Dự phòng và xử trí thừa cân béo phì

Cập nhật: 12/22/2010 - Lượt xem: 13813

I. TÌNH HÌNH VÀ HẬU QUẢ CỦA THỪA CÂN – BÉO PHÌ

Thừa cân – béo phì (TC-BP) là một vấn đề sức khỏe đáng quan tâm và hiện nay đang có xu hướng tăng nhanh tại các thành phố lớn ở cả người lớn và trẻ em. Tại Hà Nội, trẻ em mẫu giáo (4-6 tuổi) tỷ lệ TC-BP là 4,9% (2002), học sinh tiểu học là 7,9% và tại quận I Thành phố Hồ Chí Minh là 22,9%. Tỷ lệ TC-BP ở phụ nữ lứa tuổi 20-49 là 10,3% tại khu vực thành phố và 3,8% ở nông thôn.

Béo phì là một bệnh lý độc lập nhưng là yếu tố nguy cơ của nhiều bệnh như rối loạn lipid máu, tăng huyết áp, đái tháo đường, sỏi mật, ung thư…

II. NGUYÊN NHÂN CỦA THỪA CÂN - BÉO PHÌ

  •  Chế độ ăn không hợp lý, ăn nhiều chất béo, chất ngọt và ăn quá nhiều so với nhu cầu cơ thể.
  •  Hoạt động thể lực ít: Sống tĩnh tại, ít hoạt động thể lực và rèn luyện thể dục thể thao.
  •  Ngoài ra còn có các yếu tố khác như yếu tố kinh tế xã hội, yếu tố di truyền…Đồng thời người ta còn nhận thấy trẻ em bị suy dinh dưỡng sớm đến khi trưởng thành dễ bị béo phì.

III. DỰ PHÒNG THỪA CÂN BÉO PHÌ

Nhiệm vụ của cộng tác viên dinh dưỡng trong dự phòng TC-BP cho cộng đồng như sau:

1.      Theo dõi, giám sát và báo cáo thường xuyên tỷ lệ TC-BP ở trẻ em và người trưởng thành tại địa phương. Chú ý giám sát tình trạng thừa cân béo phì của học sinh tại trường học.

2.      Tăng cường công tác truyền thông giáo dục dinh dưỡng về phòng tránh thừa cân – béo phì và các bệnh mãn tính có liên quan đến dinh dưỡng, phổ biến “10 lời khuyên dinh dưỡng hợp lý”.

3.      Khuyến khích mọi người dân thực hiện lối sống năng động và rèn luyện thể dục thể thao thường xuyên.

IV. XỬ TRÍ THỪA CÂN BÉO PHÌ

1. Đối với người lớn:

Khi phát hiện có đối tượng TC-BP thì CTV dinh dưỡng cần theo dõi tình hình bệnh tật kèm theo của đối tượng và hướng dẫn cách giảm chế độ cân như sau:

  •   Chế độ ăn

-        Giảm năng lượng ăn vào bằng cách: ăn bớt cơm, không ăn đường mật, bánh kẹo, nước ngọt, các món có nhiều thịt mỡ, các món xào, rán có nhiều chất béo.

-        Nên ăn cá, thịt nạc, ăn các món luộc, hấp thay cho các món rán, xào. Uống sữa gầy, sữa không đường, nước chè xanh.

-        Ăn nhiều rau xanh và các loại hoa quả ít ngọt.

  •  Lối sống:

-        Thực hiện lối sống năng động, lao động thể lực nhiều để tăng tiêu hao năng lượng.

-        Rèn luyện thể dục thể thao thích hợp theo lứa tuổi và tình trạng sức khỏe.

2. Đối với trẻ em

CTV dinh dưỡng cần theo dõi tình trạng dinh dưỡng của trẻ em, quan tâm báo cáo cả trẻ bị suy dinh dưỡng và trẻ bị thừa cân – béo phì.

Cách xử trí béo phì trẻ em khác với người trưởng thành là không bắt trẻ giảm ăn, vẫn phải cho trẻ ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng để bảo đảm sự phát triển của đứa trẻ, đặc biệt là các vitamin và vi chất dinh dưỡng như can-xi, kẽm…

Nếu phát hiện trẻ thừa cân – béo phì cần tư vấn trực tiếp cho bà mẹ với các nội dung:

1.      Chế độ ăn:

-        Nuôi con bằng sữa mẹ ngay sau đẻ và tiếp tục cho bú đến 18-24 tháng.

-        Cho trẻ ăn phối hợp nhiều loại thực phẩm, chế độ ăn cân đối hợp lý bảo đảm nhu cầu dinh dưỡng theo lứa tuổi.

-        Cho trẻ ăn đúng giờ theo bữa.

Những điều nên tránh:

-        Không nên cho trẻ uống các loại nước ngọt có ga.

-        Hạn chế các loại bánh kẹo, đường mật, kem sữa đặc có đường.

-        Không nên dự trữ các loại thức ăn giàu năng lượng như: Bơ, pho mát, bánh, kẹo, chocolat, kem, nước ngọt trong nhà.

-        Không nên cho trẻ ăn nhiều vào lúc tối trước khi đi ngủ.

2. Tăng cường hoạt động thể lực ở trẻ.

So với điều trị bằng chế độ ăn, tăng cường hoạt động thể lực tỏ ra có hiệu quả hơn, giúp trẻ phát triển chiều cao và duy trì sức khỏe tốt.

        Các biện pháp giúp trẻ tăng cường vận động:
        Các bậc cha mẹ cần quan tâm ủng hộ và tạo mọi điều kiện giúp trẻ năng động.

-        Tạo niềm thích thú của trẻ đối với các hoạt động thể thao. Khuyến khích trẻ tham gia các môn thể dục thể thao như đi bộ, chạy, nhảy dây, đá bóng, cầu lông, đá cầu, bơi lội..

-        Hướng dẫn trẻ sống năng động, tham gia làm các công việc ở nhà: Lau dọn nhà cửa, xách nước tưới cây, bưng bê đồ đạc…

-        Hạn chế ngồi xem ti vi, video, trò chơi điện tử…Không nên bắt trẻ học quá nhiều, nên tạo điều kiện để trẻ được vui đùa chạy nhảy sau những giờ học căng thẳng.