Chế độ ăn giảm muối trong bệnh thận, tiết niệu

Cập nhật: 6/18/2018 - Lượt xem: 12059

Thận có chức năng bỏ bớt lượng dịch thừa ra khỏi cơ thể, gọi là nước tiểu. Khi ăn thừa muối, hàm lượng muối trong lòng mạch máu tăng cao hơn bình thường và làm mất sự cân bằng muối trong cơ thể, khiến thận phải thải muối cùng với nước qua nước tiểu. Nếu phải làm việc trong một thời gian dài, thận sẽ trở nên yếu đi. Do vậy chế độ ăn giảm muối giúp giảm gánh nặng làm việc cho thận. Còn khi đã bị tăng huyết áp, thông thường sẽ được điều trị với các thuốc lợi tiểu để thải được nhiều nước hơn khỏi cơ thể. Nếu kết hợp ăn giảm muối, kết quả điều trị trở nên tốt hơn.

Suy thận có nhiều cấp độ khác nhau nhưng bắt buộc phải có chế độ ăn uống rất nghiêm ngặt. Nếu không tuân thủ các chế độ ăn đặc biệt này bệnh sẽ có nguy cơ nặng lên và dẫn đến những biến chứng khác nhau.

Tại các cơ sở y tế khi người bệnh đến kiểm tra sức khỏe lời khuyên đầu tiên của bác sĩ về chế độ dinh dưỡng hợp lý đó là: Những người mắc bệnh về thận cần phải ăn nhạt.

Theo khuyến nghị chế độ ăn của người mắc bệnh thận của Hội Thận học Hoa Kỳ, Châu Âu và cập nhật chẩn đoán điều trị bệnh thận - tiết niệu của Bộ Y tế 2016 thì lượng natri vào khoảng < 2000mg/ngày.

Natri trong chế độ ăn có thể tạo ra từ các nguồn:

-         Có sẵn trong thực phẩm tự nhiên (Tôm, sò, ngao……)

-         Có trong các thực phẩm chế biến sẵn (Giò, chả, xúc xích, đồ hộp…..)

-         Từ gia vị dùng trong chế biến thức ăn hàng ngày.(hạt nêm, gia vị, nước mắm……)

Khi có phù, tăng huyết áp: nên lựa chọn các thực phẩm có lượng natri thấp, tính toán lượng muối, gia vị chứa natri khi chế biến món ăn. Hạn chế các thực phẩm có lượng natri cao như, các thực phẩm muối, đồ hộp, thực phẩm chế biến sẵn.

TS. Nghiêm Nguyệt Thu - Viện Dinh dưỡng Quốc gia