, khỏe.

 
Ảnh minh họa

Như vậy, dù là hạt chia, hay quả việt Qquất thì cũng là một loại thực phẩm tự nhiên, có chứa một số thành phần dinh dưỡng nhất định với tỷ lệ và hàm lượng khác nhau. Nhưng chắc chắn nó không phải là một loại “Siêu thực phẩm” có thể thay thế cho tất cả các loại thực phẩm khác, và nó cũng không chứa đầy đủ mọi thành phần dinh dưỡng cần thiết cho nhu cầu của con người. Như trên đã nói, những cụm từ như “Siêu thực phẩm” thường được các nhà kinh doanh, sản xuất sử dụng để quảng cáo cho các sản phẩm của họ.

Để bảo đảm yếu tố dinh dưỡng hợp lý thì bữa ăn cần phối hợp đa dạng nhiều loại thực phẩm khác nhau, có như thế mới đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng, bao gồm cả những chất dinh dưỡng đa lượng và cả những vi chất dinh dưỡng vốn rất quan trọng với sức khỏe của con người. Bên cạnh đó, cần bảo đảm về vệ sinh an toàn thực phẩm, thức ăn không được là nguồn gây bệnh; Duy trì hoạt động thể lực hợp lý, có một lối sống năng động, lành mạnh.., đó là những yếu tố căn bản để có một tình trạng dinh dưỡng và sức khỏe tốt.

BS. Trịnh Hồng Sơn – Viện Dinh dưỡng