Giảm mức thiếu an ninh thực phẩm và suy dinh dưỡng ở 3 tỉnh phía Bắc

Cập nhật: 6/18/2018 - Lượt xem: 2507

Ngày 18/6, Viện Dinh dưỡng đã tổ chức Hội nghị tổng kết dự án Cải thiện an ninh thực phẩm hộ gia đình phụ nữ nông thôn nghèo thông qua mô hình chế biến thực phẩm dinh dưỡng qui mô nhỏ ở Việt Nam.

Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, tỷ lệ thiếu dinh dưỡng ở bà mẹ và trẻ em vẫn rất cao, nhất là các vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, dân tộc ít người và vùng chịu ảnh hưởng của thiên tai. Điều này sẽ gây hậu quả lâu dài đến chất lượng nguồn nhân lực, làm chậm quá trình giảm nghèo, công bằng, phát triển kinh tế ở một số vùng khó khăn.

Chính vì vậy, ngành y tế đã triển khai nhiều mô hình hiệu quả với các giải pháp đồng bộ giúp giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em trong cả nước cũng như nhóm trẻ người dân tộc thiểu số.

 Các đại biểu tham dự buổi tổng kết dự án sáng ngày 18/6. Ảnh PT

Các đại biểu tham dự buổi tổng kết dự án sáng ngày 18/6. Ảnh PT

Dự án “Cải thiện an ninh thực phẩm hộ gia đình phụ nữ nông thôn nghèo thông qua mô hình chế biến thực phẩm dinh dưỡng qui mô nhỏ ở Việt Nam” được triển khai từ tháng 11/ 2015 đến nay tại 3 tỉnh phía Bắc (Lào Cai, Lai Châu, Hà Giang) dưới sự tài trợ của Quỹ an ninh lương thực quốc tế Canada nhằm giảm mức thiếu an ninh thực phẩm và suy dinh dưỡng mạn tính, đặc biệt là của phụ nữ và trẻ em, thông qua giải quyết tình trạng nghèo đói và thiếu khả năng tiếp cận đến các thức ăn hợp lý ở các tỉnh miền núi.

Để đạt mục tiêu này, các cơ sở sản xuất thực phẩm nhỏ được thiết lập để sản xuất thực phẩm bổ sung có tăng cường vi chất và thu mua nguyên liệu là nông sản địa phương do phụ nữ nông thôn nghèo sản xuất trên địa bàn dự án. Dự án cũng thử nghiệm mô hình can thiệp, đánh giá hiệu quả thông qua các chỉ số suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ thiếu an ninh lương thực ở mức nặng của những hộ gia đình nữ nông dân nghèo; đẩy mạnh việc lồng ghép phân tích an ninh thực phẩm vào các chính sách và chương trình công cộng…

Theo đánh giá của cơ quan thực hiện, Dự án đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống của người dân. Qua triển khai dự án, gần 1700 trẻ dưới 2 tuổi tại 9 xã can thiệp thuộc 3 tỉnh; 2550 trẻ ở 10 trường mầm non và bà mẹ của trẻ… được hưởng lợi từ các dây chuyền thực phẩm sạch, an toàn, bảo đảm các vi chất dinh dưỡng như: nhà xưởng sản xuất cháo ngon (thành phần gồm gạo, chất khoáng có sắt và kẽm); sản phẩm bột rau được sản xuất từ nguyên liệu tự nhiên, sẵn có.

Tỷ lệ SDD trẻ em và bà mẹ đã giảm rõ rệt. Chẳng hạn, tỷ lệ SDD trẻ nhẹ cân đã giảm từ 17,2% xuống còn 13,9%; SDD gầy còm từ 7,6 giảm còn 4,2%. Tình trạng thiếu máu trẻ em giảm từ 61,3% xuống 16,1%...

Đồng thời, dự án còn tập huấn cho cán bộ làm công tác dinh dưỡng về nuôi dưỡng trẻ nhỏ tại địa bàn để tăng khả năng chấp nhận và sử dụng sản phẩm dinh dưỡng được sản xuất tại các cơ sở mới thiết lập.