Bố tôi giờ đã ngoại
70, sức yếu nên “thực lượng” kém. Mẹ tôi là người nấu nướng khéo nhưng nhiều bữa ăn bố tôi vẫn uể oải. Những lúc như vậy
tôi thường nghe mẹ nói một câu: “Ông lại thèm canh lá bứa chứ gì?” Khi ấy bố chỉ
ậm ừ rồi cố ăn để vui lòng mẹ, còn bà hơi thoáng nét u buồn. Tôi hiểu, mẹ tôi
không ghen với những kỷ niệm hào hùng thời trai trẻ của chồng mà bà chỉ tiếc là
không còn chiều được ông như xưa nên đôi lúc thêm chút gia vị cho tình yêu càng
đẹp mà thôi. Nếu bây giờ phải trèo đèo lội suối để có bát canh lá bứa làm ngon
miệng chồng chắc bà sẽ cố, nhưng đó chỉ là việc không tưởng.
Một hôm mẹ đi
vắng tôi tò mò hỏi bố xem lá bứa như thế nào, nấu canh ngon ra sao và bố tôi kể
về canh lá bứa rất sôi nổi, chi tiết...
Rồi tôi được đọc cuốn nhật ký “Kỷ niệm Trường Sơn” của ông.
Bố tôi kể: “nấu canh lá bứa thật là đơn giản, cũng như ta nấu
canh rau muống nhưng phải biết chọn cây và lá. Khi vào rừng phải tìm những cây
cao vừa bằng nóc nhà một tầng và mọc ở nơi có nắng, lá có đủ 3 loại: non màu hồng,
hơi non màu xanh vàng, bánh tẻ màu xanh bóng. Sau khi chọn được cây thì trèo
lên chặt lấy một cành nhưng không lấy cành thấp nhất (tránh lấy phải lá quá
già) đem về tuốt lá ăn trong ngày. Những lá màu xanh có thể vò qua để lấy vị chua
còn những lá non cứ để nguyên cũng được. Canh lá bứa được nấu với cá mắm khô.
Thời chiến, lại ở biên giới thế là tốt lắm rồi. Khéo thì kiếm thêm được vài quả
ớt rừng cay chảy nước mắt, mấy khi có thịt. Thế mà có kỳ ăn như vậy cả tháng cũng
không chán. Cơm cứ hết bay, nhiệm vụ vẫn hoàn thành tốt, “tiếng hò vẫn vang hơn
bom nổ”.
Nghe bố kể cứ tưởng tượng ra bát canh có ba màu ngon mắt, có
vị chua dìu dịu của lá bứa, có vị cay cay của ớt rừng, vị đậm đà của cá mắm làm cổ
họng tôi cứ phập phồng.
Tôi vốn là người rất thích canh chua.
Chả trách gì thơ
bố tôi hay nói đến cây bứa. Trong cuốn nhật ký đã ố vàng bố tôi từng viết: “Bát
canh lá bứa đậm đà tình em.” Kể cả khi mới gặp mẹ tôi bố cũng viết: “Trông em
đã biết là chua, tính ngang cành bứa càng ưa, càng gần.”...
Bây giờ ngồi xem
ti vi thấy cảnh cháy rừng và nghe tin lâm tặc là bố tôi buồn lắm. Chắc lúc đó
ông đang thương rừng cây đã một thời che chở ông và đồng đội trong đó có biết
bao cây bứa cho những bát canh đậm đà tình người, tình đất nước quê hương dù mấy
chục năm rồi vẫn không thể nào quên được.
Linh Tâm