Cách khắc phục chứng chán ăn hậu COVID-19

Cập nhật: 3/13/2022 - Lượt xem: 11935

Có rất nhiều người dù đã được xác định khỏi bệnh COVID-19 nhưng vẫn còn các triệu chứng kéo dài như đau đầu, mất ngủ, thay đổi khứu giác hoặc vị giác làm giảm cảm giác khi ăn uống, dẫn đến không muốn ăn, suy dinh dưỡng. Làm gì để khắc phục tình trạng này?

Cảm giác chán ăn hậu COVID-19 có thể được cải thiện khi bạn chú ý đến một số điều chỉnh đơn giản trong bữa ăn hàng ngày của mình.

1. Cân đối lại bữa ăn để tìm cảm giác ngon miệng hậu COVID-19

1.1 Chia từng bữa nhỏ

Hậu COVID-19, khi cơ thể vẫn còn mệt mỏi và cảm giác chán ăn, việc phải ăn nhiều trong một bữa ăn có thể khiến người bệnh cảm thấy ngán và khó tiêu hóa, dễ bị buồn nôn.

Nếu chia ra từng khẩu phần nhỏ, ăn thành nhiều bữa, bạn sẽ không thấy lượng thức ăn quá nhiều và vẫn có thể cung cấp đủ lượng chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể.

1.2 Dùng đĩa lớn hơn

Đựng thức ăn trong bát, đĩa to sẽ tạo cảm giác thức ăn trở nên ít đi, tạo cảm giác thoải mái và bạn sẽ thấy không phải quá sức để xử lý hết cả chỗ thức ăn trên đĩa nữa.

1.3 Hạn chế thức ăn nhiều dầu mỡ

Ăn các món chiên rán với nhiều dầu mỡ sẽ khiến bạn cảm thấy ngấy và cảm giác chán ăn sang cả những món khác.

1.4 Thêm gia vị cho món ăn

Để tạo thêm hương vị, kích thích cảm giác thèm ăn bạn có thể thêm một ít quế vào thức uống hoặc trong bất kỳ đĩa thức ăn nào yêu thích. Quế và các loại gia vị khác sẽ có lợi cho quá trình tiêu hóa, khiến bạn ăn nhiều hơn.

1.5 Ăn cùng gia đình

Sau khoảng thời gian phải cách ly mọi người, lúc này bạn nên ăn uống cùng gia đình. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy bạn có thể sẽ ăn nhiều hơn khi trò chuyện và thưởng thức một bữa ăn vui vẻ cùng mọi người.

1.6 Ăn thức ăn mềm, dễ tiêu hóa

Người sau điều trị COVID-19 thường mệt mỏi, chán ăn vì vậy cần ăn nhiều lần trong ngày, chú ý bảo đảm dinh dưỡng, nên chọn những thực phẩm giàu protein có giá trị sinh học cao và cung cấp các axit amin thiết yếu, tránh ăn quá no có thể gây khó thở. Các món ăn chế biến ở dạng mềm, thái nhỏ, hầm kỹ để dễ tiêu hóa và hấp thu như cháo, súp, canh hầm…

1.7 Thường xuyên thay đổi thực đơn

Thay đổi món ăn thường xuyên, tránh đơn điệu để bữa ăn sẽ ngon hơn. Tăng cường bổ sung sữa và các sản phẩm của sữa 2 cốc/ngày, vì sữa có đủ các thành phần dinh dưỡng ở tỷ lệ cân đối, dễ tiêu hóa và hấp thu phù hợp với người mới khỏi bệnh. Đặc biệt với sữa năng lượng cao, làm cơ thể người bệnh mau chóng phục hồi.

2. Thực phẩm tốt cho sức khỏe người bệnh sau mắc COVID-19

2.1 Thực phẩm giàu vitamin C

Vitamin C được biết đến như là "vitamin miễn dịch" của cơ thể. Ngoài chế độ dinh dưỡng cân bằng, vận động và nghỉ ngơi hợp lý, bổ sung vitamin C tự nhiên từ thực phẩm đóng vai trò quan trọng trong việc giúp cơ thể xây dựng hàng rào bảo vệ sức khỏe.

Còn được gọi là axit ascorbic, vitamin C tan trong nước, giàu chất chống ôxy hóa giúp tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể.

Do cơ thể không tự tổng hợp được vitamin C và cũng không dự trữ lâu trong cơ thể nên vitamin C cần được bổ sung hàng ngày qua ăn uống với các loại thực phẩm đa dạng. Các nguồn thực phẩm chính cung cấp vitamin C là trái cây và rau quả. Vitamin C có nhiều trong ổi, ớt chuông vàng, cam, quýt, kiwi, bông cải xanh, dâu tây và đu đủ…

2.2 Thực phẩm giàu vitamin D

Vitamin D tương tác với các thụ thể ACE2 trong cơ thể, có khả năng ngăn chặn virus liên kết với chúng và giảm các biến chứng liên quan đến COVID-19. Vitamin D cũng có thể đóng một vai trò bảo vệ và hỗ trợ chữa lành các mô bị tổn thương, chủ yếu ở phổi.

Tăng cường ăn các loại thực phẩm giàu vitamin D trong khi đã hoặc đang phục hồi sau COVID-19 là một cách tuyệt vời để giảm nguy cơ thiếu hụt vitamin D và có khả năng cải thiện phản ứng miễn dịch.

Thực phẩm giàu vitamin D là gan cá tuyết, các loại cá béo như cá trích, cá mòi, cá ngừ đóng hộp, cá hồi…, lòng đỏ trứng, nấm, sữa và các sản phẩm từ sữa…

2.3 Thực phẩm giàu protein

Protein là một trong những chất dinh dưỡng quan trọng nhất tăng cường cơ bắp, sức đề kháng của cơ thể. Protein giúp chữa lành các tế bào chết do coronavirus gây ra.

Bệnh nhân mắc COVID-19 cần cung cấp đủ lượng protein để ngăn ngừa mất cơ và duy trì các chức năng trao đổi chất. Mất cơ có thể dẫn đến suy nhược, mệt mỏi và không thể thực hiện các hoạt động hàng ngày. Thiếu hụt protein cũng có liên quan đến chức năng hệ thống miễn dịch bị suy giảm và có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng và dẫn đến thời gian phục hồi kéo dài.

Vì vậy, những người đang phục hồi sau COVID-19 nên tăng cường các loại thực phẩm như hạt và quả hạch, đậu lăng, các sản phẩm từ sữa, thịt gà, trứng và cá siêu giàu protein. Người ăn chay có thể bao gồm 2-3 phần ăn/ngày gồm đậu, đậu nành, sữa và các sản phẩm từ sữa, các loại hạt.

2.4 Thực phẩm tự nhiên kháng virus

Có một số loại thực phẩm có đặc tính kháng virus và được tiêu thụ nhiều trong mùa lạnh để tránh cảm lạnh và ho.

Với người trong gia đoạn phục hồi hậu COVID-19, nên sử dụng một số loại thảo mộc và gia vị có khả năng chống viêm, chống ôxy hóa và kháng virus như đinh hương, quế, gừng khô và tiêu đen để tăng cường khả năng miễn dịch.

2.5 Uống đủ nước

Việc uống đủ nước trong và khi sau khi khỏi COVID-19 là điều quan trọng hàng đầu. Nước giúp loại bỏ các chất độc qua mồ hôi và nước tiểu. Việc lựa chọn nước uống để bổ sung thêm các loại vitamin, khoáng chất, chất xơ, các chất chống ôxy hóa, các loại nước được chế biến rất đơn giản từ rau xanh, hoa quả và rất nhiều các loại khác tùy theo sở thích của mỗi người.

Các loại nước sinh tố hoa quả, ngoài cung cấp nước, chúng còn cung cấp các vitamin và khoáng chất cần thiết như nước chanh, nước cam, nước bưởi ép, nước xoài, rau má… để cung cấp lượng vitamin C, A là cần thiết cho cơ thể.

3. Thực phẩm cần hạn chế hậu COVID

Theo ThS.BS. Nguyễn Văn Tiến - Trung tâm Giáo dục Truyền thông Dinh dưỡng - Viện Dinh dưỡng Quốc gia, sau khi khỏi COVID cần hạn chế các thực phẩm dưới đây:

- F0 sau khi điều trị COVID-19 không nên ăn các thực phẩm có nhiều cholesterol như: nội tạng động vật, óc... Nên ăn ít nhất 3 bữa cá/1 tuần, 3 quả trứng/1 tuần và uống thêm sữa từ 1-2 cốc/ngày.

- Không ăn mặn và các loại thực phẩm có nhiều muối như giò, chả, xúc xích, đồ hộp, đồ biển, đồ khô, các thực phẩm muối chua…

- Hạn chế các loại thực phẩm, đồ uống có nhiều gas. Không nên uống nước trước hoặc trong bữa ăn.

Vân Khanh – Báo Sức khỏe & đời sống