Dinh dưỡng là nghề nghiệp cần thiết, đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội

Cập nhật: 6/27/2018 - Lượt xem: 73176
Dinh dưỡng là một nghề không thể thiếu ở các nước phát triển cũng như các nước trong khu vực Đông Nam Á. Cán bộ dinh dưỡng là một nghề chăm sóc sức khỏe bằng điều chỉnh thích hợp chế độ dinh dưỡng và khẩu phần ăn uống giúp cải thiện sức khỏe. Nhiệm vụ chính của cán bộ dinh dưỡng là giám sát dịch vụ ăn uống, xây dựng thực đơn, xây dựng và tiến hành các can thiệp dinh dưỡng điều trị, giáo dục cá thể và cộng đồng về thói quen dinh dưỡng tốt. Nhu cầu cán bộ dinh dưỡng tăng lên hàng năm do nhận thức về vai trò dinh dưỡng trong phòng và điều trị các bệnh mạn tính và tăng tỷ lệ người già của các nước trên thế giới. Điều tra của Hiệp hội dinh dưỡng quốc tế năm 2008 ở 37 nước phát triển và đang phát triển cho thấy nghề dinh dưỡng có ở 71% số nước. Số cán bộ dinh dưỡng/100.000 dân của Malaysia là 2, của Anh, Pháp và Đài loan là từ 6 - 10, của Úc, Mỹ và Hà Lan là 16-20, của Nhật bản là 25. Tổng số 23/37 nước xác định trình độ cử nhân là mức tối thiểu cho cán bộ dinh dưỡng.
Ảnh minh họa
Ở nước ta, trước năm 2015, Dinh dưỡng chưa được quy định là một nghề nghiệp. Những cán bộ làm công tác dinh dưỡng đều là các bác sỹ hoặc các ngành có liên quan gần như y tế công cộng sau khi được tham gia các khóa ngắn hạn về dinh dưỡng. Từ năm 2015, nhận thức được vai trò và sự cần thiết của nghề Dinh dưỡng, Chính phủ đã phê chuẩn và xác định Dinh dưỡng là một nghề nghiệp trong hệ thống nghề nghiệp quốc gia theo Thông tư liên tịch số 28/2015/TTLT-BYT-BNV, ngày 07 tháng 10 năm 2015 về Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp dinh dưỡng. Nội dung của Thông tư này đưa ra quy định về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương theo chức danh nghề nghiệp dinh dưỡng, trong đó phân hạng chức danh nghề nghiệp dinh dưỡng thành ba hạng là: Dinh dưỡng hạng II (Mã số: V.08.09.24); Dinh dưỡng hạng III (Mã số: V.08.09.25) và Dinh dưỡng hạng IV (Mã số: V.08.09.26). Trong đó có những quy định cụ thể về nhiệm vụ cho từng hạng dinh dưỡng như:

· Dinh dưỡng hạng II: Chủ trì xây dựng và tổ chức thực hiện các quy định, quy trình, phác đồ, kiểm tra, giám sát, truyền thông, giáo dục, tư vấn và công tác chỉ đạo tuyến về dinh dưỡng tiết chế, an toàn thực phẩm tại bệnh viện và cộng đồng. Cán bộ dinh dưỡng hạng II phải tốt nghiệp chuyên khoa cấp 1 hoặc thạc sĩ trở lên chuyên ngành dinh dưỡng và phải có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp dinh dưỡng hạng II.

· Dinh dưỡng hạng III: tổ chức thực hiện các quy định, quy trình, phác đồ, kiểm tra, giám sát, truyền thông, giáo dục, tư vấn và công tác chỉ đạo tuyến về dinh dưỡng tiết chế, an toàn thực phẩm tại bệnh viện và cộng đồng. Cán bộ dinh dưỡng hạng III phải tốt nghiệp đại học chuyên ngành dinh dưỡng trở lên.

·        Dinh dưỡng hạng IV: thực hiện các quy định, quy trình, phác đồ, kiểm tra, giám sát, truyền thông, giáo dục, tư vấn và tham gia công tác chỉ đạo tuyến về dinh dưỡng tiết chế, an toàn thực phẩm tại bệnh viện và cộng đồng. Cán bộ dinh dưỡng hạng IV phải tốt nghiệp cao đẳng dinh dưỡng;

Hiện nay dân số nước ta hơn 95 triệu người, sẽ đạt tới mức 100 triệu người trong vòng 10 năm tới, giai đoạn dân số vàng sẽ dần dần thay thế bằng giai đoạn dân số già, sự chăm sóc dinh dưỡng cộng đồng và bệnh viện, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho toàn dân, tăng cường chăm sóc dinh dưỡng nhằm phòng chống các bệnh mạn tính là những đòi hỏi cấp thiết. Để đạt được mức như Đài loan và Úc (tỷ lệ 6-10 cán bộ dinh dưỡng/100,000 dân) thì số lượng cán bộ dinh dưỡng ở Việt Nam cần được đào tạo lên tới 8,000 người.

Với việc đào tạo cán bộ dinh dưỡng hạng III: Để đào tạo được 8.000 cán bộ này với sự tham gia của 15 cơ sở đào tạo y dược (trường đại học y, khoa y dược) trong cả nước với số lượng 80 sinh viên/năm thì chúng ta cần tới 10 năm để đáp ứng nhu cầu. Trên thực tế, chương trình đào tạo cử nhân dinh dưỡng được Bộ Giáo dục & Đào tạo cho phép thí điểm tại trường Đại học Y Hà Nội đào tạo với số lượng năm 2013 mới chỉ là 46 sinh viên, năm 2014 là 35 sinh viên. Cho tới nay, với sự hỗ trợ của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, mạng lưới đào tạo Cử nhân đại học dinh dưỡng đã được thực hiện tại 07 trường đại học: Đại học Y Hà Nội, Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh, Đại học Y Phạm Ngọc Thạch, Đại học Đông Á Đà Nẵng, Đại học Y tế Công cộng Hà Nội, Đại học Thăng Long và Đại học Thành Đông. Đặc biệt với đại học Thành Đông, Viện Dinh dưỡng Quốc gia và Dự án VINEP đã áp dụng mô hình của Nhật Bản để xây dựng chương trình đào tạo trình độ đại học dinh dưỡng tiên tiến đầu tiên tại Việt Nam. Những sinh viên của khóa học này được hưởng nhiều ưu đãi của Dự án VINEP như: học bổng “học giỏi vượt khó”, tài liệu giảng dạy hiện đại cập nhật, trang web tương tác thầy - trò hiệu quả, tiết kiệm thời gian, cơ sở thực hành hiện đại của Viện Dinh dưỡng, tham dự một số bài giảng của giáo sư Nhật Bản, cơ hội thực tập tại Nhật bản cho học viên xuất sắc…

Với việc đào tạo cán bộ dinh dưỡng hạng IV: Năm 2017 - 2018, trong khuôn khổ Dự án VINEP, Viện Dinh dưỡng Quốc gia đã hỗ trợ trường Cao đẳng y Phú Thọ và Trường cao đẳng Thương mại Hà Nội xây dựng chương trình đào tạo trình độ cao đẳng dinh dưỡng tiên tiến đầu tiên tại Việt Nam và đang trình Bộ Lao động thương binh và Xã hội phê duyệt.

Sự quan tâm đến dinh dưỡng của Chính phủ cùng với sự nỗ lực của Viện Dinh dưỡng quốc gia và các trường đại học, cao đẳng trong cả nước, trong thời gian tới, đội ngũ các cán bộ dinh dưỡng có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sẽ được đào tạo, đáp ứng nhu cầu của xã hội và góp phần duy trì và nâng cao sức khoẻ con người, phòng ngừa và ngăn ngừa mức độ nghiêm trọng của bệnh tật từ đó giúp nâng cao chất lượng cuộc sống

PGS.TS. Nguyễn Đỗ Huy - Giám đốc Trung tâm Đào tạo

Email: nguyendohuy@dinhduong.org

Điện thoại: 0983082475; 0988628783; 0913558179; 02439724031