Bệnh tiêu hóa ở người cao tuổi

Cập nhật: 5/26/2017 - Lượt xem: 12599
Bệnh lý răng miệng ít được quan tâm hơn cả. Nhiều NCT cho rằng răng đơn thuần mang tính thẩm mỹ, khi mất răng họ thường tìm cách thay đổi thức ăn để dễ nuốt hơn như chan canh, thổi cơm nát, tăng chất lỏng... Trong trường hợp này thì dạ dày là kẻ chịu trận đầu tiên: thức ăn không được nghiền nát và tiêu hoá một phần nhờ hệ thống nước bọt ở trên bị đổ thẳng vào dạ dày cùng nước canh khiến lượng dịch vị vốn đã ít khó có thể tiêu hoá trung gian được. Môn vị sẽ không mở để hỗn dịch xuống hành tá tràng, lúc này thức ăn bị ứ trệ gây chướng bụng, ậm ạch, khó tiêu, tạo điều kiện cho vi khuẩn và acid gây viêm tại chỗ. Người Pháp có câu ngạn ngữ hãy đừng uống trong bữa ăn chính là có hàm ý như vậy.

Điều dễ khắc phục hơn cả nên làm cho các cụ một bộ răng giả có thể tháo lắp dễ dàng phù hợp cho việc ẩm thực ở vào độ tuổi :

Mái tóc chòm xanh chòm lốm đốm,

Hàm răng chiếc rụng cái lung lay.

Y học Đông phương cho rằng ở độ tuổi cao, thận âm hư nên không chế khắc được 4 tạng hoả nên gây một loạt bệnh tương ứng: Tâm hoả vượng còn gọi là tâm phiền gây mất ngủ, Can hoả vượng gây nóng trong, cao huyết áp, Phế nhiệt tạo điều kiện gây viêm phế quản, viêm họng mạn tính và đặc biệt là Vị nhiệt với biểu hiện thường gặp như loét miệng, viêm dạ dày, tá tràng...

Nghiên cứu của khoa học hiện đại cho thấy: khi vào độ tuổi ngoài năm mươi, trung tâm báo khát ở trên não kém hiệu quả nên phần nhiều NCT uống không đủ lượng nước cần thiết trong ngày. Ngoài những biểu hiện mệt mỏi thường thấy như da khô, tim đập nhanh, ngủ kém... thì hệ thống tiêu hoá cũng bị ảnh hưởng toàn diện: miệng khô đắng gây kém hứng thú khi đến bữa, lượng dịch vị thiếu hụt khiến NCT thích ăn món có nước “già được bát canh, trẻ được manh áo”. Khi chúng ta ăn rau thì lượng nước khá cân bằng nhưng khi thức ăn có đạm, lượng dịch tiêu hoá hay nước cần để chuyển hoá đòi hỏi nhiều hơn gấp ba lần đối với các thức ăn như trứng, cá, thịt màu trắng... thậm chí gấp 5 lần khi ăn thịt bò, thịt chó, rượu.... Như vậy sau các bữa ăn thịnh soạn NCT luôn kêu nóng trong, khi đi khám bệnh các xét nghiệm cho kết quả bình thường khiến các bác sĩ lúng túng trong điều trị: cho đơn thuốc với một vài thứ bổ gan và nhóm B tổng hợp khiến NCT càng có cảm giác nóng hơn.

Theo thời gian một số NCT mất hứng thú ăn thức ăn chứa protit, lâu dần cơ thể suy nhược hoặc có một số bệnh trở nên trầm trọng hơn như loãng xương, thoái khớp, nhiễm trùng, thiếu máu... Khi cơ thể thiếu nước, đại tràng sẽ tăng cường tái hấp thu lượng nước vốn ít ỏi ở NCT, lượng phân bị khô dần gây táo bón và sự đình trệ lâu dài khiến cơ thể bị ngộ độc gây đau đầu, mất ngủ, lão hoá nhanh.... Các nhà Ung thư học cho biết một trong các nguyên nhân gây ung thư dạ dày, đại tràng là do sự tích tụ chất cặn bã và nhiễm khuẩn kéo dài. Quá trình táo bón khiến NCT phải rặn nhiều làm dãn các búi tĩnh mạch tại trực tràng gây trĩ nội và trĩ ngoại để mỗi lần đi ngoài lại mất một ít máu vốn đã không đủ trên một cơ thể có nhiều bệnh lý đan xen.

Cũng như đau đầu, đau bụng là một triệu chứng không đặc hiệu nhiều khi khó chẩn đoán, nhất là trên cơ thể đa bệnh lý ở NCT. Có những trường hợp ít có biểu hiện đau nhưng khi soi dạ dày đã có xuất hiện hình thái ung thư, một số người bệnh có biểu hiện đau bụng dọc khung đại tràng, xét nghiệm và điều trị nhiều nơi không đỡ nhưng thực ra nguyên nhân lại do thoái hoá cột sống gây rối loạn hoạt động thần kinh khoanh tuỷ tương ứng.

Bệnh lý tiêu hoá không phải là nguyên nhân tử vong hàng đầu nhưng cùng với thời gian, nó làm giảm đáng kể chất lượng sống của chúng ta với những chi phí cơ hội không đáng có. Bệnh sẽ được chẩn đoán, điều trị và dự phòng kịp thời bằng quá trình hỏi bệnh tỉ mỉ, thăm khám kỹ kết hợp với các phương tiện Y học đương đại.