Làm thế nào để biết mình có bị Đái tháo đường không?

Cập nhật: 11/30/2021 - Lượt xem: 4642

I. XÉT NGHIỆM ĐƯỜNG HUYẾT

Bệnh tiểu đường được xác định bằng cách xét nghiệm nồng độ glucose trong máu (hay còn gọi là đường huyết). Đái tháo đường được chẩn đoán xác định nếu kết quả xét nghiệm máu 2 lần đều có một trong các kết quả như dưới đây:

 - Glucose máu khi nhịn đói trên 8 giờ đồng hồ: Từ 7,0 mmol/l trở lên (hay từ 126mg/dl trở lên).

- Glucose máu sau khi làm nghiệm pháp dung nạp glucose: Từ 11,1 mmol/l trở lên (hay từ 200mg/dl trở lên).

- Glucose máu ở một thời điểm bất kỳ: Từ 11,1 mmol/l trở lên (hay từ 200mg/dl trở lên) kèm theo các triệu chứng như uống nhiều, tiểu nhiều, sụt cân nhanh không giải thích được.

II. MỘT SỐ TRIỆU CHỨNG ĐIỂN HÌNH Ở NGƯỜI BỊ ĐÁI THÁO ĐƯỜNG 

Triệu chứng điển hình của đái tháo đường bao gồm: Ăn nhiều, uống nhiều, đi tiểu nhiều và gầy sút cân nhiều. Tuy nhiên, chúng ta nên lưu ý là khi đã có các triệu chứng này thì bệnh đã ở giai đoạn phải điều trị.

Một số triệu chứng khác: khô miệng, khô da, mệt mỏi, nhức đầu, chóng mặt, mất ngủ, rụng tóc và rối loạn kinh nguyệt (ở phụ nữ), vết thương lâu lành, có cảm giác kiến bò ở đầu chi...

Triệu chứng của cơn hạ đường huyết:

 - Đói bụng

 - Mệt mỏi

 - Lo lắng, bồn chồn

- Run rẩy, vã mồ hôi, nhức đầu, hoa mắt chóng mặt.

 - Mất tập trung

 - Mờ mắt, nói sảng

 - Lơ mơ, hôn mê

III. HƯỚNG DẪN CÁCH THỬ ĐƯỜNG HUYẾT, THEO DÕI ĐƯỜNG HUYẾT

Người bệnh đái tháo đường tuýp 1: nên thử đường huyết thường xuyên, ít nhất 3 lần mỗi ngày để đạt mục tiêu điều trị.

Người bệnh đái tháo đường tuýp 2: nên thử đường huyết một số lần như sau:

- Buổi sáng lúc đói, trước ăn trưa, trước ăn chiều

- Sau ăn 1-2 giờ (sáng, trưa, chiều)

- Trước lúc đi ngủ

- Lúc 2 giờ hoặc 3 giờ sáng: khi nghi ngờ có hạ đường huyết vào ban đêm

Cách thử đường huyết tại nhà:

Để kiểm tra đường huyết tại nhà, người bệnh nên sử dụng máy đo đường huyết cá nhân.

Các bước sử dụng máy đo đường huyết cá nhân để thử đường huyết tại nhà:

- Rửa tay bằng nước ấm, sau đó lau khô tay trước khi đo.

- Lắp kim lấy máu vào ống bút.

- Điều chỉnh độ sâu của kim phù hợp với mức độ dày của da.

- Lắp que thử vào máy đo đường huyết. Code của que thử phải trùng khớp với mã code hiện trên máy. Sau khi lấy que thử nhanh chóng đóng lọ que thử để tránh độ ẩm xung quanh tác động lên các que khác.

- Xoa nhẹ đầu ngón tay để máu lưu thông về đầu ngón tay.

- Đặt kim chích ở mép ngoài cạnh đầu ngón tay và bấm chích máu. Ấn nhẹ ống bút vào đầu ngón tay, kim lấy máu sẽ đâm nhẹ vào ngón tay của.

- Nhỏ giọt máu vừa xuất hiện lên phần que thử trên máy đo.

- Dùng bông sạch ấn nhẹ vào ngón tay để cầm máu.

- Đợi máy hiện thử kết quả và vệ sinh dụng cụ theo đúng hướng dẫn.

Lưu ý: một số trường hợp cho kết quả đo đường huyết không đúng, có thể do: cho không đủ máu vào que thử, tay không sạch, que thử hết hạn sử dụng, máy không được định chuẩn… nên trước khi thử, cần phải hết sức chú ý.