Canh Sao

Cập nhật: 5/27/2017 - Lượt xem: 2721

Nhìn ngoại hình của tôi bây giờ không ai có thể nghĩ rằng trước kia tôi lại là một cô bé vô cùng lười ăn. Thế nhưng có một bữa ăn hồi mới bẩy tuổi tôi ăn nhiều, nhanh mà chỉ nghe bố tôi kể lại những người thân đều nhớ, còn tôi tất nhiên là không thể nào quên được dù đã qua ba chục năm có lẻ. Đó là hôm mẹ tôi đi công tác xa, bố tôi đã cho tôi ăn một bữa cơm với món « canh sao».

Hồi đó nhà tôi ở khu tập thể xí nghiệp gỗ Chèm Hà Nội có nghĩa là ở ngoài đê sông Hồng. Hôm ấy nước lụt tràn vào đang rút ra, dưới xưởng nước còn sâu nên mọi người đều ngồi chờ nước cạn tương đối mới dọn dẹp được. Bố tôi và các chú công nhân cùng ngồi trên bậc thềm cao của khu nhà văn phòng tán chuyện đợi thì bỗng nhiên ở chỗ nước đến lưng ống chân có một con cá to quẫy làm sóng nước bắn tung tóe. Mọi người lao xuống bắt nhưng không làm sao bắt được vì nước còn sâu quá, bố tôi cũng vậy. Sau một hồi quần thảo quần áo ai cũng ướt sũng tôi thấy bố chụm hai tay vào hất con cá lên chỗ nước đã cạn hết và thế là ngày hôm đó tôi được ăn cơm với canh sao. « Canh sao » là tên bố tôi đặt cho bát canh cá nấu với khế và rau thìa là do cô công nhân hàng xóm cho. Bây giờ tôi vẫn nhớ như in bát canh ngon lành trong đó có cái đầu và khúc đuôi cá thơm thơm, mồm con cá há ra như muốn đớp lấy những miếng khế vàng xanh tựa những ngôi sao đang lững lờ, còn rau thìa là xanh đậm giống những đám mây trôi trôi….Sau bữa cơm đó cứ vài ngày mẹ tôi lại nấu một nồi canh như vậy nhờ thế dần dần tôi có hứng thú trong ăn uống.

          
Canh cá nấu khế (ảnh minh họa)
Khi đã trở thành một cô gái biết quan tâm đến việc bếp núc tôi mới hỏi mẹ cách bố nấu canh cá chua ngon lành. Mẹ nói : «Canh sao bố nấu hồi đó làm con thích thú vì nhiều nguyên nhân. Một là do mẹ đi vắng con bao giờ cũng ăn uống ngoan hơn. Hai là do con tự hào khi rất nhiều người cùng lao vào bắt cá nhưng chỉ có mình bố bắt được. Ba là do bố đặt cho bát canh một cái tên rất lạ. Bốn là con vừa ăn vừa được nghe bố kể chuyện cá chép hóa rồng khi vượt vũ môn ». Mẹ còn nói : « Bố cũng thực hiện đúng quy trình khi làm cá như bóc mang, rửa sạch bằng muối cho hết nhớt rồi ướp cá với mắm muối gia vị sau đó rán kỹ khúc giữa còn khúc đầu và đuôi chỉ rán sơ qua để khi nấu canh cá không bị khô và giữ được vị ngọt của cá tươi. Sau khi phi hành bằng dầu ăn thì cho nước vào đun sôi rồi mới cho đầu, đuôi cá vào để cá không bị tanh và chỉ đun sôi liu riu giữ cá không bị nát. Có hai bố con ở nhà chắc chắn bố phải ước tính lượng nước vừa đủ để canh ngon, ngọt hơn. Thực ra nấu canh cá chua còn phải thêm vài miếng gừng cho thơm và cà chua vào khi phi hành để tạo màu cho đẹp mắt. Canh cá ăn kèm với rau ngổ, rau xà lách, rau diếp, rau thơm hoặc giá sống có thêm vài quả ớt tươi thì ngon hơn nhưng những thứ đó con ăn chưa quen và trong hoàn cảnh lụt như vậy thì kiếm đâu ra ».                                                                                      
Bây giờ đã có gia đình riêng tôi vẫn thấy món cá nấu canh chua là món canh ngon nhất và nhớ lại bữa ăn kỷ niệm đầy ắp tiếng cười khi nghe bố tôi kể: Chủ khảo Ba Ba vươn dài cổ thét : « Đứa nào mang c.. vào phòng thi đó? Tiếng nhỏ nhẹ cất lên ở cuối phòng thi :« Thưa thầy, c..ở trên đầu Tôm đấy ạ ! ».

                                                                                        Linh Tâm