Dinh dưỡng hợp lý cho trẻ khi thời tiết giao mùa

Cập nhật: 12/22/2023 - Lượt xem: 5528

Thời tiết miền Bắc những ngày này đã có phần lạnh hơn. Đây cũng chính là khoảng thời gian chuyển mình giữa mùa thu sang mùa đông. Sự thay đổi nhiệt độ và độ ẩm tạo điều kiện thuận lợi cho một nhóm virus và vi khuẩn phát triển và có thể gây bệnh cho mọi người. Trẻ em đa số hệ miễn dịch chưa hoàn thiện sức đề kháng yếu, rất dễ bị nhiễm bệnh trong thời điểm giao mùa. Trẻ khi mắc bệnh dễ diễn biến nặng hơn người lớn.

Một số bệnh trẻ hay gặp thời điểm giao mùa thu đông

Cảm cúm

Bệnh lây lan thông qua không khí hoặc virus gây bệnh từ người khác truyền sang cơ thể bạn. Biểu hiện của bệnh thường là triệu chứng nghẹt mũi, chảy nước mũi, sốt, đau đầu, chóng mặt, ho, đau họng, chán ăn... Đặc biệt, không nên coi thường căn bệnh này mà nên chủ động cho trẻ đi khám, nhất là khi có dấu hiệu sốt cao để tránh nguy cơ mắc phải những biến chứng về sau.

Bệnh về đường hô hấp

Khi thời tiết chuyển mùa, virus hợp bào hô hấp (RSV) cũng sẽ phát triển mạnh hơn. Loại virus này có sẵn trong không khí và khi xâm nhập vào cơ thể sẽ phá vỡ hệ thống đề kháng của trẻ, nhất là ở hệ hô hấp. Một số bệnh về đường hô hấp thường gặp khi thời tiết giao mùa là viêm đường hô hấp, viêm phế quản, viêm phổi... tùy theo mức độ từ nhẹ đến nặng. Bệnh lây truyền thông qua đường miệng, nước bọt, tiếp xúc tay và dùng chung các vật dụng trong gia đình.

Đau mắt đỏ

Một trong những căn bệnh điển hình của thời điểm giao mùa chính là bệnh đau mắt đỏ (hay còn gọi là bệnh viêm màng kết). Ban đầu, trẻ sẽ bị đỏ một mắt trước, sau đó lan sang mắt còn lại. Trẻ thường cảm thấy khó chịu, cộm như có cát trong mắt, nhiều gỉ mắt, sưng đau, chảy nước mắt...

Dị ứng da, khô da

Sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm cùng sự sụt giảm độ ẩm không khí là tác nhân gây ra các chứng bệnh da liễu như khô nẻ, da dị ứng, mẩn đỏ… Biểu hiện bệnh thường là da nổi mẩn đỏ, ngứa ngáy gây khó chịu…

Biện pháp phòng tránh tăng cường miễn dịch

Uống nhiều nước: Chúng ta thường thiếu quan tâm đến việc bổ sung nước khi không khí khô lạnh hơn. Uống đủ nước giúp trẻ loại bỏ các chất độc, loại bỏ chất nhầy ra khỏi cơ thể, đồng thời giữ cho đường mũi và cổ họng đủ ẩm, giúp vi khuẩn ít có cơ hội bám vào hơn. Nước lọc, sữa, nước trái cây tươi nên là những lựa chọn ưu tiên cho trẻ.

Chế độ ăn uống khoa học: Dinh dưỡng tốt đầy đủ giúp trẻ phát triển tránh nguy cơ suy dinh dưỡng và mắc bệnh cho trẻ. Kết hợp trái cây và rau quả tươi trong bữa ăn giúp trẻ bổ sung lượng vitamin và khoáng chất lý tưởng để cơ thể có sức mạnh chống lại bệnh tật.

Hạn chế cho trẻ tiếp xúc gần với những người đang mắc các bệnh truyền nhiễm (chẳng hạn như cảm lạnh, cảm cúm,...), và thực hiện tốt việc vệ sinh cá nhân, mà hàng đầu là rửa tay đúng cách thường xuyên, tránh chạm vào các bề mặt như tay nắm cửa hoặc công tắc, che mặt khi ho hoặc hắt hơi, vệ sinh đồ chơi của trẻ thường xuyên,...

Tiêm phòng: Khi chuyển từ mùa này sang mùa khác, các loại virus liên tục biến đổi, tốt nhất bạn nên cho trẻ tiêm phòng cúm để phòng ngừa.

Ngủ đủ giấc giúp các tế bào T trong cơ thể chống lại nhiễm trùng, giấc ngủ ngon còn giúp cải thiện chức năng của các tế bào T và giúp trẻ lớn.

Tập thể dục thường xuyên: Vận động hỗ trợ trẻ phát triển thể chất, duy trì hệ thống miễn dịch mạnh mẽ, từ đó giúp chống lại vi sinh vật gây bệnh và giảm nguy cơ bị nhiễm bệnh khi chuyển mùa.

Vận động thường xuyên là một trong những cách giúp trẻ phát triển thể chất, tăng cường hệ miễn dịch
(Ảnh sưu tầm: Internet)

Thực phẩm nên ăn tăng cường miễn dịch

Thức ăn được tiêu hóa, hấp thu và chuyển hóa để sinh năng lượng cho cơ thể hoạt động và tái tạo cũng như tạo ra các yếu tố miễn dịch. Việc lựa chọn thực phẩm có các chất dinh dưỡng phù hợp, tỷ lệ cân đối giúp cho cơ thể khỏe mạnh, tạo nhiều yếu tố miễn dịch để nâng cao sức chống đỡ của cơ thể con người với virus gây bệnh. Một số thực phẩm tốt cho hệ miễn dịch mà bạn nên lưu ý bổ sung cho trẻ

Cá béo

Các loại cá béo như cá hồi rất giàu axit béo omega-3 không chỉ cần thiết cho sự phát triển của não bộ mà còn làm giảm chứng viêm bằng cách tăng cường chức năng của các tế bào miễn dịch, làm tăng luồng không khí và bảo vệ phổi khỏi cảm lạnh và nhiễm trùng đường hô hấp. Nghiên cứu mới nhất cũng chỉ ra rằng những axit béo này nâng cao hệ thống miễn dịch

Trứng

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng khi một người thiếu vitamin D, sẽ dễ bị ốm hơn. Trứng là một trong những thực phẩm có chứa vitamin D. Trong trứng cũng chứa một số chất dinh dưỡng giúp cải thiện miễn dịch khác, chẳng hạn như vitamin B và selen.

Sữa chua

Probiotics trong sữa chua kích thích hệ thống miễn dịch của bạn. Nên lựa chọn các sản phẩm sữa chua ít đường hoặc không thêm đường!

 

Rau xanh

Các loại rau xanh như súp lơ xanh, cải bó xôi là các siêu thực phẩm giàu vitamin C, A, E và một số chất chống oxy hóa, folate, mangan, kẽm, selen và sắt. Tất cả các chất dinh dưỡng này hoạt động theo những cách khác nhau để tăng cường chức năng hệ thống miễn dịch. 

Các loại hạt

Đây là những thực phẩm giàu vitamin E, kẽm và axit béo omega 3, chúng có vai trò giúp ích cho hệ thống miễn dịch của cơ thể. Tuy nhiên, các loại hạt có thể gây nguy cơ hóc và tắc nghẽn đường thở, vì vậy hãy cẩn thận khi cho trẻ ăn các loại hạt. Hầu hết trẻ đều có thể ăn hạt tốt sau 3 tuổi nếu chế biến phù hợp.

Quả mọng

Quả mọng rất giàu chất chống oxy hóa, giúp giữ cho hệ thống miễn dịch luôn trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu với các tác nhân gây bệnh. Có rất nhiều loại quả mọng khác nhau mà bạn nên thử đưa vào chế độ ăn uống của trẻ như dâu tây, việt quất, mâm xôi

Quả mọng giàu chất chống oxy hóa, giúp tăng cường hệ thống miễn dịch (Ảnh sưu tầm: Internet)

Sự đa dạng về thực phẩm là chìa khóa để giữ cho hệ thống miễn dịch khỏe mạnh vì mỗi chất dinh dưỡng khác nhau lại có tác dụng tăng cường khả năng miễn dịch theo cách khác nhau. Đây là những thực phẩm hàng đầu hỗ trợ cho hệ thống miễn dịch khỏe mạnh. Hi vọng rằng những ý tưởng này sẽ giúp bạn lựa chọn được những thực phẩm tốt  vào chế độ ăn để cơ thể phát triển toàn diện và luôn khỏe mạnh.

TS. Phan Bích Nga - Khoa Khám Tư vấn dinh dưỡng trẻ em - Viện Dinh dưỡng