Nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính ở trẻ em

Cập nhật: 5/27/2017 - Lượt xem: 40185

Nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính (NKHHCT) là bệnh có tỷ lệ mắc và tử vong cao ở trẻ dưới 5 tuổi.

Nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính được chia làm 2 loại: NKHHCT trên và NKHHCT dưới, lấy nắp thanh quản làm ranh giới.

Nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính trên (Viêm đường hô hấp trên) gồm viêm mũi họng, viêm tai giữa, viêm VA, Amidan. Ở trẻ em chủ yếu là NKHHCT trên và thường là bệnh nhẹ.

Nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính dưới (Viêm đường hô hấp dưới) gồm viêm thanh quản, khí quản, phế quản và viêm phổi.

1. Nguyên nhân 

  • Trẻ bị NKHHCT là do nhiễm virus và vi khuẩn.
  • Virus: 60-70% NKHHCT là do virus, virus hợp bào hô hấp, virus cúm, Adenovirus.
  • Vi khuẩn:   Phế cầu, Hemophilus Influenza.

Tụ cầu, liên cầu.

E.coli, Klebsiella Pneumococcus…

2. Các yếu tố nguy cơ làm cho trẻ dễ bị nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính

  • Trẻ nhỏ dưới 1 tuổi, nhất là trẻ sơ sinh.
  • Trẻ đẻ thấp cân (dưới 2500g)
  • Trẻ bị mắc các bệnh: sởi, suy dinh dưỡng, còi xương, tim bẩm sinh…
  • Môi trường:

+ Khí hậu lạnh, thời tiết thay đổi, độ ẩm cao.

+ Vệ sinh môi trường ô nhiễm, nhà ở chật chội, ẩm thấp bụi bặm, khói bếp, khói thuốc lá.

3. Phát hiện và xử trí.

a. Nếu trẻ bị ho và cảm lạnh thường biểu hiện ho, sốt chảy nước mũi, thở bằng miệng, nhịp thở bình thường. Bệnh tự khỏi trong vòng 2 tuần, nguyên nhân thường do virus, dùng kháng sinh không có tác dụng, chỉ cần điều trị triệu chứng và Chăm sóc trẻ tại nhà.

  • Đặt trẻ nằm nơi thoáng khí và giữ ấm cho trẻ.
  • Nếu trẻ ho nhiều chỉ nên dùng thuốc ho dân tộc như hoa hồng bạch, quất hấp mật ong.
  • Dùng khăn thấm nước vê nhọn một đầu để làm sạch mũi, nhất là trước khi cho trẻ ăn.
  • Tăng cường bú mẹ, cho trẻ bú nhiều lần hơn bình thường. Khi cho bú có thể giữa chừng cho trẻ nhả vú ra, sau đó lại tiếp tục cho bú. Nếu trẻ khó bú thì vắt sữa mẹ cho ăn bằng thìa.
  • Nếu trẻ không được nuôi bằng sữa mẹ thì cho ăn sữa bò dưới dạng sữa bột công thức dành cho trẻ em theo lứa tuổi.
  • Thức ăn bổ sung như bột cháo nấu loãng hơn bình thường nhưng có đủ thành phần các chất dinh dưỡng (gạo + thịt hoặc trứng, đậu đỗ + rau xanh + dầu mỡ).
  • Nên chia nhiều bữa nhỏ trong ngày để trẻ nhận đủ số lượng và luôn thay đổi món ăn để kích thích sự thèm ăn giúp trẻ ăn ngon miệng.
  • Cho trẻ uống thêm nước chín, nước hoa quả để cung cấp vitamin A, C, sắt…và bù lại lượng nước mất đi do sốt.
  • Hạ sốt khi nhiệt độ ≥ 390C bằng thuốc hạ sốt.

    Trong thời gian xử trí tại nhà nếu trẻ có biểu hiện ho kéo dài, thở nhanh, khó thở, bú kém, không uống được hoặc trẻ mệt mỏi hơn cần đưa trẻ đến khám tại cơ sở y tế.

b. Viêm phổi

  • Nếu trẻ bị sốt ho, nhịp thở nhanh là biểu hiện của viêm phổi. Cần đếm nhịp thở trong 1 phút khi trẻ nằm yên.

- Trẻ dưới 2 tháng tuổi nhịp thở trên 60 lần/phút là thở nhanh

- Trẻ từ 2-12  tháng tuổi nhịp thở trên 50 lần/phút là thở nhanh.

- Trẻ từ 12 tháng đến 5 tuổi nhịp thở trên 40 lần/phút là thở nhanh.

  • Cần điều trị kháng sinh theo chỉ dẫn của thầy thuốc và Chăm sóc dinh dưỡng tại nhà. Nếu sau 2 ngày không đỡ phải đưa trẻ đến bệnh viện.

c. Viêm phổi nặng

  • Nếu trẻ ho, sốt, nhịp thở nhanh, co rút lõm lồng ngực là viêm phổi nặng và bệnh. Rất nặng nếu có thêm 1 trong 5 dấu hiệu nguy hiểm sau:

- Không uống được.

- Co giật.

- Ngủ li bì, khó đánh thức.

- Thở rít khi nằm yên

- Suy dinh dưỡng nặng.

Những trường hợp này cần đưa trẻ đi bệnh viện ngay để điều trị cấp cứu và Chăm sóc đặc biệt.

d. Đối với trẻ dưới 2 tháng tuổi.

  • Ngoài những biểu hiện chung của bệnh, trẻ còn có những triệu chứng riêng khi bị viêm phổi.

- Trẻ có thể không sốt, ngược lại có thể hạ nhiệt độ.

- Bú kém hoặc bỏ bú, đùn bọt mép.

- Nhịp thở không đều

  • Các dấu hiệu nguy hiểm là:

- Bú kém hoặc bỏ bú

- Co giật

- Ngủ li bì, khó đánh thức.

- Thở rít khi nằm yên.

- Sốt hoặc hạ nhiệt độ.

    Trẻ nhỏ dưới 2 tháng tuổi bị viêm phổi đều là nặng, không nên điều trị tại nhà cần phải điều trị bệnh viện.

4. Phòng bệnh nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính.

  • Bảo đảm cho trẻ được bú sữa mẹ, bú sớm ngay sau đẻ, bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu và bú kéo dài đến 2 năm.
  • Ăn bổ sung hợp lý, thức ăn bổ sung có đủ 4 nhóm thực phẩm (ngũ cốc + đạm động vật hoặc đậu đỗ + dầu mỡ + rau quả).
  • Giữ ấm cho trẻ nhất là mùa lạnh hoặc khi thay đổi thời tiết.
  • Vệ sinh cá nhân và môi trường sạch sẽ, tránh khói thuốc lá, than bụi trong nhà.
  • Tiêm chủng đầy đủ đúng lịch, đặc biệt là hoàn thành tiêm chủng trong năm đầu.
  • Khi trong gia đình có người bị nhiễm khuẩn hô hấp như cúm, lao phổi, cần cách ly để không lây nhiễm sang trẻ.
  • Phát hiện bệnh sớm và Chăm sóc tốt khi trẻ bị bệnh.
PGS.BS Đào Thị Ngọc Diễn