Có hai loại sán lá gan: Sán lá gan nhỏ (Clonorchis sinensis) và sán lá gan lớn (Fasciola hepatica), cả
hai loại sán lá gan này đều có ở nước ta. Từ trước đến nay chúng ta chú ý nhiều
đến sán lá gan nhỏ vì bệnh này rất phổ
biến ở vùng nông thôn đồng bằng, nơi bà con có thói quen ăn gỏi cá. Nhưng trong
ít năm gần đây bệnh sán lá gan lớn đột nhiên phát triển mạnh ở nhiều nơi. Cho đến
nay chúng ta đã phát hiện được sán lá gan lớn ở 45 trên 64 tỉnh, thành phố của nước ta và bệnh vẫn đang tiếp tục
lan rộng.
Theo Viện sốt rét – ký
sinh trùng và côn trùng Quy Nhơn, từ đầu năm 2009 đến nay bệnh sán lá gan lớn đã
cùng lúc xuất hiện trên nhiều tỉnh, thành khu vực miền Trung – Tây Nguyên khiến
các cơ sở điều trị trong vùng lâm vào tình trạng quá tải bệnh nhân. Chúng ta cần
cảnh giác trước sự bùng nổ của căn bệnh nguy hiểm này.
Theo số liệu thống kê
chưa đầy đủ, trong những tháng đầu năm nay, số người bị sán lá gan lớn được
phát hiện và điều trị đã lên tới 2.085 trường hợp, tăng khoảng 70% so với các năm
trước. Muốn phòng bệnh, chúng ta cần tìm hiểu về cả hai loại sán này để có những
biện pháp phòng chống tích cực.
Cá gỏi, nguyên nhân chính gây bệnh sán lá gan nhỏ ở nước
ta
Theo điều tra của Viện sốt rét, ký sinh trùng
và côn trùng tại một số tỉnh ở đồng bằng sông Hồng số người mắc bệnh sán lá gan
nhỏ rất nhiều, có nơi tỷ lệ mắc lên tới 33%.
Đây là một loại sán nhỏ
(tên khoa học là Clonorchis sinensis), thân dẹt, thường có màu đỏ nhạt, dài khoảng
1 - 2cm, ngang 2 - 4mm, có hai mồm hút. Chúng ký sinh ở những ống dẫn mật trong
gan, bám chặt bằng mồm hút để chiếm thức ăn, gây những tổn thương nghiêm trọng ở
gan và ống mật.
Chu
kỳ của loài sán này rất phức tạp, gồm tới ba vật chủ là ốc, cá và người. Chúng đẻ
trứng rất nhỏ. Những trứng này theo mật vào ruột và bị đào thải ra ngoài theo
phân. Ra khỏi cơ thể người, trứng sán trôi xuống nước phát triển thành ấu trùng
tìm ốc ký sinh. Trong ốc, ấu trùng tiếp tục phát triển, sau đó chúng bỏ ốc tìm
một số loài cá nước ngọt ký sinh trong cơ của cá trở thành những nang trùng.
Ở nước ta, nhiều loài
cá như cá chép, cá mè, cá diếc, cá trôi... đều có thể nhiễm ấu trùng sán lá gan
nhỏ và trở thành vật chủ trung gian truyền bệnh cho người. Nếu chúng ta ăn những
con cá này nấu chưa chín, đặc biệt là món cá gỏi, sẽ ăn phải nang trùng sán lá
gan vào ruột, và chỉ 15 giờ sau chúng sẽ di chuyển tới ống mật, 26 ngày sau
chúng trở thành sán lá gan và hoàn thành chu kỳ. Thực nghiệm cho thấy từ lúc người
ta ăn phải nang trùng đến khi sán trưởng thành đẻ ra trứng chỉ khoảng một
tháng.
Như vậy, ăn cá nấu chưa
chín và đặc biệt ăn gỏi cá là nguyên nhân chính gây ra bệnh sán lá gan nhỏ.
Trên thực tế người ta thấy hầu hết những người mắc bệnh sán lá gan nhỏ đều đã
nhiều lần ăn gỏi cá. Chúng sống trong những
ống dẫn mật ở gan, làm ống mật bị xơ cứng và gây tắc mật, dẫn đến những hậu quả
khôn lường.
Người bị bệnh sán lá
gan thường có những triệu chứng sau: rối loạn tiêu hoá, chán ăn, buồn nôn, thiếu
máu, đau tức ở vùng gan, người gầy sút, phù nề, đôi khi sốt thất thường. Bệnh
nhân có thể bị vàng da, phù nề toàn thân, nôn ra máu, rối loạn tim mạch. Trường
hợp nặng và không được điều trị kịp thời có thể dẫn tới xơ gan cổ trướng, áp xe
gan thoái hoá, rất dễ tử vong.
Chu kỳ phát triển (vòng đời) của sán lá gan nhỏ
|
Chu kỳ phát triển (vòng đời) của sán lá gan lớn
Ăn rau sống và các cây củ mọc dưới nước còn
sống rất dễ mắc bệnh sán lá gan lớn
Bệnh sán lá gan lớn từ
trước đên nay ít phổ biến hơn, nhưng hiện đang tăng đột biến ở nhiều địa phương
và đang có khả năng lan rộng nên chúng ta phải hết sức cảnh giác.
Sán lá gan lớn hình thù giống như một cái lá cây màu cháo
lòng hoặc nâu nhạt, dài khoảng 2 - 3cm, rộng từ 10 đến 15mm. Chúng sống trong ống
mật của người bệnh, đẻ trứng và từ ống mật trúng sán di chuyển xuống ruột theo
phân ra ngoài, xuống nước nở thành ấu trùng. Trong nước ấu trùng sán này cúng
"thay hình đổi dạng" nhiều lần như sán lá gan nhỏ, nhưng khác một điều
là chúng không vào ký sinh trong cơ thể cá mà lại bám vào các loại thực vật mọc
dưới nước trở thành nang trùng sống ở đấy .Khi chúng ta ăn phải các loại rau củ
mọc dưới nước có nang trùng không được nấu chín kỹ hoặc ăn sống sẽ ăn theo cả
nang trùng sán vào cơ thể và mắc bệnh. Ngoài ra chúng ta cũng có thể mắc bệnh
do uống nước lã có nang trùng sán.
Nguyên nhân chính gây bệnh sán lá gan lớn là do giữ
gìn vệ sinh ăn uống kém, ăn những rau củ mọc dưới nước còn sống (như rau cần nước,
rau muống nước, cải soong, rau ngổ, củ niễng, ngó sen, v. v...) hoặc uống mước
lã có nang trùng.
Về triệu chứng của bệnh này cũng gần giống bệnh sán lá
gan nhỏ, chủ yếu là rối loạn tiêu hoá, đau tức ở vùng gan, gầy sút, phù nề, có
dấu hiệu viêm mạn tính ống mật, đôi khi có sốt, có biến chứng xuất huyết ống mật...
Nguyên tắc phòng chống bệnh giun sán truyền qua thức ăn là cắt đứt mắt xích trong chu kỳ phát triển của ký sinh trùng, trong đó chủ yếu là cắt đứt đường lây lan vào người do ăn các thức ăn chưa nấu chín. Đồng thời điều trị đặc hiệu cho bệnh nhân để diệt trừ mầm bệnh và bảo vệ sức khỏe, quản lý phân tốt, xây dựng hố xí hợp vệ sinh, không làm hố xí cầu ao, không cho cá ăn phân người, phối hợp chặt chẽ giữa thú y và y tế, tăng cường kiểm soát thú y và vệ sinh môi trường thủy sản.
Như vậy ở nước ta có cả hai loại sán lá gan lớn và nhỏ.
Muốn đề phòng các loại sán lá trên chúng ta phải giữ gìn vệ sinh ăn uống thật tốt,
thực hiện triệt để “ăn chín, uống nước đã đun sôi”, không ăn rau sống, không uống
nước lã, không được ăn cá chưa nấu chín, nhất là món cá gỏi. Đây cũng là những
biện pháp cơ bản để đề phòng không chỉ bệnh sán lá gan mà còn phòng bệnh tiêu chảy cấp nguy hiểm và các bệnh truyền
nhiễm đường tiêu hoá đang đe doạ sức khoẻ nhân dân ta.